Sau những thúc dục từ năm 2011 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nhu cầu phải có luật biểu tình, năm nào quốc hội CSVN cũng lôi luật biểu tình ra bàn rồi lại….cất vào.
Năm nay, việc dời lại này theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, là do chính phủ CSVN đề nghị và đã được thường vụ quốc hội chuẩn thuận. Lý do bề ngoài của sự trì hoãn dài dài chuyện thảo luận và biểu quyết Luật Biểu Tình là “do có một số nội dung phát sinh cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, và tham khảo kinh nghiệm quốc tế”.
Quyền tự do biểu tình và quyền tự do lập hội đã được quy định trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, cũng như Điều 25 bản Hiến pháp hiện hành nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Tuy nhiên tính đến nay đã gần 70 năm, nhưng quyền tự do lập hội, biểu tình vẫn chưa được thể chế thành luật. Trong khi đó thực tế cuộc sống xã hội hiện nay đã khiến người dân liên tục xuống đường biểu tình ngày càng đông hơn nhằm đòi quyền lợi xã hội, đòi tăng lương, bảo vệ môi trường, đòi sửa đổi luật bảo hiểm xã hội, phản đối Trung cộng xâm lược,… Bên cạnh đó, các hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự tự phát cũng đang phát triển mạnh vì người dân có nhu cầu kết tụ lại với nhau để cùng bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và các thành viên.
Tại các quốc gia dân chủ tiến bộ biểu tình là một hiện thực hết sức phổ biến, một hình thức thực thi quyền Tự Do Ngôn Luận, là một thước đo của một xã hội dân chủ, nơi mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm tại nơi công cộng mà tìm cách giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng con đường ôn hòa bất bạo động.
Biểu tình là một biểu hiện của xã hội văn minh, để người dân bày tỏ công khai ý kiến ủng hộ hay chống đối về các vấn đề trong xã hội.
Biểu tình thường có liên quan đến vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định nào đó trong ôn hòa; là nền tảng đối thoại giữa chính quyền và tập thể quần chúng khi có bất đồng và là giải pháp giúp cho xã hôi tiến bộ chứ không là sự hỗn loạn.
Tuy nhiên, việc thực thi quyền tự do của người này có thể ảnh hưởng đến tự do của người khác, do đó ở các quốc gia dân chủ đều có Luật Biểu Tình rõ ràng để dân chúng biết đâu là giới hạn của mình, và nó là văn bản pháp lý được Quốc hội quốc gia đó thông qua, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người biểu tình. Luật Biểu tình sẽ tuân thủ theo Hiến pháp, tương đồng với các Hiệp ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đó ký kết.
Vào năm 2011, sau 11 cuộc biểu tình tự phát hàng tuần của người dân Việt Nam chống Trung cộng xâm lược, vào ngày 21 tháng 8 năm 2011, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ công an nghiên cứu và soạn thảo một dự Luật biểu tình để thông qua kỳ họp quốc hội cùng trong năm.
Đến gần cuối năm 2011, ông Thủ tướng còn nhấn mạnh rằng: “Luật biểu tình phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Đồng thời luật này cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân”.
Thế nhưng mãi cho tới cuối năm 2014, dự luật biểu tình vẫn không thể ra khỏi ngăn tủ bàn giấy của Bộ Công an. Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Dũng lại thúc dục: “Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định. Do đó Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình Dự án Luật”.
Có vẻ như ông thủ tướng sốt ruột. Nhưng, như đã đề cập ở trên, sự trì hoãn này là do chính phủ của ông thủ tướng đề nghị. Bộ công an là cơ quan chuyên dẹp biểu tình, lại được giao soạn luật biểu tình, để bộ này “vừa đá bóng vừa thổi còi“ suốt 4 năm vẫn chưa đưa ra nổi dự luật. Điều này cho thấy, có thể bộ công an vẫn chưa trù tính xong những biện pháp đối phó khi Luật Biểu Tình ban hành.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại sự vận hành của đảng CSVN thì có lẽ nhận định về sự trì hoãn này của một người đã từng là đại biểu quốc hội 2 nhiệm kỳ là khả tín hơn cả. Trong chương trình phát thanh ngày 25/4 năm ngoái của đài RFA (*), ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội các khóa 11 và 12 nhận định rằng, ở Việt Nam Đảng lãnh đạo toàn diện cho nên nếu Đảng thấy cần thiết về việc ban hành các luật biểu tình, lập hội thì sẽ ra nghị quyết cho Chính phủ và Quốc hội soạn thảo và thực hiện. Theo quan điểm cá nhân và quá trình tham gia Quốc hội hai khóa liên tiếp, ông Lê Văn Cuông bày tỏ hy vọng sau Đại hội Đảng 2016, Quốc hội khóa 14 sắp tới thì vấn đề luật hóa quyền con người sẽ có tiến triển. Vị cựu Đại biểu Quốc hội nói là sẽ hết sức vui mừng nếu Việt Nam có những bộ luật biểu tình, lập hội trước năm 2020…
Cũng nhìn theo cách vận hành của đảng như trên người ta sẽ thấy “thực tâm“ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông ta hô hào làm luật biểu tình. Ông Nguyễn Tấn Dũng không thể không biết là những vấn đề nhạy cảm (như biểu tình) phải được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định. Còn chính phủ hay Quốc hội chỉ là nơi thực hiện những quyết định đó. Vì vậy, việc ông Nguyễn Tấn Dũng hô hào phải xúc tiến làm luật biểu tình vào tháng 9/2011, sau những cuộc biểu tình và bị giải tán trong suốt mùa hè năm đó, chỉ là cách xoa dịu quần chúng và tự đánh bóng cá nhân của ông ta, như người ta đã thấy những năm sau này càng ngày ông ta càng dùng đến chiêu trò này nhiều hơn.
Chính vì trung ương đảng và bộ chính trị chưa bật đèn xanh, nên ông thủ tướng cứ hô hào, còn quốc hội thì năm nào cũng đem vấn đề ra tranh luận ồn ào, làm như có luật biểu tình đến nơi.
Trò này dường như đã cũ, tuy nhiên có khi vẫn đắc dụng.
– – –