Để được ‘hội nhập’ TPP, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải cam kết ban hành Luật lập hội, và cải sửa Luật công đoàn.
Sau khi TPP kết thúc đàm phán, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đã cam kết
“Chúng tôi tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Lao động quốc tế, mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi sẵn lòng đáp ứng được vấn đề lao động này”.
Về khung pháp lý, có hai luật liên quan mật thiết đến quyền tự do nghiệp đoàn (freedom of association), là Luật lập hội và Luật công đoàn.
Theo Công ước số 87 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), quyền tự do công đoàn là quyền cơ bản của người lao động. Quyền này là một trong những yếu tố thể hiện nền dân chủ và sự phát triển của một quốc gia. Tôn trọng nguyên tắc tự do công đoàn là việc làm hàng đầu, để các mối quan hệ trong hoạt động nghề nghiệp được vận hành tốt, và để cho nền dân chủ của một quốc gia được phát huy tích cực.
Nếu làm đúng theo cam kết trên, sửa luật cũng là sửa cả hệ thống chính trị.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiến hành các bước để cải thiện “quyền tự do nghiệp đoàn”, khi TPP có hiệu lực. Việt Nam có khoảng thời gian là 5 năm để thực hiện cam kết. Cam kết này cho phép người lao động được thành lập công đoàn, mà không bị buộc phải liên kết với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi của pháp luật Việt Nam cho phép các công đoàn “độc lập”, có thể hoạt động sau khi đăng ký với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Sau giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, Mỹ sẽ có hai năm để đánh giá xem liệu Việt Nam đã tuân thủ các nghĩa vụ về liên kết chéo này hay không. Trong thời gian hai năm đó, nếu Mỹ thấy Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ thông báo, tham vấn, và sau đó có quyền đơn phương đình chỉ việc dỡ bỏ thuế quan đối với những loại thuế chưa thực hiện vào thời điểm đó.