Quốc hội Việt Nam vừa tiến thêm một bước trong cơ chế “gần dân” hơn bằng cách đẻ số “nhà quốc hội” tại 63 tỉnh thành trên cả nước.
SÀI GÒN – Sự vụ trên bắt nguồn từ đề xuất “một số thay đổi cho phù hợp với thực tiễn” của Ủy ban pháp luật quốc hội tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào nửa đầu tháng 12/2015. Theo đó sẽ thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo dư luận, “Nhà quốc hội” lại kéo theo nhu cầu xây dựng hàng loạt văn phòng riêng biệt cho từng đoàn đại biểu quốc hội ở từng địa phương, thay vì cơ chế “ngồi chung” hoặc “ngồi ghép” với văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh thành như trước đây. Tức lại thêm một cái cớ để giới quan chức rút rỉa tiền ngân sách – từ tiền đóng thuế của dân – chi xài chỉ riêng cho chỗ ngồi của mình.
Đặc biết, trong những ngày gần đây, dư luận xã hội Việt Nam càng nóng bừng với hiện tượng hàng loạt trụ sở hành chính có giá trị lên đến 3.000 – 10.000 tỷ đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Phòng… Trong số đó, có cả những địa phương phải thường xuyên xin gạo cứu đói cho dân như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, nhưng không nương tay khi rút tiền ngân sách xây trụ sở hành chính.
Không khó để hình dung rằng mỗi tòa nhà quốc hội địa phương sẽ có giá trị ít nhất hàng ngàn tỷ đồng, trong khi ngân sách đang lâm vào tình trạng cạn kiệt do nạn tham nhũng vẫn “ổn định” và chi tiêu vô tội vạ. Tựu trung, để thỏa mãn cho nhu cầu “gần dân” của Quốc hội Việt Nam, người dân trong quốc gia khốn khổ và khốn quẫn này sẽ phải è cổ đóng thêm ít nhất 60.000 tỷ đồng tiền thuế.
Thống kê sơ bộ cho biết mỗi ngày họp của các đại biểu dân bầu làm tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng.