Vào ngày 24/05, 36 tổ chức nhân quyền ở cả trong lẫn ngoài nước đã gửi một thư ngỏ cho nhà cầm quyền VN về trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, tiếp tục giam giữ ông Thức là sai trái vì ông Thức chỉ vì thực hiện quyền tự do biểu đạt (kêu gọi cải cách chính trị, tôn trọng nhân quyền) một cách ôn hòa.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 49 tuổi là một kỹ sư về công nghệ thông tin. Năm 1993, ông Thức thành lập một cửa hiệu chuyên lắp ráp máy tính với thương hiệu EIS. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, máy tính EIS trở thành một thương hiệu được người tiêu dùng ở Việt Nam tín nhiệm.
Tuy là một trong những công ty công nghệ thông tin hiếm hoi của Việt Nam đầu tư ra ngoại quốc và rất thành công nhưng tại Việt Nam, EIS liên tục bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ. Tháng 3 năm 2009, Sở Thông tin – Truyền thông của thành phố Sài Gòn ra lệnh cho EIS ngưng cung cấp dịch vụ One Connection. EIS loan báo sẽ kiện cơ quan này ra Tòa Hành chính ở Sài Gòn và tại Singapore.
Ngày 24 tháng 5 năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc “trộm cắp cướp viễn thông”. Sau đó, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt. Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông là blogger Trần Đông Chấn với blog mang tên “Change we need”, vời những phân tích sắc sảo về hiện tình chính trị, những cảnh báo được nhiều người đồng tình về việc phải nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, những dự báo về các nguy cơ đủ mặt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiểm họa tiềm ẩn trong quan hệ Việt – Trung.
Theo dư luận đó là lý do Trần Huỳnh Duy Thức bị truy tố và bị phạt tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”!
Cuối tháng 1 năm 2010, tại phiên xử sơ thẩm ông Thức và ba người bạn, Tòa án Tối cao của Việt Nam phạt ông Thức 16 năm tù. Ông Nguyễn Tiến Trung bị phạt bảy năm tù, ông Lê Công Định và ông Lê Thăng Long cùng bị phạt mỗi người 5 năm tù.
Việc xét xử – kết án ông Thức và ba người bạn của ông bị cho là tùy tiện khi thân nhân và báo giới quốc tế không được tham dự. Micro thường xuyên bị ngắt khi các bị cáo phát biểu. Tuy vụ án được xác định là “xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia” song hội đồng xét xử chỉ nghị án chừng 15 phút rồi đọc một bản án dài đến 45 phút.