Trong tuần qua tất cả báo đài ở Nhật không ngày nào mà không đi tin hay bình luận về chuyện ông Goto, ký giả Nhật, bị tổ chức Hồi giáo quá khích tự xưng là nhà nước Hồi giáo (IS) giết bằng cách chặt đầu. Mặc dù kết quả của sự việc đã làm cho người Nhật thật sự bàng hoàng, nhưng không mấy ai oán trách chính quyền ông Abe cả. Vì tin tức được loan tải liên tục nên người dân Nhật thấy được sự quan tâm của chính quyền đối với sinh mạng của người dân hết sức cao. Tất cả những Bộ, những ngành liên quan đều được lịnh phải túc trực ngày đêm hầu đối ứng kịp thời với mọi diễn biến mới, đèn ở dinh thủ tướng để sáng choang suốt đêm và có thể họp khẩn bất cứ giờ nào dù là nửa đêm hay rạng sáng. Trong thời gian này Quốc hội Nhật đang nhóm họp nên người ta thấy từ ông Thủ tướng Abe đến ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng cũng như ông Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng mặt mày hốc hác bởi những cuộc họp thâu đêm suốt sáng nhằm tìm cách cứu mạng ký giả Goto. Có ít nhất là hai phiên họp Quốc hội mà giữa chừng Bộ trưởng Phủ Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Ngoại giao phải xin phép rời phòng họp để chạy về bản doanh giải cứu con tin đặt ở dinh Thủ tướng hầu đối ứng với những báo cáo do Phó Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đang ở Jordan gởi về.
Truyền thông Nhật lẽ đương nhiên là lên án IS về tội sát nhân, nhưng một mặt thì cố tìm những quyết định sai lầm của Thủ tướng Abe về vụ này để đả kích, tuy nhiên có cố gắng cách mấy cũng chỉ nêu ra được 2 điểm đó là tại sao Thủ tướng Abe lại tuyên bố sát cánh cũng như viện trợ cho các quốc gia chống IS trong chuyến công du các nước Trung Đông vào cuối tháng giêng vừa rồi. Điểm thứ hai là chính phủ Nhật hoàn toàn dựa vào Jordan để giải cứu con tin chứ về phần mình thì chẳng có đường dây liên lạc trực tiếo nào cả với IS.
Cho dù truyền thông Nhật nêu ra hai điẻm như vừa nói ở trên nhưng người dân Nhật không hề bất mãn chính quyền, ngược lại còn ủng hộ nhiều hơn trước vì thấy rõ nội các của Thủ tướng Abe đã cố gắng hết sức trong việc giải cứu con tin, chỉ đáng buồn là không đạt được kết quả mà thôi.
Trong khi nguyên thủ cũng như người dân nhiều quốc gia gởi lời chia buồn với chính phủ và người dân Nhật về vụ này thì truyền thông Trung quốc lại phán một câu rằng ông Abe đang lợi dụng việc hai công dân Nhật bị IS sát hại để lấy lòng dân, trong khi nguyên dân chính dẫn đến chuyện hai người dân Nhật bị giết là do những phát biểu và hành động vừa rồi của ông Abe tại Trung Đông. Sau khi đã phán như thế, truyền thông Trung quốc còn đưa ra lời cảnh cáo rằng nếu ông Abe và nội các của ông ta mà được người dân Nhật ủng hộ nhiều thì mối quan hệ Trung-Nhật ngày càng thêm căng thẳng.
Theo các bình luận gia thì dưới chế độ Cộng sản tất cả mọi cơ quan truyền thông đều là của đảng và nhà nước nên phải hiểu rằng những gì mà truyền thông các nước Cộng sản phán định là ý kiến của đảng và nhà nước. Đối với ông Tập Cận Bình thì chính trị gia Nhật chỉ có hai thành phần một là ‘’Bồ câu’’ hai là ‘’Diều hâu’’. Ai coi trọng sự giao hảo với Trung quốc là những người tiến bộ. Ông Tập còn cụ thể nêu tên cựu Thủ tướng Murayama, cựu Thủ tướng Hatoyama hay chính trị gia số một của Nhật cách đây 4 năm là ông Ozawa thuộc phái bồ câu, còn thân Mỹ, phá hoại mối ban giao hữu nghị với Trung quốc như Thủ tướng Abe là phái diều hâu. Cũng theo các bình luận gia này thì ông Tập có phân biệt như thế nào thì đó là quyền tự do của ông ta, nhưng cho truyền thông của mình đưa ra lời cảnh cáo là nếu người dân Nhật càng ủng hộ Abe thì tình hình bang giao giữa hai nước Trung -Nhật sẽ thêm căng thẳng là một sai lầm. Người dân Nhật ủng hộ hay phản đối bất kỳ chính trị gia nào là quyền của họ, xía vào là hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của người ta.
Theo các quan sát viên tình hình ban giao Trung-Nhật thì ông Tập Cận Bình dư biết làm như thế là xen vào chuyện nội bộ nước khác nhưng vẫn nói ra vì sợ rằng mỗi khi mà người dân Nhật thấy chính phủ của mình không thể gởi lính đi giải cứu người dân bị bắt cóc làm con tin thì dễ dàng ủng hộ Thủ tưóng Abe trong việc sửa đổi điều 9 hiến pháp về chuyện Phòng vệ tập thể, qua đó Nhật có thể đưa quân đội ra nước ngoài khi hữu sự mà không sợ vi hiến. Nếu Nhật sửa đồi điều 9 hiến pháp này thì Trung quốc sẽ phải đối đầu với Nhật ở biển Đông trong mưu đồ xâm lược của họ, chính vì vậy mà ông Tập Cận Bình phải tìm cách ly gián người dân Nhật với chính quyền ông Abe cho dù bị chỉ trích là xen vào chuyện nội bộ nước khác, tuy nhiên cố tìm cách ly gián là một việc còn ly gián được hay không lại là một chuyện khác.