Trưa ngày 19/12, bà con nông dân ở một vùng quê thuộc tỉnh Sóc Trăng được một phen hạnh phúc nhớ đời.
Lần đầu tiên, họ được tận mắt ngắm nhìn một đoàn xe công mà họ hiểu là “xe nhà nước” nối đuôi nhau đổ về xã Trà Vôn nghèo khó này.
Chuyện gì quan trọng đang diễn ra? Nhà nước muốn triển lãm xe hơi cho họ xem “mãn nhãn” hay có lãnh đạo cấp cao nào thăm dân cho biết sự tình?
Chuyện này không thể xảy ra, vì lãnh đạo đảng trong suốt hơn 70 năm qua chưa thấy cần phải đi thăm ai, nhất là những người bị họ cai trị.
Hóa ra đoàn xe toàn biển số xanh bóng loáng ấy đang nối đuôi về ăn giỗ nơi nhà một người kinh doanh tôm trong ấp. Người này cũng được nói là có anh vợ là một “cán bộ cấp tỉnh”. Truyền thông trong nước đưa tin nhiều xe mang biển số “VIP” tại khu vực đám giỗ là xe của UBND tỉnh, của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, của Huyện ủy huyện Trần Đề, của Sở Tư pháp tỉnh…
Nghĩa là toàn những lãnh đạo cấp cao hay nói một cách bình dân là tai to mặt lớn. Nhưng vấn đề không phải là xe công biển số VIP của Sóc Trăng biết nối đuôi nhau đi ăn giỗ. Cũng không phải câu chuyện nghèo mà xài sang. Mà là câu chuyện ngày nay đã quá phổ biến: cán bộ lạm dụng xe công trong ngày nghỉ đi ăn chơi, du hí.
Nhân dịp này chợt nhớ lại lời của Cục trưởng Cục Quản lý cộng sản Trần Đức Thắng cho biết, cục của ông đang quản lý 40.000 xe công trên cả nước, chưa kể xe tại các đơn vị quân đội và doanh nghiệp nhà nước. Để nuôi số xe công này, mỗi năm ngân sách quốc gia phải bỏ ra gần 13.000 tỷ đồng, tương đương 50 triệu đô-la cho tiền xăng nhớt, bảo trì, tài xế riêng.
Đây lại là một con số đáng giật mình trong khi cũng trước quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh buồn bã thú nhận ngân sách trung ương năm 2016 chỉ còn vỏn vẹn “45.000 tỉ đồng không biết phải làm gì, chưa nói đến trả nợ”.
Không biết phát biểu của bộ trưởng có làm cho các đại biểu có ngỡ ngàng chút nào không. Nhưng hai con số không hẹn mà cùng xuất hiện trước diễn đàn quốc hội như muốn thách thức con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa quanh co do đảng dẫn dắt.
Viên chức chính phủ luôn luôn nhắc nhở đám bần dân đang vất vả kiếm miếng ăn hàng ngày. Rằng “Nợ công đến cuối năm 2015 vẫn trong giới hạn an toàn”, tức còn dưới 65% GDP. Nhưng ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đức Thụ cho biết một sự thật không ai muốn biết “đã bốn năm liên tiếp chúng ta không trả được nợ đến hạn, nên phải đi vay để đảo nợ”.
Nhìn vào số xe công càng ngày càng tăng cao theo công nợ, không ai không nhìn thấy những đoàn xe bóng loáng của các viên chức đảng và chính phủ thật ra chỉ được mua bằng vốn vay tứ phía.
Nếu tính đủ các quan chức của 63 tỉnh thành trên cả nước và trung ương, 40 ngàn xe công quả là một con số đáng nể của một quốc gia hàng năm vẫn ngửa tay nhận tiền quốc tế để xóa đói giảm nghèo.
Không thể loại trừ hiện tượng mua xe “vượt tiêu chuẩn” cho phép nhưng đó cũng là hình thức cạnh tranh giữa những chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh hay giữa giám đốc này với giám đốc kia. Vì tiền mua xe là tiền từ trên rớt xuống, nên họ không ngần ngại ra sức phô trương vị thế phụ mẫu chi dân của mình.
Rốt cuộc lại, chế độ xã hội chủ nghĩa dù còn mù mịt chưa thấy đâu nhưng lại tỏ ra vua chúa hơn rất nhiều thời mà người cộng sản kết án là phong kiến thối nát. Vậy phải chăng Hà Nội hiện nay là một triều đình của các hoàng đế ẩn náu trong cái vỏ dân chủ giả hiệu được tô son trét phấn?
Bệnh thích đua tranh hình thức hoành tráng, bệnh tiêu xài hoang phí dẫn đến tình trạng lạm dụng xe công càng ngày càng công khai trong giới quan chức cầm quyền.
Ngoài xe đưa đón quan chức đi làm, hàng ngày nhan nhản xe đi chợ, xe đi chùa, xe đi nghỉ mát, xe đám cưới và không loại trừ xe công đi uống bia ôm. Năm ngoái, đã diễn ra cảnh hai Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và Sở Nội vụ của tỉnh Bình Phước choảng nhau tại một quán karaoke sau một chầu nhậu.
Dĩ nhiên hai quan phó phòng không đi nhậu bằng xe ôm hay cuốc bộ. Tất cả nhưng hình thức ấy quy vào một mối: xe công tác. Cuối cùng người dân bần cùng càng bần cùng hơn vì gánh vác tiền xăng nhớt, tiền bảo trì, tiền lương tài xế.
Dù sao hôm thứ bảy 19/12 vừa qua, người dân xã Trà Vôn xa xôi của tỉnh Sóc Trăng không phải chứng kiến một đám đánh nhau nào giữa các cán bộ huyện và viên chức tỉnh.
Rồi đây nay xã này mai xã khác, khắp nước cứ “điều” xe công rầm rộ đi ăn giỗ sẽ trở thành một “chuyện thường ngày ở huyện”.
Nó cũng giúp cho đời sống những đày tớ dân bớt căng thẳng trong khi lo toan biết bao kế hoạch, giải tỏa, cưỡng chế những khu đất vàng còn sót trong tay người dân.