CTM Media- Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay vào ngày 30 Tháng Giêng, 2016, khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ xuất phát từ cảng Yokosuka (Nhật) đã đi vào vùng 12 hải lý đảo Triton (tên tiếng Việt là đảo Tri Tôn). Lầu Năm Góc gọi đây là một trong những hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc đã tỏ ra bực mình với lời tuyên bố: Tàu chiến Mỹ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc bằng việc đi vào lãnh hải Trung Quốc mà không có được phép từ trước. Trung Quốc sẽ có những biện pháp thích hợp bao gồm giám sát và cảnh cáo.
Mặc dù Đài Loan cũng chủ trương quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) trong đó có đảo Tri Tôn là lãnh đảo của họ, nhưng Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã không phản đối việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý chung quanh đảo Tri Tôn vì cho rằng đó là quyền tự do hàng hải đã được quy định theo luật Quốc tế và luật Biển của LHQ.
Ngày 31 Tháng Giêng, 2016, nữ Bộ trưởng Quốc Phòng Úc là bà Payne và Bộ trưởng Tự Vệ Nhật là ông Nakatani đã lên tiếng ủng hộ lập trường tự do hàng hải của Hoa Kỳ. Cả hai Bộ trưởng này đều lên tiếng cho biết muốn hợp tác với Hoa Kỳ hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn đi lại ở Biển Đông.
Việt Nam thì chỉ có phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình lên tiếng như sau: “Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17)”.
“Khi nào mà chế độ CSVN không chính thức lên tiếng phủ nhận Công hàm Phạm Văn Đồng thì những lời phản đối của Hà Nội chỉ là ở cửa miệng hầu mong chạy tội về cái Công hàm bán nước này”, đó là ý kiến của đa số người dân Việt Nam.