Tăng cường vũ trang trên Hoàng Sa thể hiện tham vọng to lớn của Trung Quốc tại Biển Đông

Greg Torode, Megha Rajagopalan - Reuters

Tàu tuần tra của Trung Quốc tại Biển Đông (Ảnh: Reuters)
- Quảng Cáo -

Từ những trạm dò tin đến việc triển khai chiến đấu cơ và các giàn hỏa tiễn hiện nay, việc mở rộng các phương tiện quân sự trên quần đảo Hoàng Sa là chỉ dấu của kế hoạch dài hạn củng cố tầm quân sự trên Biển Đông.

Giới ngoại giao và chuyên gia an ninh quen biết với các chiến lược gia quân sự Trung Quốc cho biết động thái tăng cường vũ trang trên quần đảo Hoàng Sa nhiều phần sẽ được lập lại trên các đảo nhân tạo trong vùng Trường Sa.

Sau cùng, cả hai quần đảo trong vòng tranh chấp này sẽ được dùng cho các hoạt động không quân và thám thính thường trực, kể cả tuần tra chống tàu ngầm, cùng lúc đó cung cấp chỗ ở cho một khối dân sự đáng kể nhằm hậu thuẫn cho các tuyên nhận chủ quyền.

Quan trọng hơn hết, các điều trên sẽ cho Bắc Kinh lý cơ lập những vùng phòng không trên Biển Đông, tương tự như vùng thành lập trên biển Đông Hải hồi cuối năm 2013.

Hình vệ tinh đảo Phú Lâm chụp tại hai thời điểm khác nhau cho thấy Trung Quốc đưa giàn hỏa tiễn lên đảo hôm 14 Tháng Hai, 2016.
- Quảng Cáo -

Giới chức Hoa Kỳ xác nhận là có các giàn hoả tiễn phòng không trên đảo Phú Lâm (Woody) mới đây, và chỉ trích hành động này trái ngược với cam kết của Trung Quốc hứa không quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh thì lên tiếng cho rằng họ có quyền “có phương tiện tự vệ giới hạn” trên lãnh thổ, và gạt bỏ các nguồn tin về giàn hỏa tiễn cho đó là sự thổi phồng của truyền thông.

Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Học Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nghĩ rằng các vũ khí tương tự có thể được đưa đến Trường Sa trong vòng một hay hai năm. Ông nói thêm, “việc này sẽ giúp cho lời cảnh cáo của Trung Quốc có thêm trọng lượng”.

Bonnie Glaser, một nhà phân tích quân sự tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Quốc Tế tại Washington, nói rằng việc tăng cường vũ trang trên Hoàng Sa là bước đầu của việc triển khai quân sự tương tự trên các đảo mới bồi đắp tại Trường Sa. Tuy giới chức Trung Quốc có thể dùng các chuyến công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ làm lý cớ, theo bà Glaser thì “kế hoạch này đã được vạch ra từ lâu.”

Giàn phóng hỏa tiễn HQ-9, điều hướng bằng hệ thống rađa theo dõi, có tầm hoạt động 200 km và vũ khí phòng vệ đáng kể nhất mà Trung Quốc có trên Hoàng Sa. Việc này gây rắc rối cho các chuyến tuần tra thám thính thường xuyên của phi cơ Hoa Kỳ và Nhật cũng như các chuyến bay oanh tạc cơ tầm dài B-52. Nó cũng là thách đố cho các phi đội SU-30 mà Việt Nam mua của Nga.

Bành trướng đều đặn

Sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa từ miền nam Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã dần dà nới rộng quần đảo Hoàng Sa. Họ đáp chiến đấu cơ trang bị vũ khi xuống phi đạo mới được nới rộng trên đảo Phú Lâm hồi tháng Mười Một năm ngoái, các nhà chứa máy bay cũng được củng cố thêm, theo các nhà ngoại giao trong vùng cho biết.

Các cơ sở vật chất đánh cá và của cảnh sát biển cũng được mở rộng, cùng với các bể chứa nhiên liệu và nơi ở cho hơn 1.000 thường dân tại đây, được tuyên bố là “thành phố Tam Sa” vào năm 2012.

Thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm. (Ảnh: Tân Hoa Xả)
Thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm. (Ảnh: Tân Hoa Xả)

Các thiết bị rađa và theo dõi điện tử cũng được cải thiện. Các nhà phân tích nghĩ là Hoàng Sa đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam, 200 cây số phía Bắc.

Các viên chức Việt Nam chia sẻ riêng là bây giờ càng khó khăn hơn cho các đội tàu đánh cá và cảnh sát biển đến gần Hoàng Sa để xác quyết chủ quyền của Việt Nam.

Việc tăng cường vũ trang tương tự tại Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc có căn cứ quân sự thường trực ngay giữa vùng Biển Đông, theo các tuỳ viên quân sự.

Ván bài cao tại Trường Sa

Giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiều lần bản chất dân sự của việc bành trướng Trường Sa, bao gồm các ngọn hải đăng, căn cứ tìm kiếm và giải cứu và các trạm nghiên cứu môi trường.

Ba phi đạo đã được hoàn tất gần đây và hồi tháng rồi Trung Quốc tuyên bố việc thử nghiệm hạ đáp thành công của máy bay dân sự xuống phi đạo 3.000 thước trên đá Chữ Thập (Fiery Cross reef).

Phi đạo dài 3000 mét do Trung Quốc cho xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters/ CSIS)
Phi đạo dài 3000 mét do Trung Quốc cho xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters/ CSIS)

Các chuyến bay quân sự lên xuống Trường Sa có thể khởi sự trong vòng vài tháng. Kinh nghiệm học hỏi từ việc bành trướng Hoàng Sa có thể áp dụng cho Trường Sa, nhất là việc quản trị nguồn nước tiêu dùng và xử lý chất thải.

Theo các nhà phân tích thì Trung Quốc có thể khai thác các cơ sở và phương tiện cho hai việc song song – chẳng hạn như giàn rađa và phi đạo – tại Trường Sa nhưng việc triển khai các phương tiện quân sự có thể rắc rối. Vì Trường Sa là nơi tranh chấp của nhiều bên, có thể phải trả giá cao về phương diện ngoại giao và địa chính trị.

Hoàng Thuyên lược dịch

Theo Reuters – 21/2/2016

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here