22/10/15
Các hiệp ước giao dịch luôn luôn có kẻ thua cũng như người thắng, vì thế sẽ không ngạc nhiên khi có mối quan tâm đang lan rộng là hiệp ước TPP không được thông qua bởi 12 quốc gia thành viên. Nhưng nếu hiệp ước được thông qua thì có giả định chắc nịch là TPP sẽ là nền tảng để ràng buộc Hoa Kỳ vào Á Châu, và nó sẽ bảo đảm ổn định trong một vùng đang gặp nhiều tình trạng chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp lãnh thổ, và phiêu lưu quân sự.
Hiện thời thì giới lập pháp Hoa Kỳ đang chú tâm vào các điểm thiệt hại cũng như có lợi mà TPP đem lại. Không có gì chắc chắn là Quốc Hội sẽ thông qua TPP, ngay cả khi có luật Thẩm Quyền Thúc Đẩy Giao Dịch (Trade Promotion Authority). Với cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, lợi hại của hiệp ước giao dịch khổng lồ này sẽ là vấn đề tranh cãi nóng bỏng.
Bên cạnh lợi hại của TPP, Tòa Bạch Ốc sẽ nhất quyết nhấn mạnh yếu tố an ninh của TPP. Trong chiều hướng tái quân bằng về Á Châu, TPP được chính quyền Obama xem là điểm cốt yếu để bảo đảm quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Á Châu, thành một khung sườn bảo đảm ràng buộc Hoa Kỳ bền vững vào vùng đông dân nhất và kinh tế năng động nhất thế giới.
Tuy nhiên có lý do để lo là hiệp ước giao dịch này thật ra có thể gây ra thêm căng thẳng trong vùng, không chỉ riêng giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này sẽ gây rắc rối hơn là làm vững mạnh chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng.
Quan trọng như “Một hàng không mẫu hạm khác”
Việc Hoa Kỳ đóng vai trò hàng đầu trong hiệp ước này trong khi Trung Quốc không có mặt là một điểm ăn tiền mà Tòa Bạch Ốc dùng để thúc đẩy cho TPP. Chính quyền cũng không ngần ngại đưa các viên chức an ninh cao cấp ra để quảng bá, kể cả Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter, khi ông so sánh là “thông qua TPP quan trọng đối với tôi như một hàng không mẫu hạm khác.”
Dĩ nhiên là mọi hiệp ước giao dịch phản ảnh lợi ích an ninh cũng như kinh tế giữa các chính quyền, và TPP cũng không ra ngoại lệ đó. Nhưng khi nhấn mạnh góc cạnh an ninh của hiệp ước là vì Trung Quốc không phải là một quốc gia sáng lập. Hơn thế nữa, ngay khi Washington nhấn mạnh đến cấu trúc mở của TPP, để cho phép các quốc gia khác tham gia sau này, kể cả Trung Quốc, rõ ràng là Tòa Bạch Ốc xem hiệp ước này như là cách để Hoa Kỳ đóng vai trò đi đầu trong việc đặt nền tảng luật lệ giao dịch trước khi Trung Quốc nhúng tay vào.
Chính quyền Obama tin rằng TPP sẽ củng cố các mối quan hệ chiến lược với các đồng minh quan trọng tại Á Châu, bao gồm Nhật, Úc, Tân Tây Lan và Singapore, trong khi đó gia tăng quan hệ với các quốc gia có thể giúp đối trọng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng bằng cách đưa Việt Nam và Mã Lai vào TPP. Người ta tin là quan hệ giữa 12 quốc gia thành viên sẽ gần gũi hơn không những về kinh tế mà còn về phía an ninh. Và đúng vậy, quan hệ kinh tế gần gũi thường đưa đến hợp tác quân sự, như thấy trong trường hợp của Nhật và Úc sau khi ký hiệp ước giao dịch tự do song phương vào tháng 4 năm 2014. Kể từ đó, hai quốc gia này đã nới rộng quan hệ quân sự, nhờ thế nâng cao quan hệ của cả hai quốc gia với Hoa Kỳ. Tuy nhiên giả định cho rằng là thành viên của TPP sẽ có tác động tích cực có thể không lúc nào cũng đúng.
