Nữ phóng viên người Pháp bị Trung Quốc trục xuất vì có bài viết vạch trần âm mưu của Bắc Kinh khi thể hiện tình đoàn kết với Pháp trong việc chống khủng bố.
BẮC KINH – Sau sự cố ngày 13.11 tại Paris, chưa đầy một tuần bà Ursula Gauthier, nữ phóng viên người Pháp có bài viết vạch trần thâm ý của Bắc Kinh khi thể hiện sự đồng tình với Pháp trong việc chống khủng bố. Đồng thời trong bài viết bà chỉ trích gay gắt chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Bắc Kinh phản ứng mạnh về bài viết trên bằng cách trục xuất bà Ursula Gauthier và không cấp thẻ hành nghề báo chí mới cho bà.
Ursula Gauthier là nữ phóng viên của tạp chí L’obs thường xuyên viết bài chính sự về châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hong Kong, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản. Gauthier thường trú tại Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cáo buộc bà Gauthier: “công khai ủng hộ cho hành động khủng bố, giết hại dân thường vô tội, và gây ra sự phẫn nộ đối với người dân Trung Quốc”.
Đồng thời ông Lu Kang cũng nhấn mạnh: “Nếu Gauthier không có lời xin lỗi nghiêm túc đến người dân Trung Quốc cho bài viết sai trái của mình (ủng hộ cho hành vi khủng bố), thì bà ấy không còn thích hợp để tiếp tục làm việc ở Trung Quốc”.
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết với đồng cấp Pháp Francois Hollande trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, cảnh sát Trung Quốc đã công bố việc trấn áp dân Duy Ngô Nhĩ ở vùng mỏ Baicheng Tân Cương.
Bà Gauthier nêu lên vấn đề, liệu bạo lực tại Tân Cương có phải là vấn đề khủng bố? Và các cuộc tấn công đẫm máu của nhà cầm quyền TQ ở Baicheng có gì chung với các cuộc tấn công ngày 13 tháng 11?
Gauthier cho biết nhóm người bị Bắc Kinh cáo buộc là khủng bố chỉ là một nhóm nhỏ người Duy Ngô Nhĩ. Họ bị đẩy đến giới hạn vì bị đối đãi bất công chính trên đất nước của họ.
Tóm lại, qua cam kết với các nước trên thế giới cùng chống lại chủ nghĩa khủng bố, Bắc Kinh muốn đánh đồng khủng bố đến từ nhà nước hồi giáo ISIS với những cuộc nổi dậy đòi quyền sống của các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc mà điển hình là dân Duy Ngô Nhĩ.