Theo thống kê của bộ Tài chánh, có hơn 4,800 container vô chủ đang đậu ở các hải cảng Việt Nam, trong đó phần lớn là phế liệu công nghiệp.
Theo kiểm tra tại 5 khu vực hải cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó , lốp xe hơi cũ gần 2500 container. Những kiện hàng vô thừa nhận này tạo thành những bãi rác khổng lồ ở các hải cảng. Các cơ quan chức trách đang tỏ ra bất lực trong cách giải quyết.
Từ cách đây nhiều năm, các chuyên gia đã từng báo động đỏ về vấn nạn nhập phế liệu, rác thải công nghiệp về Việt Nam. Thế nhưng, những biện pháp quản trị, ngăn ngừa gần như không có hiệu lực. Đến nay thực trạng rác nhập về vẫn ào ạt, tồn đọng tại các hải cảng hoặc phân tán đi các vùng, miền, gieo rắc hiểm họa ô nhiễm môi trường. Những container vô chủ chất cao như những khu nhà tập thể, khi mưa xuống nước ngấm vào bên trong, những công nhân, người dân sinh sống gần đó bị thở với mùi acid từ ắc quy chì, lốp xe hơi và giấy vụn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập cảng còn thiếu đồng bộ, không rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp lợi ích chung của cộng đồng. Khi bị phát giác, các doanh nghiệp chỉ bị phạt hành chính và áp dụng biện pháp là buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng nhiều lô hàng không thể tái xuất ngược trở lại hoặc sang nước thứ ba vì không xác định được chủ hàng. Việt Nam đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước phát triển.