Dù khẩu hiệu có là phản đối Tập Cận Bình đến Việt Nam hay phản đối Việt Nam đón tiếp Tập Cận Bình, thì các thông điệp mà người dân Việt Nam muốn gửi đi cả với chính quyền Bắc Kinh và Hà Nội đều là: «Gọi đích danh kẻ thù xâm lược là Trung Quốc», «Hợp tác với kẻ thù là phản bội Tổ Quốc», «Việt Nam không cần lệ thuộc vào Trung Quốc».
Nạn nhân hay đồng lõa?
Đón tiếp Tập Cận Bình vào thời điểm này, chính quyền Hà Nội khiến dư luận đặt ra câu hỏi Việt Nam đang là nạn nhân hay đang muốn đồng lõa với chính sách độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?
Hãy cùng nhau điểm lại tình hình Biển Đông và cách phản ứng của Việt Nam trong hơn một năm qua:
– Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt Nam. Khắp nơi sôi sục, mong đợi giới lãnh đạo cấp cao tỏ thái độ rõ ràng. Nhưng không một ai lên tiếng. Thậm chí, ngày 8/5/2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khai mạc, không một lời bàn về Biển Đông, lại bàn chủ đề lãng nhách “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sau đó là các cuộc họp báo với những phản ứng yếu ớt, được lập đi lập lại. Trong khi bản thân Việt Nam phản ứng quá yếu ớt, thì người phát ngôn BNG lại kêu gọi bên ngoài là Mỹ và EU cần lên tiếng mạnh mẽ.
Ngày 31/5/2014, tại Hội nghị Shangri La, Đại tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố lạ lùng “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp” và so sánh xung đột Biển Đông với “mâu thuẫn gia đình”.
Cùng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết làm an lòng Trung Quốc: “Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác”.
– Sau những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, giàn khoan Trung quốc rút ra. Một nạn nhân khác của Trung Quốc là Philippines đã nhanh chân khởi kiện Trung quốc và giành thắng lợi bước đầu hết sức quan trọng. Tòa Trọng tài quốc tế, hôm 29/10/2015, phán quyết rằng họ có đủ thẩm quyền để xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.
Thời gian hậu giàn khoan, Việt Nam « nạn nhân chính », thì lại tiếp tục im lặng làm thinh để Trung Quốc tha hồ rảnh tay bồi đắp, xây dựng các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo. Trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc xây dựng phi pháp đến 800 ha diện tích trên 7 bãi đá ngầm ở Biển Đông, trong đó có đường băng dài tới 3.000m ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lẽ nào, phía Việt Nam hoàn toàn không có khả năng phát hiện, hay đây là thái độ làm ngơ phù hợp với những cam kết đã được hai bên ngấm ngầm trao đổi trong các chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trương Tấn Sang đến Trung Quốc trong thời gian qua.
– Trong khi «nạn nhân chính» tỏ ra không mấy sốt ruột, thì cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại trước tình trạng bành trướng công khai của Trung Quốc. Ngày 27/10/2015, Mỹ đưa tầu tuần tra tiến vào Trường Sa, bảo vệ quyền tự do hàng hải ở những khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Mãi hai ngày sau, ngày 29/10/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao mới ra tuyên bố, toàn văn như sau:
“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển”.
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Một tuyên bố quá nhạt nhòa và hờ hững, như thể của một bên thứ ba nào đó chả liên quan đến sự kiện. Một tuyên bố làm cụt hứng với những quốc gia đang muốn mang tới sự hỗ trợ. Một tuyên bố như thể muốn khuyến khích thủ phạm tiếp tục hành động. Nó khó có thể được xem như là tuyên bố của một quốc gia mong muốn giành lại chủ quyền ở những quần đảo đang bị kẻ thù chiếm đoạt.
Tuyên bố như vậy chỉ khiến dư luận càng thêm nghi ngờ tính thành thật của lãnh đạo Việt Nam, vốn nó đã ở mức rất thấp. Điệp khúc «Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa» ngày càng làm nản lòng đối với toàn thể người dân Việt Nam. Thái độ «hèn với giặc» lâu nay của lãnh đạo Việt Nam chỉ làm cho người dân tin rằng lãnh đạo đã bán rẻ đất đai, đồng lõa với kẻ thù, đổi lấy một mối lợi tối thiểu nào đó.
Ngay cả các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lâu nay ít nhiều đã nghi ngờ thái độ của Việt Nam. Họ lo ngại Việt Nam bên ngoài tuyên bố đòi chủ quyền, nhưng bên trong ngấm ngầm chia chác với Trung Quốc, lợi dụng sức mạnh của Trung Quốc lấn át lợi ích của họ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Gác tranh chấp cùng khai thác, rồi coi tranh chấp Biển Đông là « mâu thuẫn gia đình » khác nào tuyên bố tranh chấp Biển Đông là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đón tiếp Tập Cận Bình sẽ là cử chỉ dại dột khẳng định «Trung Quốc không xâm lược».
Hầu hết người dân thường Việt Nam đều biết, năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma (Trường Sa). Đối với họ Trung Quốc đang xâm chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam. Ấy vậy, mà ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, ngày 16/10/2015, lại có thể tin để nhắc lại công khai lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rằng «dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực».
Nếu trong lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có niềm tin như vậy thì dư luận chỉ có thể giải thích là Việt Nam đã tự nguyện «dành cho bạn quản lý hộ» phần lãnh thổ đó, chứ Trung Quốc không xâm lược.
Niềm tin mù quáng này có từ thời 1958 bằng công hàm của ông Phạm Văn Đồng, có từ thời 1974 bằng lời phát biểu của Lê Đức Thọ: «Họ có giải phóng giúp ta, sau này cũng trả lại cho ta thôi», có từ thời 1988 bằng cái lệnh «không nổ súng bắn vào tầu Trung Quốc», có từ thời 1990 với mật ước Thành Đô. Trách ông Thanh một, thì phải trách các bậc tiền bối nói trên trăm lần.
Hào khí của người Việt «nếu Bệ Hạ muốn hàng, hãy chém đầu tôi đi đã» đã bay hết chẳng còn chút nào trong giới lãnh đạo hiện nay. Thậm chí chả còn ai dám tát nước vào mặt Từ Đôn Tín như ông Nguyễn Cơ Thạch một thời «chúng tôi không đủ khăn để rửa mặt cho các Ngài». Sự nhu nhược và hèn nhát lây lan tràn. Ngày 29/6/2015, trả lời cử tri, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội thản nhiên tuyên bố: «Chúng ta cũng đã nghĩ đến việc lấy lại, nhưng hiện nay thì chưa thể thực hiện được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm việc đó»; «Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng được không? Đánh được rồi nhưng có giữ được không?». Một ông thượng tướng mà phát biểu như vậy thì ai sẽ là người xông ra phía trước. Chắc theo ông: lấy ngư dân để khẳng định chủ quyền?
Đã «hèn với giặc», chế độ này còn «ác với dân». Cũng cách đây vài ngày, công an đội lốt côn đồ, tấn công đánh đập các thành viên của tổ chức No U, một tổ chức với biểu tượng chống đường lưỡi bò của Trung Quốc. Dư luận quốc tế sẽ nghĩ gì về hành động này của Việt Nam. Một thái độ chỉ có thể giải thích là nhằm làm chiều lòng Trung Quốc, trước khi đón Tập Cận Bình.
Tôi phản đối Việt Nam đón tiếp Tập Cận Bình trong lúc này. Có thể chuyến đi sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ bí ẩn giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, nhưng nó cũng sẽ thít chặt thêm vòng kim cô mà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn treo mãi vào đầu các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đâu mới là cái giá cuối cùng mà Việt Nam phải trả cho mật ước Thành Đô? Cờ năm sao?
Đặng Xương Hùng
2/11/2015