Giáo sư Trần Gia Phụng nói về ngày 30/04/1975, lẽ “thắng – thua” (1)

- Quảng Cáo -

3004 dauthuongThưa quý thính giả, trong lúc người dân trong nước vô cùng bức xúc, thất vọng trước các vấn nạn của đất nước thì lãnh đạo CSVN vẫn rầm rộ tổ chức ngày 30/4 với một cuộc duyệt binh vĩ đại gồm 6000 người tham dự cùng các lực lượng võ trang và các khí tài hiện đại. Liệu ngày 30/4 có còn được coi là ngày chiến thắng đối 90 triệu dân trong nước nữa hay không? Cách đây khoảng 10 năm MH đã có dịp được đọc những bài viết rất hay, những phân tích rất rốt ráo của GS Trần Gia Phụng. Ông là một Sử Gia đã xuất bản liên tiếp nhiều công trình sử học giá trị, được độc giả hải ngoại đánh giá rất cao. Ngày hôm nay chúng ta có cái may mắn được ông dành cho một buổi phỏng vấn về vấn đề 30/4. Kính mời quý vị lắng nghe buổi nói chuyện của MH và Gs Trần Gia Phụng.

***

Mai Hương (MH) : Thưa giáo sư, ngày 30 tháng tư năm 1975, cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi ở về phía những người Cộng Sản miền bắc. Ngay sau đó không lâu, đã có nhận thức cho rằng, bên cạnh chiến thắng bằng bạo lực quân sự thì kể từ đó cộng sản đã bắt đầu thua trên nhiều lãnh vực khác. Đến nay, 40 năm đã trôi qua, nhiều góc tối của lịch sử đã được soi sáng, cuộc cách mạng tin học đã nâng cao nhận thức của con người rất nhiều; vì vậy lẽ “thắng – thua” đã được định hình lại chính xác hơn trong bối cảnh xu thế của nhân loại ngày nay. Giờ đây, tuy CSVN vẫn đang nắm chính quyền và đang tổ chức ăn mừng chiến thắng, nhưng sự thua bại toàn diện của họ chỉ còn là vấn đề thời gian. Là một nhà nghiên cứu sử, giáo sư nhận định thế nào về nhận thức vừa kể?

Trần Gia Phụng TGP) : Tôi xin trả lời từ từ từng phần theo thứ tự trong câu hỏi. Trước hết, tôi đồng ý là lúc đầu ai cũng nghĩ là Cộng sản Việt Nam (CSVN) chiến thắng năm 1975, vì rõ ràng chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam (NVN) sụp đổ, CSVN cưỡng chiếm được Sài Gòn. Người CS thường rêu rao rằng họ  “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

- Quảng Cáo -

Thực tế Mỹ không cút, mà phải nói cho đúng ý nghĩa bối cảnh lịch sử là Mỹ ngưng không tiếp tục hiện diện ở Việt Nam vì lý do thay đổi chiến lược của họ trong chiến tranh lạnh toàn cầu.  Còn “ngụy”, chữ mà CS dùng để chỉ VNCH, không thất trận, chỉ ở thế bắt buộc phải ngưng chiến đấu, vì thiếu tiếp liệu. Trước khi bị ngưng tiếp viện năm 1973, ngoài những trận du kích lẻ tẻ, CS không thắng được trận nào đáng kể, kể cả trận Mậu Thân năm 1968, và Mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Trong khi Hoa Kỳ rút quân, cắt giảm đến mức tối đa viện trợ võ khí cho VNCH, thì Liên Xô cùng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) tăng cường gấp bốn lần viện trợ võ khí cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt Nam (BVN).  Vì vậy, VNCH hay NVN bị bức tử; BVN thành công ngày 30-4-1975.

Ngay sau đó, nghĩa là ngay khi CS vừa chiếm Sài Gòn, thì rõ ràng có nhiều hiện tượng cho thấy là CSVN thua cuộc. Đầu tiên là khi CS chiếm Sài Gòn, rất nhiều người tự sát và khoảng 150,000 người Việt bỏ nước ra đi. Cộng sản tố cáo những người di tản là tay sai đế quốc Mỹ. Luận điệu nầy của CS được Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975 phụ họa: “Những kẻ ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.” (trích nguyên văn lời Trịnh Công Sơn)

Dầu bị CS kết tội phản quốc, dân chúng càng ngày càng bỏ nước ra đi. Kể chung tất cả những cuộc vượt biên và các chương trình “Ra đi có trật tự”, chương trình HO, thì số người ra nước ngoài khoảng 1,500,000 người. Một chế độ lên cầm quyền mà người ta không muốn sống dưới chế độ đó đến nỗi phải tự sát hoặc gấp rút di tản rầm rộ, kể cả hy sinh tánh mạng mà cũng cứ ra đi, thì rõ chế độ đó đã mất long dân, bắt đầu thua cuộc.

