Từ chiều ngày 16 cho đến ngày 18 tháng 11 vừa qua, Quốc hội CSVN đã diễn ra phiên chất vấn của các đại biểu đối với một số lãnh đạo trong bộ máy chính phủ.
Người ta cho rằng đây là phiên chất vấn sôi nổi và chưa có trong tiền lệ vì có quá nhiều tiếng cười không thể kiềm chế khi nghe các quan chức trả lời, và có đến hơn 20 người phải ra trả lời chất vấn gồm Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, phó Thủ tướng, 16 bộ trưởng, Trưởng ngành, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân..
Có tất cả 300 câu hỏi được các đại biểu đặt ra, tính trung bình mỗi bộ trưởng phải trả lời từ 7 đến 10 câu hỏi. Riêng ông Nguyễn Tấn Dũng phải trả lời 27 câu hỏi từ 18 đại biểu.
Đa số các câu hỏi và phần trả lời không ăn khớp, dài dòng và kể lể những khó khăn nhiều hơn là đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Ví dụ trả lời về sự phá sản của nhà máy Gang Thép Thái Nguyên làm thiệt hại 8,100 tỷ đồng (tương đương 400 triệu Mỹ Kim) do nhà thầu Trung Quốc xây từ năm 2007, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ công thương chỉ nêu lên 2 lý do phá sản: 1/tình trạng lãng phí trong quá trình xây dựng; 2/định mức và chi phí xây dựng, vận hành không sát với thực tế khiến cho vốn đầu tư gia tăng và kết cuộc không chịu nổi.
Ngay vấn đề kiểm soát và định lượng về tình trạng thất thoát, lãng phí thì sự trả lời của hai Bộ trưởng không rõ ràng và thiếu sự thống nhất trong bộ máy chính quyền.
Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh thì cho rằng biết là có thất thoát, lãng phí trong các công trình đầu tư, xây dựng nhưng không có khả năng định lượng hậu quả như thế nào. Nói cách khác theo ông Bùi Quang Vinh là Hà Nội không có khả năng định lượng chính xác số tiền thất thoát.
Trong khi đó, Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng thì cho rằng việc kiểm soát thất thoát lãng phí không chỉ trong khâu thẩm định dự toán tổng mức đầu tư mà trong cả lúc thực hiện; do đó việc kiểm soát thất thoát trong xây dựng cơ bản các công trình không khó khăn.
Nhưng trong kỳ chất vấn lần này có ba Bộ trưởng đăng đàn trả lời về các trách nhiệm của mình đã để lại một dấu ấn “chọc cười” nhiều hơn là giải đáp những quan tâm của các đại biểu.
Người đầu tiên là Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận với câu hỏi của các đại biểu rằng quan điểm của riêng Bộ trưởng Luận là có nên bỏ môn lịch sử với tư cách là môn độc lập không?
Thay vì trả lời thẳng là nên giữ hay không nên duy trì môn lịch sử là môn độc lập như hiện nay, ông Luận đã trả lời quanh co đến nỗi ông Nguyễn Sinh Hùng phát cáu nhắc ông Luận đến 3 lần để yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi là: giữ hay bỏ môn lịch sử.
Ông Luận lại tiếp tục quanh co giải thích rằng lịch sử bao trùm lên mọi môn như trong môn văn cũng gắn liền với lịch sử vì dạy học sinh về Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo. Hay các môn điạ lý, âm nhạc, mỹ thuật cũng gắn kết với lịch sử vì dạy học sinh lịch sử về lãnh thổ, nhạc khí dân tộc vân, vân… Do đó theo ông Luận là không nên để môn lịch sử độc lập như hiện nay mà nên tích hợp vào các môn khác đặc biệt là môn công dân và quốc phòng thành ra môn công dân và tổ quốc.
Tuy nhiên, ông Luận nói rằng việc giữ hay tích hợp môn sử còn tùy theo ý kiến của Ban tuyên giáo trung ương, Hội đồng lý luận trung ương vân, vân nên chưa quyết định. Trả lời của ông Luận đã khiến cho các đại biểu không hiểu rõ suy nghĩ của ông Luận về sự độc lập của môn sử còn hay mất?
