Cuộc đình công của 600 công nhân làm việc tại xưởng may của nhà máy sản xuất giày da Tam Cường, thuộc công ty Đỉnh Vàng, tọa lạc ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vẫn còn tiếp diễn.
Mãi tới hôm 21 tháng 5, 2015, báo giới tại Việt Nam mới quan tâm đến cuộc đình công xảy ra từ ngày 18 tháng 5 và những thông tin do công nhân cung cấp về lý do dẫn tới đình công khiến nhiều người sửng sốt.
Gần đây, nhà máy sản xuất giày da Tam Cường ngưng việc tính lương theo sản phẩm để khoán số lượng sản phẩm. Do số lượng sản phẩm được khoán rất cao, công nhân làm việc tại xưởng may phải làm thêm nhiều giờ mới có thể nhận được số lương tương đương với mức lương trước đó.
Đáng lưu ý là ngoài giờ làm việc chính thức, công ty Đỉnh Vàng đã tắt hết đèn trong xưởng, thiếu ánh sáng, rất nhiều công nhân phải may dưới ánh sáng từ điện thoại di động của họ.
Cho đến chiều 21 tháng 5, chỉ mới có 200 trong số hơn 600 công nhân đã tham gia đình công đồng ý quay lại làm việc sau khi đại diện nhà máy sản xuất giày da Tam Cường hứa sẽ bỏ bộ phận tính sản lượng, trực tiếp đặt ra mức khoán số lượng sản phẩm.
Khoảng 400 công nhân vẫn tiếp tục đình công vì nhà máy sản xuất giày da Tam Cường chưa điều chỉnh mức khoán sản phẩm, chưa cam kết đóng bảo hiểm xã hội như luật định, chưa trả lời về trợ cấp thâm niên, tăng bữa ăn giữa ca và chưa hứa chấn chỉnh tình trạng các nhân viên quản lý lăng mạ công nhân,…
Giống như nhiều cuộc đình công khác, đại diện công đoàn của nhà máy sản xuất giày da Tam Cường không làm gì cả. Trên danh nghĩa, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước của liên minh công nông nhưng trong thực tế, quyền lợi của cả công nhân lẫn nông dân không được ai bảo vệ. Công nhân bị bóc lột ở mọi góc độ. Hàng triệu nông dân mất đất trở thành dân oan, không đủ sống bằng trồng trọt và chăn nuôi.
Việt Nam hiện có Tổng Liên Đoàn Lao Động và trên danh nghĩa là tổ chức đại diện trực tiếp cho quyền lợi của người lao động nhưng trong thực tế, tổ chức này chỉ là công cụ của Đảng CSVN nên không bảo vệ những lợi ích của công nhân Việt Nam giống như trường hợp vừa kể.
Cũng vì vậy, đã có nhiều nơi, nhiều người liên tục vận động để cộng đồng quốc tế gây sức ép nhằm buộc chính quyền Việt Nam phải chấp nhận cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập, không bị Đảng CSVN chi phối để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam. Vào lúc này, việc thừa nhận sự tồn tại của các công đoàn độc lập đang được xem như một điều kiện để Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP).