VietTimes — Cần phải cải tiến mạnh mẽ công tác bầu cử. Phải có cơ chế để người dân tự ra ứng cử và phải có tranh cử để cử tri lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.
Điều cần nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để QH có thực quyền hơn.Đó là ý kiến của GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH).
***
Đảng cần thay đổi phương thức lãnh đạo để QH có thực quyền hơn
Thưa Giáo sư, sau 10 năm làm đại biểu Quốc hội, ông thấy điều gì cần được quan tâm nhất để đổi mới hoạt động của QH nhiệm kỳ tới nhằm đạt hiệu quả hoạt động cao hơn?
– Điều cần nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để QH có thực quyền hơn, chủ động hơn trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng. Hiến pháp, rồi Luật Tổ chức QH đều khẳng định QH là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng trong thực tế hoạt động QH, có nhiều vấn đề QH vẫn phải chờ ý kiến của Trung ương hoặc Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới quyết định được.Đương nhiên có những việc thuộc thẩm quyền của Đảng thì Đảng quyết, nhưng cũng cần phân định rõ những việc gì phải xin ý kiến Trung ương hoặc Bộ Chính trị, Ban Bí thư; những việc gì giao Đảng đoàn QH bàn bạc rồi đưa ra QH quyết luôn.
Ví dụ, khi những người đứng đầu các cơ quan nhà nước thuộc diện QH bầu và phê chuẩn vi phạm pháp luật hoặc không đủ khả năng và phẩm chất để đảm nhiệm chức vụ nữa thì QH cần có quyền lập Ủy ban lâm thời để điều tra, bỏ phiếu bất tín nhiệm và làm thủ tục miễn nhiệm người đó, chứ không phải chờ đến khi Trung ương họp, có ý kiến rồi QH mới xử lý được.
Hay là, đối với các dự án quan trọng quốc gia, cần thay đổi quy trình “bàn bạc – chỉ đạo – quyết định” theo hướng: Trước hết, để cho các cơ quan chuyên môn của QH thẩm định, QH bàn thảo kỹ; sau đó báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến chỉ đạo; nếu cần thì Bộ Chính trị báo cáo BCH TƯ ra nghị quyết; chứ không nên làm ngược lại, dẫn đến tình trạng QH bàn rồi, đại biểu đề nghị thông qua hoặc không thông qua rồi lại bảo “cái này TƯ đã thống nhất thông qua, đề nghị QH cho thông qua”.
Ông có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể những trường hợp như vậy không?
– Ví dụ, chuyện thông qua dự án mở rộng Thủ đô năm 2008. Khi thăm dò thì số đại biểu ủng hộ và phản đối dự án ngang nhau, đều 226. Tuy nhiên, sau đó các đại biểu là ủy viên TƯ, Trưởng các Đoàn đại biểu được triệu tập và nhận ý kiến chỉ đạo là phải quán triệt đại biểu thông qua vì TƯ đã quyết rồi. Thế là ngày hôm sau bỏ phiếu, kết quả 92,9% đồng ý thông qua dự án; chỉ có 4 phiếu chống, 13 phiếu trắng.
Sau này, khi bàn về chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ Chính trị đã thay đổi phương thức lãnh đạo, nghĩa là Trung ương không quyết trước mà chỉ nhất trí cho trình dự án ra QH, để QH toàn quyền bàn thảo và quyết. Kết quả là dự án đường sắt cao tốc ấy không được thông qua.
Trong công tác lập pháp và giám sát cũng vậy, QH có thực quyền thì mới có thể xây dựng được những đạo luật phù hợp với thực tế; giám sát mới có hiệu quả. Vì vậy Đảng cần thay đổi phương thức lãnh đạo để QH có thực quyền hơn.
Cần có cơ chế tranh cử công khai
Một trong những chức năng quan trọng nhất của QH là làm luật. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải đại biểu nào cũng có kiến thức cao về pháp luật. Thế mới có chuyện trước đây ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phát biểu rằng “QH làm văn tập thể”. Thưa GS, liệu có phải việc quá ít đại biểu chuyên nghiệp nên ảnh hưởng đến chất lượng làm luật của QH không?
– Không có QH nước nào mà tất cả hoặc phần lớn đại biểu đều là những nhà chuyên môn về luật cả. Đại biểu đại diện cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ngay cả các nghị sĩ chuyên nghiệp thì họ cũng là những nhà chính trị hơn là chuyên gia về luật. Còn về câu hỏi “Liệu có phải việc quá ít đại biểu chuyên nghiệp nên ảnh hưởng đến chất lượng làm luật của QH không?” thì theo tôi là có ảnh hưởng, nhưng không lớn lắm vì QH làm luật là làm chính sách, chứ không phải làm kỹ thuật luật. Những kỹ thuật cụ thể có các chuyên viên làm, nước nào cũng thế thôi.
