Tứ trụ được Trung ương khoá 11 giới thiệu có đủ tiêu chuẩn?

Trần Hồng Tâm - Tin Tức Hàng Ngày

'Tứ trụ tiền chế '
- Quảng Cáo -

Bạn có tin không?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Vũ Ngọc Hoàng, Võ Tiến Trung cùng nhiều cán bộ cao cấp khác đang quảng bá rằng Ban Tổ chức Trung ương đã làm việc “khoa học”, “vô tư”, đưa ra những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt để chọn lựa nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12.

Vậy, dựa vào những tiêu chuẩn mà họ đặt ra, chúng ta xem xét bốn người đầu tiên lọt vào Trung ương, sẽ được cơ cấu thành “tứ trụ” tương lai có hội đủ tiêu chuẩn không?

Người thứ nhất: Nguyễn Thị Kim Ngân

- Quảng Cáo -

Bà Ngân, sinh năm 1956, dưới 65 tuổi. Gần như chưa thấy bà có tai tiếng gì trong Đảng cũng như trong dân. Uy tín của bà khá cao. Theo tôi bà rất xứng đáng.

Người thứ hai: Nguyễn Phú Trọng

Bài viết này không nhằm mục đích viết đầy đủ về ông. Tôi chỉ nêu lên vài thắc mắc liên quan đến tiến trình chọn lựa nhân sự của Đại hội 12.

Tuổi: Ông Trọng 72 tuổi, người cao tuổi nhất trong Trung ương. Ông đã vượt qua trần tuổi 65. Tiêu chuẩn đầu tiên của ông bị loại.

Về lý, mọi đảng viên phải bình đẳng. Tại sao những đảng viên khác quá 65 bị gạt ra còn ông được hưởng quyền “đặc cách”.

Về đạo đức, ông không thể là một đảng viên gương mẫu. Ông để lại một tiền lệ xấu. Bởi vì, ông đã lách được, thì người khác cũng lách được. Điều lệ bị coi thường. Đây là điều tối kỵ đầu tiên không nên mắc phải ở mỗi nguyên thủ.

Kế thừa: Nhưng người ủng hộ cho ông Trọng đưa ra lập luận rằng: ông Trọng đặc cách ở lại để mang tính kế thừa. Tại sao trong suốt nhiệm kỳ 5 năm ròng ông không đi tìm kiếm những đảng viên có tâm, có tài, trẻ, khỏe để bồi dưỡng kế thừa ông. Đến bây giờ ông phải ở lại thêm khóa nữa để tìm người kế thừa. Lập luận “kế thừa” không thuyết phục được dư luận.

Trẻ hóa hay già hóa: Ông Trọng kêu gọi phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Trong khi ông đã quá già. Tuổi của ông đã không hợp lệ nữa, mà ông vẫn ngồi ì ra đó làm sao có ghế cho người trẻ. Vậy, ông đang nêu lên môt tấm gương về trẻ hóa hay già hóa? Càng làm cho người ta nghi ngờ về động cơ ở lại của ông.

Không được làm trái với cương lĩnh: Đây là một tiêu chuẩn quan trọng mà ông Trọng đưa ra. Điều lệ Đảng đã quy định mọi đảng viên đều có quyền ứng cử, đề cử, bầu cử. Tại sao ông lại ban hành Quyết định 244 – QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong đảng rất lằng nhằng phức tạp, khó hiểu, đầy tai tiếng. Nhiều đảng viên, kể cả những đảng viên cấp cao đã phản đối dữ dội Quyết định 244 của ông.

Đó là, chưa dám đề cập tới những động cơ cá nhân hàm chứa trong nội dung Quyết định này, mang lợi thế cho ông, nhưng rất thiệt thòi cho người khác. Rõ ràng, ông đã bày ra một cuộc chơi không công bằng. Ông làm trái Điều lệ Đảng.

daihoi 12jpgDân chủ: Nếu uy tín của ông Trọng trong Đảng cao, số người ủng hộ ông cao, thì tại sao ông không tổ chức một cuộc bầu đúng điều lệ, minh bạch, đàng hoàng, công khai thực sự dân chủ, tâm phục khẩu phục.

Đằng này, ông dùng chữ nghĩa như một trò đánh đố, một hành vi của lách luật. Mời bạn đọc điều 13 trong Quyết định 244: “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”

Ông thao túng Bộ Chính trị, thao túng Trung ương khóa 11 để tiếm quyền Đại biểu dự Đại hội Khóa 12. Một biểu hiện của quyền biến, sử dụng điều luật lắt léo để tước đi những quyền dân chủ của những đảng viên khác.

Trình độ lý luận: Ông đặt ra một điều lệ mà phần lợi thuộc về ông. Phải có trình độ lý luận Mác – Lê cao cấp. Bởi vì ông đang sở hữu học vị Tiến sỹ Xây dựng Đảng. Điều này đồng nghĩa với việc, ông tìm cách gạt những nhà khoa học tư nhiên, những kỹ sư, bác sĩ, những thương gia, những nhà quản lý, những chức sắc tôn giáo ra ngoài cuộc chơi.

Hơn nữa, chúng ta phải đặt câu hỏi về những Tổng Bí thư tiền nhiệm Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn v.v có văn bằng cụ thể thuộc trình độ lý luận cấp nào?

Sự thực: Một sự thực rất đáng phải bàn ở đây là: Nếu có một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, công bằng cho mọi ứng cử viên, như tại quốc gia phương Tây thì ông Trọng bị loại ngay từ vòng đầu.

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc bầu trên mạng. Câu hỏi đặt ra “Theo quý vị, ai sẽ là tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam? Gồm 7 ứng cử viên đều là đảng viên cao cấp của ĐCSVN. Ông Trọng chỉ chiếm được 15,2% số phiếu trên tổng số 7110 người tham gia. Trong khi Nguyễn Tấn Dũng vượt xa ông chiếm được 67%. Một khoảng cách rất ấn tượng.

Tài liệu liên quan đến tình hình bên trong Đại Hội Đảng cùng hiện tình đất nước được một đảng viên mang danh "Người Cấp Tiến" tán phát, ngày 22-01-2016
Tài liệu liên quan đến tình hình bên trong Đại Hội Đảng cùng hiện tình đất nước được một đảng viên mang danh “Người Cấp Tiến” tán phát, ngày 22-01-2016

Điều này còn được củng cố thêm: Dư luận trên mạng, cũng như ngoài xã hội, và ngay cả trong nội bộ Đảng đã dấy lên một phong trào chống ông Trọng mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử của ĐCSVN kể từ ngày thành lập.

Ông Trọng cùng những đồng chí của ông, nếu còn biết đặt quyền lợi của Đảng lên trên hết, nên để mắt đến hiện tượng này. Bởi vì nếu ông Trọng ở lại sẽ làm rạn nứt tình đoàn kết trong Đảng. Có thể dẫn tới một cuộc chia ly đau đớn mà nhiều đảng viên đã tính tới. Họ sẽ thành lập ra một đảng khác.

Tệ hại hơn, ông Trọng kêu gọi phải lấy lại niềm tin trong nhân dân. Một sự thực phũ phàng: Nếu ông Trọng ngồi lại, dân càng bất mãn. Những đảng viên trong sạch, phấn đấu vì lý tưởng cao cả cũng nên tính đến điều này. Giữ ông Trọng lại là mất thêm niềm tin trong dân.

Trong sạch: Người ta đồn rằng ông Trọng trong sạch. Tôi không phủ nhận điều này.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông từ Hội nghị 4 khá rầm rộ ồn ào và tốn kém. Thành lập Ban Nội chính Trung ương, và 7 tiểu Ban Nội chính khu vực như những quân khu. Thành lập Ban Nội chính tại các tỉnh thành, quận huyện.

Ông Trọng không sở hữu những kiến thức sơ đẳng đầu tiên về chống tham nhũng. Dẫn đến tham nhũng chống lại ông. Chiến dịch của ông phá sản hoàn toàn.

Những tổ chức và các định chế quốc tế như Tổ chức Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Phóng viên không biên giới, Tổ chức Bảo vệ Nhà báo đều đồng loạt xếp ông Trọng vào hàng độc tài của thế giới. Bởi vì, hình ảnh nhân quyền của Việt Nam là xấu nhất thế giới. Việt Nam có số phóng viên bị bắt giữ cao nhất thế giới. Việt nam có số tù nhân chính trị cao nhất thế giới.

Ở đây chưa bàn tới thái độ bạc nhược của một nguyên thủ trước nạn bá quyền bành trướng Bắc Kinh.