Sau đó, dân chúng Việt Nam tiếp tục ra đi, tuy nhiên chỉ có những người có điều kiện và may mắn mới thoát, nhiều người còn kẹt lại, đành chấp nhận sống với CS. Trong khi đó, dân chúng vẫn tiếp tục tranh đấu chống CS.  Lúc đầu là những cuộc võ trang, rồi sau đó là tranh đấu bất bạo động dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là khi công nghệ truyền thông phát triển mạnh mẽ.  Chế độ CS trong nước hiện nay rất sợ cuộc tranh đấu bất bạo động mà CS gọi là “diễn biến hòa bình”.

Lý do đơn giản là chủ nghĩa CS là một chủ nghĩa không tưởng, không thể thực hiện, chỉ có một thiểu số muốn lợi dụng chủ nghĩa CS để mỵ dân, chiếm độc quyền chính trị, thỏa mãn tham vọng khát máu của họ mà thôi.  Những kẻ lãnh đạo CS hiện nay trên thế giới, không phải chỉ riêng Việt Nam mà cả Cuba, Trung Cộng, Bắc Hàn, đều biết rằng chủ nghĩa CS đã lỗi thời vì ngày nay CS không còn có thể tuyên truyền xảo trá, bịp bợm như trước, nhưng CS vẫn cố bám lấy bộ máy độc tài để duy trì quyền lực, ngõ hầu tiếp tục tham nhũng, vơ vét của dân trước khi tìm cách hạ cánh an toàn.

Chị Mai Hương nói đúng, “giờ đây, tuy CSVN vẫn đang nắm chính quyền và đang tổ chức ăn mừng chiến thắng, nhưng sự thua bại toàn diện của họ chỉ còn là vấn đề thời gian.”  Chị để ý mà xem, chưa có một chế độ nào hay nhà cầm quyền nào trên thế giới mà bị dân chúng liên tục hàng ngày khiếu kiện, đả kích, phản đối, chê bai, chửi rủa như chế độ CSVN hiện nay.  Hãy xem lại những cuộc biểu tình phản đối trong thời gian gần đây, dân chúng kêu đích danh CSVN ra mà xỉ vả.  Thành tích hàng ngày bị chửi rủa nầy đáng được ghi vào GUINNESS, hơn cả những cái bánh chưng khủng, những tô phở to đùng, hay cái pho tượng quái đản như B52, mới khánh thành liền bị hỏng.

Một chế độ như thế không thể sống lâu với dân chúng, chỉ còn một con đường là chờ đợi sụp đổ.  Từ thời HCM, để tránh bị sụp đổ, HCM tiêu diệt tất cả những thành phần đối lập, những người có khả năng thay thế đảng CS. Vì vậy, trong một thời gian dài, Việt Nam thiếu vắng nhân tài.

Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm gần đây, kế hoạch giết tiềm lực của CSVN dần dần không còn thi hành được vì khi các phương tiện truyền thông phát triển, khi các nước giàu có đầu tư vào Việt Nam, khi Việt Nam bước vào sinh hoạt kinh tế toàn cầu, theo luật chơi quốc tế, có nhiều người tham gia các cuộc tranh đấu bất bạo động, viết báo, viết blog hay facebook.  Dầu CSVN hết sức đàn áp, nhưng chắc chắn có nhiều tài năng bắt đầu ló dạng và chắc chắn họ sẽ dần dần trở thành những nhân vật đối lập với CS.

Tất cả những điều đó báo hiệu thời điểm cáo chung của chế độ CSVN.

 

MH : Thưa giáo sư, mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng tư là khẩu hiệu hoà hợp hoà giải dân tộc lại được nhắc đến. Chiến thắng năm 1975 của CSVN thống nhất lãnh thổ nhưng lại đưa đến sự ly tán lòng người hơn bao giờ hết và tình trạng đó vẫn kéo dài cho đến nay. Theo giáo sư thì tại sao lại khó “hoà hoà hợp hoà giải” ? Phải chăng sự tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN đối với người miền nam thua cuộc đã tạo nên sự thù hận và hố sâu ngăn cách? Chẳng hạn như ông Nguyễn Hộ, tác giả của tác phẩm “Quan điểm và cuộc sống” đã ghi lại sự tàn bạo và vô luân theo kiểu thời trung cổ đó của chế độ như sau (như một lời kết án): “Nhà của ngụy ta ở, vợ của ngụy ta xài, con của ngụy ta sai, còn ngụy thì ta đày bọn chúng lên rừng thiêng nước độc”. Thưa giáo sư, tuy lịch sử không thể thay đổi được, nhưng có cách nào để xoá mờ những vết đen đó trong tâm khảm người dân để mọi người dân thực sự quên được quá khứ đau thương và hướng về tương lai?

TGP : Thưa chị Mai Hương, thưa quý thính giả nghe đài.  Trước hết nói chuyện hòa hợp hòa giải, thì vấn đề đặt ra là ai hòa giải hòa hợp với ai ?  Chế độ CS đang cầm quyền chính là kẻ khởi xướng chuyện hòa hợp hòa giải, chứng tỏ CSVN cảm thấy trước đây chính họ sai lầm với dân chúng nên họ mới xin hòa hợp hòa giải. Tuy nhiên CSVN muốn hòa giải với ai ? Với đồng bào Việt ở hải ngoại hay đồng bào trong nước?

