Theo trang Nikkei Asian Review hôm 8 tháng 4, chuyến đi Trung Cộng của Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đạt được một số thỏa thuận song phương, trong đó có sự đồng ý đưa hải cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển do Trung Cộng khởi xướng.
Theo bài báo này thì hai bên đã có ý lập các nhóm công tác về hạ tầng cơ sở, hợp tác tài chính cho dự án Con đường Tơ lụa. Sáng kiến này do Trung Cộng đề ra liên quan tới việc hình thành Đường Tơ Lụa Trên Biển, là một sáng kiến mà tờ báo nói có khả năng làm giảm căng thẳng giữa hai nước.
Theo Trung Cộng thì con đường Tơ Lụa trên Biển cho thế kỷ 21 bao phủ nhiều khu vực rộng lớn trong Biển Đông, có mục đích cổ vũ cho sự thịnh vượng chung, và là một giải pháp tất cả các bên đều có lợi. Đường Tơ Lụa Trên Biển Đông trải dài từ bờ biển phía Đông Trung Cộng tới vùng Trung Đông và Châu Âu thông qua Ấn Độ Dương.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 400 tỷ USD. Đầu tư hai chiều vượt quá 100 tỷ USD. Theo ông Tập Cận Bình, đó là cơ sở tốt cho con đường tơ lụa trên biển. Nó thực sự có thể đưa kim ngạch thương mại hai bên lên khoảng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020.
Theo tờ Nikkei Asian Review, nhờ vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam là một gạch nối kết thiết yếu trong sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, một mạng lưới thương mại từ Phúc Kiến sang Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu. Hải cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam có thể được xây dựng thành hải cảng đón tàu chuyên chở container lớn ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 2017 như một phần của dự án này.
Trung Cộng muốn có một mạng lưới hải cảng liên kết các nước trong các vùng biển Đông Nam Á và Ấn Độ Dương để đưa hàng Trung Cộng ra thế giới.
Tờ Nikkei cho biết hai nhà lãnh đạo đã thoả thuận thành lập các toán đặc nhiệm để thăm dò hợp tác về các dự án cơ cấu hạ tầng và tài chính.