Xét cả góc độ pháp lý và đạo đức, ông Trọng không hội đủ các tiêu chí do chính ông đề ra.

Người thứ ba: Trần Đại Quang

Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang
Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang

Ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, vẫn còn dưới 65 tuổi. Nhưng có người đã chứng minh rằng ông sinh năm 1950. Ông đã sửa số 0 thành số 6 trên giấy khai sinh. Sau khi bị tố giác, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại nguyên quán làm cho một giấy khai sinh mới “hợp lệ” hơn. Riêng tiêu chuẩn đầu tiên về tuổi tác ông đã để lại không ít tai tiếng.

Trần Quốc Tỏ là em trai, dưới quyền ông, làm Thứ trưởng Bộ Công an, nay là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên. Người ta tập trung nhiều mũi nhọn vào cha con ông Dũng, nhưng lại lờ đi trường hợp anh em nhà họ Trần: Vinh, Quang, Sáng, Tỏ.

Anh làm Bộ trưởng em làm Thứ trưởng trong cùng một bộ đầy quyền lực. Ai bảo đảm rằng không có nạn lạm quyền và bao che cho nhau. Đây có phải là dạng của “lợi ích nhóm”, “bè phái”, hay “cục bộ không?”.

Không thể chối cãi, 93 triệu dân Việt Nam đều nhận thấy: Công An trong những năm gần đây càng ngày càng trở nên thối nát. Mọi góc phố, mọi nẻo đường đâu đâu cũng thấy công an sách nhiễu hành hạ dân để vòi tiền. Dân gọi đùa đó là những “anh hùng núp”. Chuyên nấp trong những bụi rậm, góc khuất rồi thình lình xông ra bắt những người điều khiển giao thông nộp mãi lộ. Báo chí kêu gào. Dân phản đối. Tuyệt nhiên không một dấu hiệu được cải thiện.

Công An là một ngành thối nát nhất trong mọi ngành ở Việt Nam hiện nay. Người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm. Chỉ cần một người dân bị chết oan vì Công An là Bộ trưởng bị cách chức. Thế mà đã có đến trên 200 người chết tại đồn công an trong mấy năm qua, Bộ trưởng lại lên chức.

Đó là chưa đề cập đến nạn ép cung, mớm cung, chạy án, oan sai, chạy tiền để đưọc ân xá vào những dịp lễ lớn, nạn côn đồ đỏ hành hung đang lan tràn toàn xã hội.

Tôi không muốn nhắc tới cái chết đầy tai tiếng của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cùng với lời khai của phạm nhân Dương Chí Dũng về 1 triệu rưỡi Mỹ kim có liên quan đến Trần Đại Quang.

Những người cơ cấu ông Trần Đại Quang vào vị trí Chủ tịch nước, và sẽ là Tổng bí thư tương lai có hiểu điều này không?

Người thứ tư: Nguyễn Xuân Phúc

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954, dưới 65 tuổi. Mối quan hệ giữa ông Phúc và cái chết đột ngột đầy bí ẩn của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh còn là một ẩn số. Chúng ta có quyền đặt dấu hỏi vào sự kiện này.

Trên một góc độ nào đó, chúng ta phải cảm ơn trang “Chân Dung Quyền Lực” đã đưa ra những bằng chứng có độ tin cậy cao về số tài sản của gia đình ông Phúc sở hữu, trải dài từ Hà Nội vào miền Trung đến Sài Gòn cùng với ba biệt thự tại Mỹ. Thêm vào là những phi vụ làm ăn của con gái, con rể, và con trai. Ông đã để lại không ít tai tiếng.

Có ai dám khẳng định ông Phúc là người trong sạch, không tham gia vào những nhóm lợi ích, không trực tiếp, gián tiếp mang lại những nguồn lợi cho gia đình. Thế nhưng ông vẫn được cơ cấu vào vị trí Thủ tướng.

Kết luận:

Dựa vào những tiêu chuẩn lựa chọn mà Ban Tổ chức Trung ương đưa ra thì ba trong số bốn người đầu tiên không hội đủ các tiêu chuẩn sơ đẳng nhất.

Bạn có tin vào sự minh bạch của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tuyển lựa nhân sự không?

Tôi nhường quyền trả lời câu hỏi này cho bạn đọc.

Thứ Hai, 25 tháng Giêng 2016.

Trần Hồng Tâm

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here