Người kế tiếp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời câu hỏi liên quan đến chức danh “hàm” như “hàm vụ trưởng, hàm vụ phó”.
Trong quy định của nhà nuớc không có quy định về chức danh nói trên, nhưng một số cơ quan vẫn thực hiện. Câu hỏi của các đại biểu đặt ra là việc thực hiện nói trên có hợp lý hay không?
Thay vì trả lời thẳng câu hỏi là đúng hay là sai nguyên tắc khi chưa có quy định, ông Nguyễn Thái Bình đã trả lời quanh co nào là đang lập ra ủy ban nghiên cứu, và hứa sẽ tổ chức hội thảo khoa học để tìm giải pháp hầu đề nghị Thủ tướng duyệt xét rồi mới cho các cơ quan thực hiện.
Thấy ông Bình trả lời quanh co, ông Nguyễn Sinh Hùng lại phải nhắc nhở rằng ông Bình đừng làm mất thì giờ, cần ngay câu trả lời là cách thực hiện khi chưa có quy định là đúng hay sai.
Thế nhưng ông Bình dường như không hiểu câu hỏi nên tiếp tục nhắc lại việc lập ủy ban nghiên cứu và cho biết hiện có hai luồng suy nghĩ khác nhau, nêu rõ ưu điểm và hạn chế nhưng chưa có kết luận sau cùng.
Rốt cuộc là ông Nguyễn Sinh Hùng, lấy tư cách chủ tịch quốc hội – sau ba lần nhắc nhở nhưng ông Bình vẫn trả lời lan man – buộc ông Bình trả lời là địa phương có làm được không. Lúc bấy giờ ông Bình mới cười đáp rằng không được. Cả hội trường cười ồ vì sự ngớn ngẩn của ông Bình.
Nhưng có lẽ các đại biểu quốc hội được một phen cười nghiêng ngửa nhất là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa – Du lịch Hoàng Tuấn Anh về tình hình du lịch.
Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi: “Đến bao giờ du lịch Việt Nam được như Thái Lan, Singapore?” Ông Tuấn Anh không nêu nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng yếu kém này, thay vào đó nói rằng:
“Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”.
Ông Tuấn Anh giải thích rằng ông không biết phải làm gì thêm vì thời gian không còn, nhiệm kỳ sắp hết. Những gì mà trách nhiệm ông đã làm coi như xong và ông chỉ có một nhiệm vụ sau cùng là “truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”.
Phát biểu của ông Hoàng Tuấn Anh đã làm cho toàn thể hội trường bật cười vì khó ai ngờ câu trả lời theo kiểu “thành thực khai báo” tình trạng sắp về hưu của cán bộ lãnh đạo.
*
Qua nội dung phát biểu của một số Bộ trưởng về trách nhiệm của mỗi người cho thấy rõ vì sao đất nước Việt Nam chưa có thể ngóc đầu lên cùng với các quốc gia lân bang.
Thứ nhất là những người được chọn ra lãnh đạo các Bộ không dựa trên khả năng mà hoàn toàn là do những sắp xếp chính trị ở trong đảng. Mọi chính sách hay đường lối thực hiện đều phải làm theo nghị quyết đảng, nên vì thế mà hầu hết các Bộ trưởng không có sáng tạo, không giải quyết theo chuyên môn mà chỉ là những thỏa hiệp mang tính chính trị.
Thứ hai là những người được chọn làm Bộ trưởng đã không những thiếu khả năng, mà còn không làm theo đúng chức năng nên khi ra trả lời các chất vấn, tìm cách trả lời quanh co để cho hết giờ chứ không đào sâu, giải thích các sự kiện. Chính lối trả lời quanh co này đã cho thấy rằng những người đuợc coi là “tư lệnh” của từng lãnh vực quốc gia, không phải để phục vụ người dân mà nhằm khoanh vùng ảnh hưởng để trục lợi cho phe nhóm theo từng thời kỳ.
Qua cung cách và nội dung trả lời chất vấn của các Bộ trưởng người ta có thể đánh giá rất chính xác rằng tư duy của lãnh đạo đã làm đất nước tụt hậu.