Nhân dịp kỉ niệm 67 năm công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các nhà hoạt động trong nước đã lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm Việt Nam.
Cùng kí tên vào bản lên tiếng có 21 tổ chức xã hội dân sự và hơn 200 cá nhân. Đây là sáng kiến của nhóm 17 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị bắt năm 2011 nhằm kêu gọi các tổ chức quốc tế, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ tạo áp lực buộc nhà cầm quyền cộng sản thả tự do cho các TNLT và chính trị, nhất là những người mang các án phạt nặng nề.
Cựu TNLT Đậu Văn Dương, người trong nhóm khởi xướng cho biết mục đích: “Vì chúng tôi đã từng bị đi tù nên chúng tôi hiểu rõ sự cơ cực của lao tù và quyền lợi của tù nhân bị chà đạp như thế nào. Chúng tôi muốn đòi lại công lý cho những người bị kết án oan sai”.
Anh Nguyễn Bắc Truyển, cựu TNLT, đại diện Hội ái hữu Tù Nhân Chính trị và Tôn Giáo, nói: “Lời kêu gọi thả các tù nhân chính trị, TNLT là công việc phải làm thường xuyên của tất cả các cá nhân và hội đoàn. Mục đích của nó là nhắc nhở với công luận vẫn còn những người đấu tranh bị cầm tù”.
Cựu TNLT Trần Minh Nhật bổ sung: “Việt Nam đã kí vào tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và các công ước quốc tế trong đó cam kết bảo đảm các quyền con người như công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự và các văn bản khác, do đó giam cầm những con người vô tội này chỉ vì họ thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình là không thể chấp nhận được”.
Bản lên tiếng chỉ ra rằng ở Việt Nam các quyền con người vẫn đang bị xâm phạm nhất là việc bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa là “chà đạp trắng trợn lên tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”.
Khi được hỏi liệu nhà cầm quyền sẽ phản ứng như thế nào với yêu cầu này? Chị Trần Thị Nga, đại diện Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, cho rằng: “Phía chính quyền khi nhận được bản kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm này, họ lại một lần nữa lươn lẹo dối trá để nói rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, họ cũng tìm cớ để che đậy sự bất cập của nền luật pháp bất minh hiện nay”.
Linh mục Phan Văn Lợi, đại diện Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, nhận định một cách sâu sắc: “Đối với nhà cầm quyền, trước mắt thì không hy vọng gì nó lay chuyển. Nhưng đối với công luận, đây là dịp chúng ta gây ý thức cho mọi người, để công luận thấy: chế độ CSVN là chế độ đàn áp. Ý thức này sẽ lớn dần theo thời gian và một ngày nào đó sẽ chuyển hóa thành hành động của tập thể. Và khi có hành động của tập thể (xuống đường hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người) thì lúc đó nhà cầm quyền mới chùn tay, chùn bước và lay chuyển, rúng động). Hãy nhìn xem tấm gương tại các quốc gia Cộng sản Đông Âu 1989-1991″.
Bản lên tiếng được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo áp lực lên nhà quyền Việt Nam để họ phóng thích các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm, đặc biệt là 31 người đang mang các án phạt nặng nề. Trong số đó có những tên tuổi được nhiều người biết đến như linh mục Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn cùng với Phan Văn Thu và những người trong vụ án Bia Sơn.
Như nhiều người khác chị Trần Thị Nga mong rằng: “Những bản kiến nghị như thế này sẽ làm cho những người lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền và nhiều người dân hiểu đúng nghĩa hơn về tình trạng vi phạm pháp luật của chính quyền, và giá trị đích thực của những người tù nhân lương tâm hiện nay. Và mong rằng ngày tự do của các tù nhân lương tâm sẽ gần hơn, đặc biệt là chính quyền sẽ phải dừng tay việc bách hại bỏ tù người dân một cách tuỳ tiện”.
Với cam kết quốc tế đã kí và việc gần đây tham gia TTP, liệu Việt Nam có cải thiện chút nào về tình hình nhân quyền tồi tệ hay không? Chúng ta hãy xem nhà cầm quyền cộng sản có dùng các TNLT như một con bài nhằm trao đổi lợi ích với cộng đồng quốc tế hay không?