Nhà thầu nhận gần 6 tỉ đồng để ‘chống lũ’ rồi ngồi chơi

- Quảng Cáo -

Nhà thầu nhận gần 6 tỉ đồng để ‘chống lũ’ rồi ngồi chơi

baoxaydung_12Huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có một vùng trũng, thường xuyên ngập lụt, đe dọa sinh mạng, tài sản, sinh kế, sinh hoạt của hàng ngàn gia đình. Cũng vì vậy, theo đề nghị của chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2011, nhà cầm quyền Việt Nam quyết định chi gần 35 tỉ để thực hiện “hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa,” nhằm nạo vét lòng sông Hói, xây 5.5 cây số kè bảo vệ bờ sông và toàn bộ dự án phải hoàn tất vào cuối năm 2012.

Chưa rõ vì sao ban quản lý dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa lại chọn liên danh bao gồm công ty Hà Mỹ Hưng và công ty Hoàng Thiên cùng ở Hà Tĩnh làm nhà thầu thực hiện dự án này. Cũng chưa rõ vì sao liên danh vừa kể được tạm ứng gần 6 tỉ nhưng gần như chưa làm gì cả. Dự án xây dựng hệ thống tiêu-thoát lũ ở khu vực Quảng Vinh-Sịa không chỉ chưa hoàn tất mà còn ngổn ngang vì nhà thầu bày ra rồi để đó.

Ông Phan Ðình Dũng, giám đốc ban đầu tư và xây dựng huyện Quảng Ðiền, chủ đầu tư của dự án vừa kể, thú nhận, nhà thầu thiếu cả năng lực tài chính lẫn khả năng chuyên môn, cũng vì vậy, nếu đề nghị của ban đầu tư và xây dựng huyện Quảng Ðiền được chấp nhận, không rõ họ sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền. Cũng chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ngập lụt xảy ra, người chết, tài sản hư hỏng, mùa màng thất bát vì những viên chức có trách nhiệm “chọn lầm” nhà thầu, khiến mục tiêu “tiêu thoát lũ” không đạt yêu cầu. “Công trình chống lũ” vừa kể được xem như một ví dụ về tình trạng bất cập trong việc phòng chống lũ lụt tại Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Năm ngoái, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của chính quyền Việt Nam loan báo, Việt Nam có khoảng 7,000 hồ, cung cấp nước cho thủy lợi và thủy điện. Trong số này, có 317 hồ chứa nước đang trong tình trạng “không an toàn,” vì được xây dựng theo phương pháp thủ công, hoặc khả năng khảo sát thiết kế của chủ đầu tư còn hạn chế. Mỗi hồ chứa nước đó có dung tích hàng triệu khối nước nên được ví von là “bom nước.” Ðây cũng là lý do khiến năm ngoái, nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước liên tục vỡ: Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), Vưng (Hòa Bình), Bà Râu (Ninh Thuận),…

Theo kết quả điều tra, các hồ, đập đã vỡ đều mắc một số lỗi nghiêm trọng : Không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả, hoặc đập bị xuống cấp, tràn xả lũ bị hư nhưng không được sửa chữa, cống hư, nước thấm qua thân đập, mối xâm hại thân đập…

Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn trong các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, các hồ chứa nước dành cho thủy điện cũng đang đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người. Một viên chức Bộ Xây Dựng loan báo, họ phát giác khá nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước dành cho thủy điện không đạt yêu cầu an toàn : Bị nứt, nước thấm qua thân đập. Thậm chí đập chắn nước của một số công trình thủy điện đã bị vỡ.

Ðiểm đáng chú ý là ngay sau khi các viên chức cao cấp của chính quyền trung ương, cảnh báo về thảm họa “bom nước,” yêu cầu chính quyền các địa phương phải kiểm tra, sửa chữa gấp những hồ, đập dành cho thủy lợi, thủy điện thì các viên chức chính quyền địa phương không muốn nhận trách nhiệm.

