SÀI GÒN – Theo tạp chí Medical Press, các nhà sản xuất thực phẩm, giới đầu bếp và các bà nội trợ đang tìm kiếm một phương thức tự nhiên để làm giảm lượng muối, một loại gia vị phổ biến tại Á châu, được sử dụng trong các công thức nấu ăn.
Tài liệu nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm do Viện Kỹ Thuật Thực Phẩm, viết tắt là IFT khám phá ra rằng, khi dùng nước mắm của người Việt Nam thêm vào món nước súp gà, sốt cà chua… sẽ làm giảm khoảng từ 10 đến 25% lượng muối, nhưng hương vị và độ mặn mà của món ăn không bị giảm đi.
Nước mắm là một loại gia vị được các bà nội trợ ở nhiều quốc gia khác nhau thuộc vùng Đông Nam Á sử dụng để làm tăng sự đậm đà trong các món ăn. Nước mắm được làm bằng hỗn hợp muối và cá cơm, ngâm trong một hồ chứa lớn để chất đạm vỡ ra, và hoà vào acid amino, làm gia tăng vị mặn mòi.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Taylor ở Malaysia cho thấy, nước mắm được dùng làm gia vị có thể thay thế muối, làm giảm sodium mà không mất đi vị ngon của thức ăn.
Thêm vào đó, một trong những kết quả rất quý của quá trình lên men của nước mắm là làm tăng hàm lượng một số vitamin, phải kể đến là B1, B2, PP và quan trọng là B12.