Trong những năm trước đây, việc đua nhau xây chợ thật to diễn ra như một nạn dịch từ tỉnh xuống tới huyện, xã. Nhưng nhiều chợ xây xong đều bị bỏ trống, dù đã chi tiêu hàng tỷ đồng. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi trên trong tỉnh Thanh Hóa.
Theo Dân Trí ngày 17/7/2015 vừa qua, trong một phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nhiều người dân và đại biểu đã đưa ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh thực trạng xây chợ lên rồi bỏ không đang tồn tại nhiều nơi trong tỉnh.
Trong buổi họp, báo cáo của Sở Công thương cho biết từ năm 2003 đến nay, riêng kinh phí dành cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các chợ là khoảng 694,3 tỷ đồng với nhiều nguồn vốn. Nhiều chợ đã được xây dựng mới, có giá trị trên dưới chục tỷ đồng. Nhưng hiện nay, nhiều chợ đang bị bỏ hoang, do làm xong không có người vào mua bán.
Một điều trái ngược là trong khi chợ xây tiền tỷ đang bị bỏ hoang, thì những chợ tập trung buôn bán ở các lòng đường, vỉa hè lại tấp nập. Thí dụ như chợ Voi, thuộc huyện Quảng Xương được xây dựng từ năm 2008, hoàn thành năm 2011 tổng số tiền cho công trình này là hơn 5,7 đồng. Sau khi hoàn thành, chợ này đã không hoạt động mà bỏ hoang trở thành nơi chăn dê, thả bò.
Ngôi chợ thứ hai là chợ Già mới thuộc huyện Hoằng Hóa được đầu tư năm 2011, với nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng của Công ty Việt Hưng. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, chợ Già mới vẫn cửa đóng then cài trong khi cách đó không xa, khu chợ Già cũ vẫn được người dân đến mua bán.
Lý giải về những nguyên nhân khiến chợ mới bị bỏ hoang, giám đốc Sở Công thương cho biết nguyên nhân là do không có người vào mua bán. Kế đến, việc đầu tư xây chợ không phù hợp với số dân cư và tập quán của người dân. Vùng thưa dân vẫn xây chợ thật to bất chấp hiệu quả. Ngoài ra, còn có tình trạng đầu tư xây dựng chợ theo phong trào để hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới.
Việc thiếu kiểm soát gây ra lãng phí ngân sách trong xây dựng chợ của chính lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thì không nghe ai nói đến.