Ông Vũ Đức Khiển phải nhận xét “QH làm văn tập thể” chính là vì khi thảo luận về dự thảo luật, nhiều đại biểu chỉ đề nghị thay từ này bằng từ kia, thay dấu chấm bằng dấu phẩy v.v. mà không tập trung phân tích xem các chính sách trong dự thảo có hợp lý không, có phù hợp với thực tế không, có phù hợp với nguyện vọng của dân không, có cần bổ sung, sửa đổi gì không.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là nhiều luật của ta chất lượng chưa cao. Có nhiều lý do. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là việc thông qua một đạo luật phụ thuộc vào nhiều bên chứ không phải chỉ có cơ quan lập pháp là QH. Luật còn phụ thuộc vào cơ quan trình, tức là Chính phủ. Rồi thì ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, BCH TƯ. Luật càng quan trọng (ví dụ như Luật Đất đai, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí) thì càng có nhiều ý kiến chỉ đạo, tham gia.
Thứ hai, các cơ quan trình luật thường có xu hướng bảo vệ lợi ích của mình, nên thiết kế các điều luật có lợi cho họ hoặc cho công việc của họ. Khi dự thảo đưa ra, dù QH có không hài lòng, nhưng cũng không dễ mà chỉnh sửa được. Đó là chưa kể cơ quan trình còn tác động đến cấp này cấp kia để giữ nguyên. Thậm chí, dù cho đại biểu bác bỏ một cách có lý, cấp có thẩm quyền vẫn còn thuyết phục đại biểu thông qua, như lời một bài hát của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH, người đã từng tham gia QH 5 khóa liền: “Ý kiến đại biểu tuy rất hay. Nhưng nếu tiếp thu thì rất gay. Mong đại biểu cho giữ nguyên như cũ. Và tiếp tục phát biểu hăng say”. Bài hát được ông Vũ Mão lúc còn đương chức “trình diễn” nhiều lần không phải bên bàn trà mà trước các hội nghị.
Thứ ba, ở nước ta luật ra rồi nhưng phải chờ nghị định. Có nghị định rồi lại phải chờ thông tư hướng dẫn. Nhiều khi nghị định và thông tư lại “làm méo” cả luật.
Thứ tư, cũng còn có lý do nữa là nhiều khi các cơ quan trình luật và cả đại biểu đành tạm chấp nhận theo kiểu “đặt một chân” vào đã rồi tính sau. Vì nhiều khi không làm thế thì luật không thể thông qua được.
QH của chúng ta hiện nay vẫn “cơ cấu” theo kiểu “mặt trận” bằng việc quy định tỷ lệ đầy đủ các tầng lớp trong xã hội. Rồi thì có những trường hợp người dân đi bầu theo cảm tính chứ nhiều khi có biết năng lực, phẩm chất của ứng cử viên ấy ra sao đâu. Thế mới có chuyện những đại biểu được bầu như Hoàng Hữu Phước của Tp.HCM đã gây rất nhiều tai tiếng ở nhiệm kỳ vừa qua. Thậm chí đại biểu Trần Du Lịch còn gọi ông Phước là “không bình thường”. Vậy tại sao chúng ta không có cơ chế tranh cử công khai để người dân lựa chọn, thưa Giáo sư?
– Cơ cấu QH có đại biểu đại diện cho các thành phần khác nhau như công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc ít người, thanh niên, phụ nữ v.v. là chuyện bình thường vì QH là cơ quan đại biểu của dân, cần có đại diện cho các tầng lớp khác nhau, hay nói theo cách khác là đại diện cho các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi, cũng không nên quy định cứng nhắc về cơ cấu thành phần. Ví dụ, cơ cấu ít nhất 35% đại biểu là phụ nữ, 10% đại biểu là người ngoài đảng, 10% người dưới 40 tuổi,… , thì đó là chỉ tiêu phấn đấu, còn đạt bao nhiêu là tùy thuộc vào nỗ lực của ứng cử viên và sự lựa chọn của cử tri.
Cơ cấu quá cứng nhắc, hình thức có thể làm cho cử tri giảm dần ý thức trách nhiệm trong bầu cử. Thế mới có chuyện một người đi bầu thay cho cả gia đình. Thậm chí ra tới nơi bầu cử rồi mới đọc qua sơ yếu lý lịch của ứng cử viên để bầu. Có cử tri còn hỏi người trong tổ bầu cử là nên để ai, gạch tên ai. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, cần phải cải tiến mạnh mẽ công tác bầu cử.
Phải có cơ chế để người dân tự ra ứng cử bình đẳng với người được các tổ chức giới thiệu ra ứng cử; ứng cử viên phải trình bày, thậm chí tranh luận về chương trình hành động để cử tri lựa chọn được những đại biểu xứng đáng.