Xin nói ngay là người Việt Hải ngoại đã vượt qua giai đoạn khó khăn buổi đầu, chạy trốn, nheo nhóc trong các trại tỵ nạn, tìm các nước dung thân.  Đã qua rồi. Ngày nay, người Việt hải ngoại đã ổn định cuộc sống ở xứ người, đều là công dân các nước ngoài. Đã là công dân các nước ngoài thì chẳng có gì cần hòa giải hòa hợp với với đảng CSVN, vì sống ở nước ngoài, làm việc cho nước ngoài, lãnh tiền nước ngoài, đóng thuế nước ngoài, hưởng tiện nghi nước ngoài… Họ chẳng có gì liên hệ gì đến nhà nước CSVN.  Nếu họ vì công việc nhà, nếu phải về thăm gia đình, bà con còn ở trong nước, họ được nhà nước CSVN đối xử theo quy chế người nước ngoài, luật lệ đối với người nước ngoài, và phải trả chi phí theo giá người nước ngoài, từ khách sạn, ăn uống, di chuyển, du lịch … Nói tóm lại là họ chẳng có gì để hòa giải hòa hợp với nhà nước CSVN.

Ngoài ra, có một số người Việt đã là công dân nước ngoài, nhưng ưa về Việt Nam kiếm chác hay hưởng thụ cho vui, cỡi ngựa xem hoa cho vui, nhưng chẳng có ai dám đem gia đình con cái về ở luôn Việt Nam.  Cho đến ngày nay, câu nói của nghệ sĩ Trần Văn Trạch vẫn còn có ý nghĩa: “Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi.”  Tôi xin mạn phép nghệ sĩ Trần Văn Trạch để thêm rằng : Cái cột đèn cũng khôn lắm, chỉ ra đi qua các nước tư bản Tây phương, chứ chẳng dại gì mà đục đầu vào các nước CS cả.

Vấn đề còn lại là nếu đảng CSVN muốn hòa hợp hòa giải thì hãy hòa hợp hòa giải với dân chúng trong nước.  Khổ nỗi, khi muốn hòa giải với người trong nước thì việc đầu tiên là phải cất giùm cái mũ là điều 4 Hiến pháp của CSVN.  Cái điều luật lạ lùng nầy đặt người CS leo đầu leo cổ người dân, ngồi chồm hổm trên đầu dân chúng Việt Nam.  Đảng CS ngoan cố đời nào chịu bỏ điều 4 Hiến pháp mà bảo hòa giải hòa hợp với dân chúng Việt Nam.

Chẳng những ngồi chồm hổm trên đầu trên cổ dân chúng, mà CSVN còn tàn ác, đàn áp, bóc lột, tham nhũng, rồi làm tay sai cho Trung Cộng thì làm sao hòa giải hòa hợp với dân chúng được vì người Việt Nam vốn tính chống ngoại xâm, chống Trung Hoa từ thuở lập quốc cho đến ngày nay.  CSVN nói chuyện hòa giải hòa hợp là chuyện không tưởng, giống như bây giờ mà nói chuyện lý thuyết Mác-xít, chủ nghĩa Cộng sản, đều là chuyện không tưởng.

Cô Mai Hương nói rằng “tuy lịch sử không thể thay đổi được, nhưng có cách nào để xoá mờ những vết đen đó trong tâm khảm người dân để mọi người dân thực sự quên được quá khứ đau thương và hướng về tương lai?”  Tôi xin khẳng định ngay là không bao giờ có thể xóa mờ những vết đen CS trong tâm khảm và quên được quá khứ đau thương.  Không, không và không bao giờ cả vì hai lẽ: 1) Thứ nhứt, tội ác của CSVN quá lớn, quá nặng nề.  Cô nhớ lại lịch sử: Vào thế kỷ 13, Trần Thủ Độ giết được bao nhiêu con cháu nhà Lý trong buổi lễ tế tổ của dòng họ Lý, cho giỏi lắm là vài chục người, hay cho cả trăm người đi, vì buổi tế lễ làm gì đông đúc cho lắm; mà bây giờ lịch sử còn ghi.  Huống chi CSVN giết biết bao nhiêu người từ năm 1945 đến nay.  Con số nầy chẳng phải hàng trăm ngàn đâu nghe, có thể lên tới số vài triệu.  Trăm năm bia đá thì mòn,/ Ngàn năm bia miệng hảy còn trơ trơ.  Từ thời Trần Thủ Độ đến ngày nay là 800 năm rồi cô Mai Hương, mà không cách nào quên, huống gì là tội lỗi của CSVN.  2) Thứ hai, không thể quên tội lỗi của CS, vì quên tội lỗi độc ác của CS, thì sẽ có người tái phạm tội lỗi nầy.  Chị Mai Hương ở Mỹ, chị nhớ câu tục ngữ Mỹ.  “Forgive but don’t forget.”  Người Việt sẽ không forgive và cũng không bao giờ forget, kể cả khi CSVN sụp đổ, lịch sử sẽ ghi mãi lại chứng tích tội lỗi của CSVN.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here