Thơ Giang Hữu Tuyên

- Quảng Cáo -

mongtoiGiang Hữu Tuyên sinh ngày 20 tháng 3 năm 1949 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Sau Trung Học An Xuyên, Cà Mau, Anh lên Sài Gòn học Phân khoa Báo Chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Nhưng chưa có dịp hành nghề Truyền thông thì Anh bị gọi động viên và đã gia nhập Binh chủng Hải Quân, theo học Khoá Sỹ quan 21 (1/70), năm 1969.

Sau khi mãn khóa, anh được chỉ định về phục vụ tại đảo Hòn Khoai, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Duyên hải, ngoài khơi mũi Cà Mâu.
Hải quân Trung úy Giang Hữu Tuyên đã có mặt trong hầu hết các cuộc hành quân của Hải quân VNCH ở vùng Rạch Giá – Hà Tiên và là một trong những Tân Sỹ quan tham dự vào chiến dịch Hải quân nổi tiếng Sóng Tình Thương bình định làng Năm Căn, một trong những nơi ẩn náu quan trọng của lực lượng Cộng sản ở vùng 4 Chiến thuật.
Sau một thời gian ba chìm bẩy nổi với sông biển, anh được điều động về phục vụ tại Trung tâm Tiếp liệu Hải quân tại Sài Gòn.
Sau khi miền Nam rơi vào tay quân Cộng sản năm 1975, Giang Hữu Tuyên may mắn vượt thoát được ra nước ngoài và định cư tại Virginia cho đến ngày anh lià đời.

Ngoài nghề báo, anh Giang Hữu Tuyên còn được giới Văn học Việt Nam và nhiều người Việt tị nạn biết đến là một Nhà thơ. Năm 1999 tập thơ đầu tay “Trời Mưa Đi Phát Báo” của anh ra đời đã gây được nhiều tiếng vang ở hải ngoại.

Thơ Giang Hữu Tuyên đậm tình với sông nước miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long, vì ngay từ thời thanh niên, cũng có thể ngay từ niên thiếu, ông đã chung đụng với bùn lầy vườn quê quanh nhà như vén đất hay giềng bờ ao khi nước lụt; quen với hương mắm ăn kèm rau dừa, loại rau mọc dồi dào quanh bờ ruộng; quen  thấy những bầy ròng ròng đỏ ửng (bầy cá con giăng một hàng khá dài theo cá lóc mẹ thường gặp trong mương rạch). Những ai đã từng ở vùng quê Nam bộ mới cảm nhận được hương mắm và cảnh sắc thân ái miệt vườn.

- Quảng Cáo -

Bài thơ “Về Giòng Sông Trẹm” của Giang Hữu Tuyên nói về sự đau lòng vì đất nước nằm trong hai chiến tuyến, chiến tuyến hai bờ sông Trẹm ở Cà Mau là bối cảnh thu nhỏ của chiến tuyến hai bờ sông Bến Hải chia đôi nước Việt Nam. Ðó là chiến tuyến địa lý phân chia, nhưng sự phân chia lòng người còn phức tạp hơn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thành đến ba bốn chia lìa, chia lìa do khuynh hướng chính trị, hoặc chia lìa do hoàn cảnh. Điển hình sự phân ly hiện hữu ngay ở trong nội bộ một gia đình: Hồi còn thơ ấu, mẹ nấu nồi canh mồng tơi tím thì bốn người con cùng ăn ngon bên mẹ bên cha. Khi lớn lên, cả bốn người con ở vào tuổi ràng buộc vào cuộc chiến; người theo bên này người theo bên kia; người thuộc thành phần phản chiến không ở phe nào; người chị gái thì mất chồng vì viên đạn tai bay vạ gió tình cờ. Giữa thời chiến, nồi canh mồng tơi mẹ nấu vẫn tím như ngày xưa mà không còn người con nào ở trong gia đình nữa !

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here