Theo Giáo sư thì có cần cải cách gì về cách thức chia các đơn vị bầu cử như hiện nay không?
– Theo tôi thì cần chia nhỏ các đơn vị bầu cử; mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu thôi. Ví dụ, tỉnh X trước đây có 2 đơn vị bầu cử; mỗi đơn vị gồm 5, 6 huyện thị, được bầu 6 đại biểu và hình thành một đoàn đại biểu; bây giờ nên chia thành 6 đơn vị bầu cử và mỗi đơn vị chỉ bầu một đại biểu. Làm như vậy, đại biểu đó sẽ phải gắn chặt trách nhiệm với cử tri và được cử tri giám sát chặt chẽ. Trong nhiệm kỳ, năng lực, trách nhiệm của đại biểu đó ra sao, cử tri người ta thấy rõ ngay.
Còn như hiện nay, tất cả hoạt động trong một đoàn đại biểu, trách nhiệm chịu chung. Khi đoàn đi tiếp xúc cử tri, thậm chí một, hai đại biểu vắng mặt, cử tri cũng thấy bình thường. Có đại biểu cả nhiệm kỳ 5 năm không một lần phát biểu tại nghị trường, không giải quyết được một việc gì cho cử tri cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì.
Thu thập chữ ký và vấn đề kiều bào về ứng cử, bầu cử
Hiện đã có một số người tuyên bố là sẽ ra tranh cử QH nhiệm kỳ tới, thậm chí có người còn đưa ra cả chương trình hành động để tranh cử nữa. Cũng có ý kiến cho rằng thay vì MTTQ tổ chức hiệp thương như hiện nay, nên để cho những người có nguyện vọng ra tranh cử thu thập chữ ký cử tri. Giáo sư nghĩ gì về những vấn đề này?
– Trước hết phải nói rằng việc ngày càng có nhiều người tuyên bố ra ứng cử đại biểu QH là dấu hiệu tích cực. Điều đó chứng tỏ hoạt động của QH từ khi đổi mới đến nay, đặc biệt trong thời gian qua, đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Hơn nữa, việc có nhiều người dân ra ứng cử như vậy thể hiện ý thức chính trị, ý thức với công việc chung của đất nước đã được nâng lên. Đấy là điều đáng quý.
Đọc chương trình hành động của một số người tuyên bố sẽ ra tranh cử, tôi thấy về kỹ thuật có thể còn có vấn đề này kia, nhưng về ý tưởng là nghiêm túc và cũng có những ứng cử viên có những chương trình hành động khá hấp dẫn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tạo điều kiện để những người này có cơ hội tham gia ứng cử.
Còn việc thay vì hiệp thương, nên để ứng cử viên thu thập chữ ký nơi mình công tác, sinh sống để tham gia tranh cử, theo tôi, cũng là một hướng mà QH khoá tới nên cân nhắc để điều chỉnh luật. Làm như vậy cũng là một cách để nâng cao ý thức của cử tri.
Vừa qua có nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài lên tiếng rằng chúng ta nên tạo điều kiện cho đồng bào ở nước ngoài có thể ứng cử và bầu cử QH. Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?
– Tôi nghĩ về mặt nguyên tắc thì đồng bào mình sống ở nước ngoài, còn giữ quốc tịch Việt Nam phải được tham gia bầu cử và ứng cử. Có điều là từ trước đến nay, vì nhiều lý do khác nhau nên chúng ta chưa tổ chức được cho đồng bào ứng cử, bầu cử. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể để chúng ta thấy sự phức tạp của vấn đề. Ở một vài địa phương nước ngoài, một bộ phận người Việt treo quốc kỳ Việt Nam, thậm chí là chỉ cắm chảo antenna để bắt sóng truyền hình trong nước cũng bị nhóm người Việt khác đập phá.
Trong bối cảnh như vậy mà tổ chức hòm phiếu để bầu cử sẽ rất khó đảm bảo kết quả. Còn việc người Việt Nam ở nước ngoài về tham gia ứng cử thì QH cũng đã có bàn bạc, thảo luận rồi, nhưng có cái khó là cử tri trong nước hầu như không biết rõ về các vị đó; và nếu có trúng cử QH thì các đại biểu này cũng khó sát với cử tri. Vì vậy, việc này cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể.
Xin cám ơn Giáo sư!
LTB – LA
lu thgu vat ma fia cs vn tin baqt cu dieu gi tu cai nha nuocXHCN thu vat am binh ma fia cs vn dang nay la tu sat
Quyền mà theo kiểu van xin sự bố thí của đảng liệu có còn được gọi là “quyền” không ?
tụi nó đang chổng khu lên nghe ông nói đó .
Lính Trung quốc bị bắt ở biên giới 1979