Theo như thông lệ cứ vào dịp cuối năm dương lịch, báo chí Hàn quốc đều điểm qua những hoạt động của chính quyền Seoul về nhiều lãnh vực chính yếu rồi lên tiếng đề nghị nên bỏ chuyện này chuyện kia để làm chuyện khác có lợi cho quốc gia nhiều hơn. Có lẽ thấy trong hơn một thập niên trở lại đây, hầu như năm nào các khoa học gia của Nhật cũng đều đoạt giải Nobel về khoa học mà Hàn quốc thì chẳng có một giải nào cho dù 10 năm trước đây chính quyền Seoul đã từng tuyên bố sẽ bỏ thêm ngân sách ra cho các khoa học gia Hàn quốc nghiên cứu để làm sao đoạt cho được giải Nobel. Thế nhưng cho đến nay bóng dáng giải Nobel vẫn chưa thấy thấp thoáng ở dãi đất Triều Tiên này. Không phải chỉ cần rót ngân sách vào là đủ, mà khi có một phát minh gì mới thì chính quyền còn phải đi vận động hành lang các cơ quan nghiên cứu nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt là ở Thụỵ Điển (nơi trao giải Nobel) để cho các khoa học gia biết. Trong mấy năm qua các khoa học gia Hàn quốc cũng có những nghiên cứu, phát minh đáng kể, nhưng không thấy những nỗ lực vận động của chính quyền vào lãnh vực này mà chỉ đổ công sức vào việc dựng bia tưởng niệm các phụ nữ Triều Tiên bị lính Nhật bắt phục vụ sinh lý vào thế kỷ trước tại Hoa Kỳ, Âu châu, Trung quốc…
Tờ Trung Ương nhật báo đưa ra một trường hợp điển hình là công trình nghiên cứu về Tế bào di truyền của giáo sư Charles Lee (người Canada gốc Hàn quốc) rất sáng giá có thể đoạt giải Nobel Y khoa năm 2014, nhưng tiếc thay chính quyền bà Phát Cận Huệ không quan tâm để vận động nên đã bỏ mất một cơ hội bằng vàng, trong khi Nhật Bản thì họ làm chuyện này đến nơi đến chốn. Bóng đèn LED được giải thưởng Nobel Vật lý năm nay là đáng giá, nhưng việc phát minh ra bóng đèn này không phải là mới đây mà nó đã có cách đây hơn 15 năm. Điều này cho thấy chính phủ Nhật Bản vận động đúng chỗ, họ có văn phòng thường trực tại viện nghiên cứu nổi tiếng Karolinska ở Thụy Điển để cung cấp các phát minh của khoa học gia Nhật kịp thời trong khi Hàn quốc thì bỏ lơ chuyện này. Được biết từ năm 2001 Nhật Bản đã lên kế hoạch làm sao đến năm 2050 phải có thêm 30 khoa học gia được giải Nobel, trong khi đến thời điểm đó chắc gì Hàn quốc đã có một khoa học gia đoạt giải nếu như chính quyền vẫn cứ làm việc tà tà như hiện nay.
Theo các bình luận gia thì chuyện các chính phủ vận động hành lang để thế giới chú mục vào một phát minh, nghiên cứu nào của khoa học gia nước mình là việc làm cần thiết, chẳng có gì vi phạm, chính phủ Hàn quốc chỉ làm cho có chứ chưa thật sự quan tâm. Truyền thông Hàn quốc chỉ trích chính quyền về chuyện này thì không sai, nhưng cũng chính báo đài Hàn quốc thường nêu vấn đề phụ nữ Triều Tiên thời trước bị lính Nhật bắt phục vụ sinh lý rồi bây giờ lại phê phán chính phủ chỉ lo vận động lên án Nhật về chuyện này là điều không công bằng. Đành rằng chúng ta, tức là Hàn quốc, muốn cạnh tranh với Nhật ở mọi lãnh vực nhưng không phải vì thấy năm nào cũng có khoa học gia Nhật đoạt giải Nobel khoa học rồi chúng ta nóng mặt, nhiều tờ báo Hàn quốc lại chỉ trích sự vui mừng của người dân Nhật khi hay tin giải Nobel Vật lý năm nay về tay ba khoa học gia Nhật, coi đó như một sự chọc giận người Hàn quốc, nếu một khoa học gia Hàn quốc nào đoạt được giải Nobel thì không chừng chúng ta biểu lộ sự vui mừng còn hơn cả dân Nhật nữa, rồi nếu bị ai đó chỉ trích là chọc giận người khác thì đâu có được. Các công trình nghiên cứu của những khoa học gia là để phục vụ nhân loại chứ không phải vì giải Nobel, được trao giải thì tốt mà không thì chẳng có gì đáng buồn. Nên nhớ một điều bất kỳ khoa học gia nào đoạt được giải Nobel đều được cả nhân loại trân quý, nếu chúng ta vì một lý do nào đó mà chỉ trích thì đừng bao giờ nói đến việc cạnh tranh trên lãnh vực khoa học.
Thưa quý thính giả, mặc dù vẫn có nhiều người Hàn quốc không muốn cạnh tranh với Nhật bằng ganh tị, nhưng qua sự việc trên chúng ta nhận thấy trong 5 hoặc 10 năm tới hai nước Hàn-Nhật chắc khó mà nối lại được thân thiện như trước đây được nữa