 

Cầu vượt xây hàng chục triệu đô mới thông xe đã hỏng

cauvuotTin từ báo chí trong nước thì công trình cầu vượt đường sắt khởi công tháng 10/2012 do Tổng Công Ty Ðường Sắt Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 190 tỷ đồng, đơn vị thi công là Tổng Công Ty Công Trình Ðường Sắt, được đưa vào sử dụng tháng 2/2014, nhưng hiện trên cây cầu dài 901m đường dẫn đã bong tróc, mặt cầu chi chít ổ gà, ổ voi, nền cầu đá dăm, đá cấp phối bong tróc lởm chởm…

Người dân sống gần cầu, cho biết rất nhiều người địa phương đi xe máy qua đây bị rơi xuống “ổ voi.” Ngoài ra theo các tài xế xe khách thì mặt đường quá tệ cũng là nguyên nhân rất lớn làm cánh lái xe không làm chủ tay lái, dẫn đến tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Tiến Hải, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Ðường Sắt Khu Vực 2, thừa nhận, tình trạng mặt đường hai đầu cầu bị hư hỏng, xuống cấp là có thật và cho biết hiện các bên liên quan đang tổ chức kiểm tra đánh giá nguyên nhân.

 

Hàng chục ngàn vụ phá rừng, nhưng chỉ 10 vụ bị xử phạt

pharungTheo Tổng Cục Kiểm Lâm Việt Nam, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước có trên 21,000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Các vụ phá rừng không chỉ chặt hết gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã, đào bới khai khoáng mà còn chiếm đất rừng để chuyển sang các mục đích sử dụng khác, vụ lợi cá nhân… đưa đến tình trạng rừng ở Việt Nam đang bị cạn kiệt.

Tuy nhiên chỉ có 195 vụ được đưa ra xử lý hình sự. Và trong số 195 vụ đó, cũng chỉ 10 vụ được đưa ra xét xử, chiếm 5%.

Vẫn theo Tổng Cục Kiểm Lâm, có đến 2,000 vụ phá rừng trái phép với diện tích trên 600 hecta ; 10,345 vụ vi phạm lâm luật về khai thác, chế biến vận chuyển và mua bán trái phép gỗ rừng, tịch thu trên 22,600 m3 gỗ ; gần 400 vụ vi phạm về quản lý, mua bán vận chuyển tiêu thụ động vật hoang dã với trên 5,000 các thể động vật bị xâm hại…

Ông Ðỗ Trọng Kim, phó tổng cục trưởng Cục Lâm Nghiệp, cho biết, việc khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở những nơi còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, còn nhiều gỗ thương mại cao; những vùng rừng giáp ranh giữa các địa phương. Các “điểm nóng” là Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, Bắc Cạn… với nhiều vụ phá rừng phòng hộ, rừng sản xuất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Ngoài việc lâm tặc đốn hạ gỗ quý, buôn bán động vật hoang dã, phá rừng để khai khoáng,… tình hình phá rừng để lấy đất trồng rừng, trồng cây công nghiệp hoặc để chiếm dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đang diễn biến phức tạp tại các địa phương.

Ðặc biệt là các vụ việc chiếm đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra ở các lâm phận, các nông trường, các chính quyền cơ sở được nhà nước giao đất để quản lý xảy ra khá gay gắt thời gian qua, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước.

 

Hạ Viện Mỹ Thông Qua Nghị Quyết Về Biển Đông, Hoa Đông

HaVienHKVào ngày 4/12 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về biển Đông và biển Hoa Đông với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, theo thông cáo chính thức trên trang web của Quốc hội Mỹ.

Nghị quyết trên có mã số H.Res-714 với các nội dung nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Thêm vào đó, nghị quyết này cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế.

Đồng thời, nghị quyết H.Res-714 lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ đã liệt kê một loạt những vụ ngăn trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển từ năm 2010 đến nay mà tác giả là Trung Quốc khi tàu tàu Trung Quốc tấn công hay uy hiếp tàu cá, tàu công vụ của Việt Nam, Philippines, Ấn Độ tại Biển Đông. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất sai trái trong việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, và việc cho hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông từ đầu tháng Năm đến giữa tháng Bảy 2014.

Trên các cơ sở đó, nghị quyết đã kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế trong việc thực thi các quy định về Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bi cho là trái với các quy định quốc tế, và tránh những hành động tương tự ở những nơi khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo nhận định của các nhà quan sát, nếu Thượng viện Mỹ – định chế có chức năng đối ngoại – đã nhiều lần chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết về vấn đề biển Đông và Hoa Đông. Điều này cho thấy Mỹ rất quan tâm đến những vấn đề tại các vùng biển tại châu Á – Thái Bình Dương.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here