Chẳng hạn như quan điểm đang thịnh hành tại Washington là Nam Hàn sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia vào TPP sau khi được thông qua, vì Hoa Kỳ và Nam Hàn đã có một hiệp ước giao dịch tự do (KORUS). Với KORUS được xem như là chuẩn mực của hiệp ước giao dịch tự do, Nam Hàn quả thật là một ứng viên hàng đầu để tham gia vào TPP. Tuy nhiên hiệp thương này lại tránh né thị trường gạo Hàn Quốc vốn nhạy cảm về chính trị. Nội điểm đó không sẽ là vấn đề chính trị lớn cho mọi quốc gia thành viên khi Nam Hàn thương thảo để vào TPP, nhất là đối với Nhật. Nhật là một thành viên sáng lập của TPP và bị buộc phải có những nhượng bộ về thị trường gạo vốn dĩ cũng nhạy cảm về chính trị không kém. Giữa hai quốc gia Nhật và Nam Hàn cũng đang có những căng thẳng về quá khứ lịch sử, thêm vào đó các tranh cãi về thị trường gạo chỉ làm ngăn trở quan hệ hai nước. Washington thì nuôi hy vọng là TPP giúp làm giảm căng thẳng. Ngược lại, thương thảo để Nam Hàn vào TPP có thể tạo thêm áp suất lên quan hệ trong vùng đông bắc Á Châu.
Một điểm căng thẳng khác trong vùng là ước muốn của Đài Loan tham gia vào TPP trong bối cảnh cộng đồng thế giới phải đối phó với chính sách “một Trung Quốc”. Chính quyền Đài Loan đã bày tỏ ý muốn trở thành một trong những quốc gia đầu tiên vào TPP, không những để đẩy mạnh vai trò xuất khẩu toàn cầu, mà còn để khuyến khích cải tổ trong nước để Đài Loan vẫn còn tính cạnh tranh cao. Khi tham gia vào WTO, Đài Loan phải chờ cho Trung Quốc sẵn sàng vào năm 2001 để đôi bên vào cùng lúc. Với kinh nghiệm đó, Đài Loan lại lo là phải chờ lần nữa cho đến khi Bắc Kinh sẵn sàng. Sự bực bội vì không thể tham gia vào ngay TPP chắc chắn là sẽ gây căng thẳng trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
TPP không phải là hiệp ước giao dịch đa phương duy nhất tại Á Châu. Quả thật, nếu ổn định toàn vùng và hội nhập kinh tế là mục tiêu thì có một khung sườn khác. Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Vùng (Regional Comprehensive Economic Partneship – RCEP) bao gồm không những tất cả 10 quốc gia ASEAN, mà còn có Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. Hiệp ước RCEP bị phê bình là có tiêu chuẩn thấp hơn so với TPP, và chú trọng nhiều về mục tiêu giảm thuế quan. Hơn thế, nó được xem là sự khởi xướng do Trung Quốc dẫn đầu, không có mặt Hoa Kỳ trong đó. Tuy thế việc RCEP có những đối tác như Miến Điện và Cam Bốt là những tiến triển đáng kể. Ngoài ra, cả Nhật và Nam Hàn là thành viên sáng lập của RCEP, tức ngang hàng với nhau, có thể giúp bớt căng thẳng.
Dĩ nhiên, còn quá sớm để lượng giá khi nào và có thể nào TPP được thông qua bởi 12 quốc gia thành viên. Tuy thế, rõ ràng là RCEP nên tiếp tục tiến tới dù tương lai của TPP như thế nào đi nữa. Nó có thể là một hiệp ước khá hơn để kéo các quốc gia Á châu kình địch ngồi lại với nhau cùng hợp tác cho mục tiêu phát triển kinh tế trong vùng, ngay cả khi vắng mặt Hoa Kỳ.
Tác giả Shihoko Goto là nghiên cứu gia của Woodrow Wilson International Center for Scholars’ Asia Program, chuyên về Đông Bắc Á Châu.
Hoàng Thuyên lược dịch