Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất cảng dệt may của cả nước từ đầu năm 2015 đến nay chỉ được khoảng 12 tỷ Mỹ kim, tăng khoảng 9% so với cùng thời kỳ.
Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Đáng lưu ý, xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lép vế trước khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Vitas, từ đầu năm đến nay, số lượng nhà đầu tư ngoại quốc đổ vốn vào ngành dệt may không ngừng tăng nhằm đón đầu các hiệp định tự do thương mại sẽ hưởng lợi do thuế xuất giảm dần xuống 0%, như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam với Liên Âu, Nam Hàn, Liên minh kinh tế Á – Âu… Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong nửa năm 2015, phần lớn các dự án đầu tư ngoại quốc có vốn lớn đều đổ vào ngành dệt may.
Dệt may là ngành xuất cảng chủ lực của Việt Nam với kim ngạch lên tới 24 tỷ mỹ kim trong năm 2014 và mục tiêu năm 2015 là 27 tỷ mỹ kim. Có điều, kim ngạch xuất cảng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhỏ, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc không ngừng tăng. Theo thống kê của Vitas, trong số 12 tỷ mỹ kim xuất cảng từ đầu năm đến nay, khối doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 27.5%, số còn lại thuộc về khối vốn đầu tư ngoại quốc. Ngay từ đầu năm, ngành dệt may đã gặp khó khăn, khi số lượng đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như Liên Âu, Nhật… đều bị giảm. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, cho biết đến quí 3 không có những đơn hàng hấp dẫn, mà chỉ là những hợp đồng nhỏ lẻ, nên doanh nghiệp không có sự lựa chọn. Dù thị trường Hoa Kỳ hồi phục tốt nhưng không thể bù đắp nhu cầu suy giảm từ Liên Âu, Nhật.
Ông Phạm Xuân Hồng đề nghị nhà nước đưa ra những giải pháp cụ thể về chính sách, như mục tiêu xây trung tâm nguyên, phụ liệu, phải ưu tiên về lãi xuất, thuế, đất đai… để doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư vào lãnh vực nguyên phụ liệu. Hiện 60% tới 70% nguyên phụ liệu vẫn nhập từ Trung Cộng, trong khi hiệu lực từ các Hiệp định thương mại tự do đang đến rất gần.