Tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền, mà điển hình là vụ côn an tấn công Hội Bầu Bí Tương Thân cùng một số anh em tại Hà Nội đã đến thăm cựu tù nhân lương tâm Trần Anh Kim ở phường Trần Hưng Đạo, Thái Bình vào ngày 21/01 vừa qua.
Ông Trần Anh Kim – tại tỉnh Thái Bình. Ông Trần Anh Kim, một cựu trung tá quân đội, vừa được trả tự do ngày 07/01, sau khi thụ án 5 năm sáu tháng tù, vì bị buộc tội tham gia một đảng chính trị không được chính quyền công nhận.
Những người bị đánh gây thương tích nặng nhất trong vụ này là nhà báo tự do, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh và ông Trương Văn Dũng. Trong số những người bị hành hung khác có kỹ sư Ngô Duy Quyền, đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi, các blogger Trương Văn Tam, Bạch Hồng Quyền, nhà hoạt động Trần Thị Nga, nhà báo Nguyễn Tường Thụy.
Đại diện Châu Á của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa lên tiếng tố cáo việc nhân viên công an mặc thường phục đánh đập và đe dọa nhiều nhà hoạt động nhân quyền. HRW kêu gọi chính quyền truy cứu các thủ phạm vụ tấn công nói trên và chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu, đàn áp nói chung nhắm vào các blogger và giới hoạt động nhân quyền.
Ba ngày trước vụ Thái Bình, ngày 18/01, theo HRW, mục sư Nguyễn Hồng Quang thuộc hệ phái Tin lành Mennonite, đã bị nhiều người lạ mặt đánh ngay trước cửa nhà, trước sự chứng kiến của nhân viên công an. Mục sư Nguyễn Hồng Quang hiện đang được điều trị tại một bệnh viện Sài Gòn, vì bị gẫy sống mũi và nhiều chấn thương khác.
Vẫn theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch, chỉ riêng trong năm 2014, ít nhất 22 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị những người mang thường phục tấn công. Cho đến nay, chưa có ai trong số các thủ phạm bị truy tố về các hành động tấn công nhắm vào giới bất đồng chính kiến nói trên.
Nhân dịp HRW công bố báo cáo 2014 (World Report 2014), dài 667 trang, về tình trạng nhân quyền tại hơn 90 quốc gia trên thế giới ngày 22/01, ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của HRW, nhận xét : đàn áp nhắm vào những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam có xu hướng gia tăng trong bối cảnh người dân Việt Nam ngày càng ý thức rõ hơn về các quyền của mình và đấu tranh tích cực hơn để khẳng định các quyền này. Ông Brad Adams nhấn mạnh « chính quyền Việt Nam nên đối thoại với các ý kiến khác biệt và chấp nhận việc các nhà nước độc đảng bị lịch sử từ bỏ ».