Hội nghị Quốc tế về Khí hậu – COP21 tại trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô Paris, đã bước sang ngày thứ ba, với vấn đề biển và nguồn nước.
PARIS – Hôm 2/12 các đại diện tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã thảo luận về vấn đề nguồn nước và tác động của thiên tai đối với những khối dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Theo Liên Hiệp Quốc, trong 30 năm qua, 1/3 kinh phí phát triển đã bị mất vì những vụ khủng hoảng lập đi lập lại, gây thiệt hại 3.800 tỉ đô la trên toàn thế giới. Họ cho biết thiên tai không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế mà còn tác động tới xã hội và môi trường, ảnh hưởng tới 217 triệu người mỗi năm.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng nếu không cải thiện việc quản lý tài nguyên nước, tiến bộ trong việc giảm nghèo và thành tựu của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ bị nguy hại.
Được biết hôm qua 30/11/2015, bên lề Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP 21, Việt Nam đã tổ chức một đối thoại cấp cao, với các đối tác quốc tế, nhằm kêu gọi hỗ trợ và hợp tác đối phó với nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa đồng bằng Cửu Long, một trong các vùng châu thổ có nguy cơ bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.
Đồng bằng Cửu Long là một khu vực quan trọng, nơi sinh sống của gần 20 triệu dân cư và nguồn cung cấp lương thực quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn là một cơ sở của an ninh lương thực thế giới : Gạo đồng bằng Cửu Long xuất khẩu chiếm khoảng một phần năm tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Khu vực này đang bị đe dọa bởi nguy cơ kép : mực nước biển dâng cao và nạn xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông MêKông.
Phiên họp có sự tham gia của bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cùng nhiều đại diện quốc gia, định chế tài trợ quan trọng cho Việt Nam như chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc Koica, Pháp, Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Quỹ môi trường thế giới GEF Nhật Bản.