Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư của chế độ Hà Nội vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, chỉ tính riêng chi phí cho đủ loại quy hoạch trong giai đoạn từ 2011 đến 2020 (không kể những quy hoạch đã lập trước 2011), ngân sách Việt Nam đã chi ra khoảng 8.000 tỷ đồng nhưng đa số các quy hoạch đã lập, từ những quy hoạch vĩ mô kiểu như “phát triển ngành ô tô Việt Nam” đến những quy hoạch nhỏ như “chợ đầu mối” cho địa phương nào đó… đều thành… giấy lộn.
Sự lãng phí không chỉ nằm ở số tiền đã chi để lập quy hoạch mà còn nằm ở những chi tiêu cho việc thực hiện (đền bù việc thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, xây dựng hạ tầng phục vụ ý đồ quy hoạch,…), sau đó, bởi bất khả thi nên bỏ dở.
Cho đến nay, các viên chức ngành kế hoạch-đầu tư của CSVN chỉ mới tạm tính chi phí lập quy hoạch của một giai đoạn (2011-2020) và cho biết việc lập khoảng 20.000 quy hoạch vô bổ đó làm ngân sách mất 8.000 tỷ đồng, chứ chưa “tính đúng, tính đủ” vô số thiệt hại khác liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch vô bổ này.
Trong đó có cả những thiệt hại do đất đai bỏ hoang, sản xuất đình trệ, hạ tầng hư hỏng không được sửa chữa, dân chúng không được mua bán nhà đất,… do “quy hoạch treo” (chính quyền có “ý đồ” quy hoạch hoặc đã lập xong quy hoạch rồi để đó, không xác định thời điểm thực hiện).
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright, một người nghiên cứu về quy hoạch ở Việt Nam nhận định, Việt Nam đang hiểu sai và làm sai khái niệm quy hoạch nên số quy hoạch có hiệu quả đếm không hết các đầu ngón tay. Cũng vì vậy mà Việt Nam gặp trục trặc từ quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị đến quy hoạch không gian.
Theo ông Du thì thời gian vừa qua, mục tiêu của quy hoạch ở Việt Nam là để các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau rút tiền từ ngân sách.