Trong tuần này tổng thống Obama tiếp đón các nguyên thủ quốc gia ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tổ chức ở Sunnylands, California. Hội nghị đã đạt được những gì?
Sự kiện Hội nghị được tổ chức tự chính nó là một thành quả đáng kể đối với vị trị hiện thời và tương lai của Đông Nam Á và ASEAN tại Hoa Kỳ. Chính sách Châu Á thường bị chi phối bởi những quan tâm liên quan đến vùng Đông Bắc Á Châu. Việc tổ chức hội nghị chỉ cho ASEAN lần đầu tại Hoa Kỳ là một biểu hiện quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay can dự vào Đông Nam Á và là tín hiệu rõ rệt cho chính quyền kế vị về tầm quan trọng của ASEAN.
Đôi bên cần tính đến việc thúc đẩy đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN được hoàn tất Tháng 11 vừa rồi. Giới chức Hoa Kỳ cho biết là Hội nghị Thượng đỉnh bớt hình thức hơn là các hội nghị Mỹ-ASEAN thông thường với nhiều kết quả thương lượng cần đạt. Tại Hội nghị Thượng đỉnh kết quả chỉ là một văn kiện với những nguyên tắc đã được đồng ý.
Văn kiện chung của Hội nghị thượng đỉnh My-ASEAN là Tuyên Bố Sunnylands, trong đó tái xác nhận các nguyên tắc cơ bản để thúc đẩy sự hợp tác đi tới. Văn kiện 17 đoạn liệt kê các nguyên tắc này, từ việc tôn trọng các chuẩn mực chung như tự do hải hành và phát triển kinh tế chung và bền vững đến quyết tâm chung giải quyết những vấn đề riêng biệt như khủng bố, buôn người và thay đổi khí hậu toàn cầu.
Có một số người phê bình tài liệu này mơ hồ. Nhưng các viên chức đã nói trước là kết quả của Hội nghị không có chủ đích liệt kê những việc làm; việc đó đã được thực hiện Tháng 11 năm ngoái trong Kế Hoạch Hành Động Để Thực Hiện Chương Trình Đối Tác Chiến Lược My-ASEAN, một tài liệu 14 trang với đầy đủ chi tiết làm sao để thúc đẩy mối quan hệ cho đến năm 2020.
Điểm tổng quát của Tuyên bố chung là để nhấn mạnh những nguyên tắc ủng hộ cho cam kết chung của Hoa Kỳ và ASEAN cho một trật tự pháp luật trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để gìn giữ hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trong vùng. Dầu là những nguyên tắc đề ra tàu bè có thể di chuyển trên đường biển thế nào cho an toàn; các chính sách đeo đuổi để tiến đến việc mở rộng và cạnh tranh trong lãnh vực kinh tế; hoặc cổ xúy cho thượng tôn luật pháp, điều hành guồng máy tốt, định chế có trách nhiệm và nhân quyền phổ cập, tất cả những việc này đều cột chung vào việc duy trì trật tự pháp luật.
Ngoài tuyên bố chung còn có một số thành quả cụ thể. Phần lớn trong lãnh vực kinh tế. Nối Kết Mỹ-ASEAN (US-ASEAN Connect) là một đề xướng của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tận dụng mạng ba chân vạc ở Đông Nam Á – Singapore, Jakarta, và Bangkok – để phối hợp nhịp nhàng hơn các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng và nối kết giới doanh nghiệp, đầu tư và thương mại.
Tuy ý kiến này không gì mới và phần lớn của đề xướng này tập trung vào việc phối hợp và nối kết các chương trình và cấu trúc hiện thời của Hoa Kỳ, có một số phát triển mới bao gồm cả một loạt các hội thảo giao thương để giúp sáu quốc gia Đông Nam Á chưa là thành viên của TPP tìm hiểu hiệp ước này cũng như những cải tổ cần thiết để tham gia trong tương lai. Hiện thời chỉ có bốn thành viên ASEAN có trong TPP (Brunei, Mã Lai, Singapore và Việt Nam), ba quốc gia đang muốn vào (Indonesia, Phi Luật Tân, Thái Lan), và ba quốc gia khác hiện nay không đủ điều kiện tham gia vì không thuộc Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (Lào, Miến Điện, Cam Bốt).
Về mặt an ninh, hàng loạt vấn đề được thảo luận kể cả việc chiến đấu với Islamic State và đối đầu với việc bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy thông báo chung không có đưa ra những điều cụ thể liên quan đến Biển Đông, Hoa Kỳ đã có những hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á đằng sau hậu trường.
Có một số dấu hiệu tại Hội nghị nhấn mạnh cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề này đối với cả Hoa Kỳ và ASEAN. Thí dụ như, Tổng thống Obama tiết lộ trong buổi tiếp xúc báo chí là ông đã hứa hỗ trợ các quốc gia ASEAN khai thác tốt hơn dữ liệu của Interpol để ngăn chận luồng di chuyển của các nhóm khủng bố. Và tuy bản tuyên bố chung không đề cập đích danh Trung Quốc, ba trong số mười bảy đoạn văn được dành để nói đến vấn đề an ninh đường biển. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đối với cả hai bên.
Một quan tâm khác trước Hội nghị là Washington sẽ đối xử với đề tài dân chủ và nhân quyền như thế nào. Ngay từ đầu hướng giải quyết của chính quyền Obama đã không làm hài lòng giới cổ xúy nhân quyền. Chính quyền Hoa Kỳ xem những vấn đề này nên được đối xử song phưong và riêng tư với từng cá nhân lãnh đạo; giới hoạt động nhân quyền thì muốn nó trở thành một vấn đề đa phương, với một số kêu gọi thành lập Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-ASEAN một cách chính danh.
Chính quyền Hoa Kỳ có nỗ lực giải quyết các quan tâm này trước đó, với bà Susan Rice, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia gặp gỡ trao đổi với các tổ chức xã hội dân sự trước Hội nghị. Trong diễn từ sau khi kết thúc Hội nghị vào ngày thứ Ba, tổng thống Obama phát biểu rằng ông đã nói rõ cam kết của Hoa Kỳ với việc thượng tôn pháp luật, điều hành guồng máy tốt, định chế có trách nhiệm, và nhân quyền phổ cập, luôn cả đứng về phía người dân và xã hội dân sự để bảo vệ tự do ngôn luận, tụ tập, và tự do báo chí. Ông đề cập riêng biệt đến việc phục hồi lại quyền điều hành dân sự tại Thái Lan và duy trì tiếp cận với Miến Điện trong tiến trình chuyển hóa chính trị.
Tuy thế vẫn không ngăn được hàng trăm người biểu tình bên ngoài phản đối việc chính quyền Hoa Kỳ tiếp xúc với lãnh tụ của một số quốc gia phi dân chủ tại Đông Nam Á.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The Diplomat – 18/2/2016