Sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ mất điện là âm mưu phá hoại ?
Liên quan đến sự cố Bộ phận không lưu sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ mất toàn bộ điện trong hơn 1 giờ đồng hồ làm hơn 50 chuyến bay bị ảnh hưởng, khiến hàng ngàn hành khách rơi vào tình trạng khủng hoảng, dư luận bàng hoàng. Mới đây, giới phân tích thời sự, cũng như các chuyên gia hàng không đã đặt nghi vấn Bộ Quốc Phòng CSVN muốn phá sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm tuyên truyền cho việc phải cần xây sân bay mới ở Long Thành.
Mặc dù Ngành hàng không CSVN vội vã giải thích sự kiện ngày 20/11 vừa qua, là do các thiết bị tích điện trong bộ lưu điện UPS cung cấp cho trung tâm kiểm soát không lưu gặp trục trặc, gây mất điện. Tuy nhiên giới chuyên môn Hàng không chắc chắn rằng phải có người phá hoại thì 4 nguồn điện dự phòng cho sân bay mới bị ngắt toàn bộ như vậy. Hành động này được khẳng định là có một âm mưu phá hoại. Thậm chí tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử- Tin học EEI còn nhấn mạnh rằng không hiểu vì sao chuyện này có thể kéo dài hơn một giờ.
Chỉ một ngày sau đó, âm mưu của việc phá hoại sân bay Tân Sơn Nhất bị hé lộ. Chủ đích của việc phá hoại này, nhằm tạo áp lực để đòi xây cho được sân bay Long Thành. Chủ mưu cho hành động phá hoại sân bay Tân Sơn Nhất là một nhóm lãnh đạo cộng sản tại Sài Gòn, Bộ Quốc phòng và Quân khu 7, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không. Dự án xây sân bay Long Thành với gói tài trợ từ nhiều quốc gia lên đến 18,7 tỉ Mỹ kim đang là món lợi của giới quan chức quen ăn tham nhũng thèm khát nhắm tới.
Từ 40 năm nay, các đời lãnh đạo cộng sản tại Sài Gòn, của Bộ Quốc phòng và của Tổng cục Hàng Không đã chia nhau gần hết các miếng đất chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Từ tổng diện tích 3.500 hecta, giờ đây sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn 1.500 hecta. Hiện giờ các lãnh đạo cộng sản mới nổi lên, hết phần lợi lộc để chia nên đang thèm thuồng tạo ra Dự án Sân bay Long Thành.
Dự trù nếu sân bay Tân Sơn Nhất không còn sử dụng nữa, đất đai nơi này được phân lô để bán cho các dự án, có thể thu về đến 10 tỷ Mỹ kim. Dĩ nhiên, người hưởng lợi cũng chỉ là giới cầm quyền CSVN mà thôi.
Ngân hàng Việt Nam ngắc ngoải
Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa có bài “Ngân hàng: Cửa kiếm tiền càng hẹp”, mô tả tình trạng càng ngày càng đáng ngại của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, tất cả những viên chức lãnh đạo ngân hàng mà tờ báo này tiếp xúc đều bi quan vì “chưa khi nào lâm vào tình trạng trớ trêu: Ngồi trên đống tiền mà… chết đói”. Giới lãnh đạo các ngân hàng tại Việt Nam vẫn tự hỏi nhau “để tiền ở đâu bây giờ?” vì “không có cửa để làm ra tiền vào thời buổi này”.
Vài năm gần đây, do niềm tin vào tương lai của nền kinh tế tiếp tục tụt giảm, thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dân chúng có khuynh hướng gom tiền gửi ngân hàng, bất kể lãi suất càng lúc càng thấp.
Tháng 9 năm ngoái Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, so với thời điểm giữa năm 2011, tuy lãi suất tiền gửi đã giảm hơn một nửa (từ 17% – 19%/năm hồi 2011, xuống còn khoảng 7% – 10%/năm vào lúc đó) nhưng tiền dân gửi vẫn chảy như thác vào ngân hàng. Đạt mức tăng trưởng khoảng 12% so với cuối năm 2012.
Những chuyên gia kinh tế đã dựa vào các số liệu do chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp để phân tích, dân chúng gửi tiền vào các tài khoản tiết kiệm với kỳ vọng mất ít nhất, chứ không phải nhằm được nhiều nhất. Nó cho thấy dân chúng thà để “tiền chết” trong ngân hàng, chứ dứt khoát không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vì dễ mất vốn.
Cũng vì cảm thấy bất an với triển vọng của nền kinh tế, giới sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam không những không đầu tư thêm để mở rộng hoạt động, mà còn tìm đủ cách rút vốn ra.
Do tiền gửi vào thì nhiều nhưng rất ít người hỏi vay, thành ra tiền mà các ngân hàng ở Việt Nam đang cầm giữ bị… ế. Vì vậy các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã gửi vào các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay.
Miền Trung: Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tràn lan
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, tấn công người mọi lúc mọi nơi từ nông thôn đến thành thị ở miền Trung, nhất là ở tỉnh Quảng Ngãi, khiến hàng loạt người dân phải nhập viện để điều trị.
Tại Khoa nội tổng hợp của bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, hầu như ngày nào cũng có người nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Có ngày có đến 4 trường hợp bị rắn cắn. Thậm chí có người bị 2 con rắn lục đuôi đỏ tấn công cùng một lúc.
Theo một thống kê chính thức, từ đầu tháng 11.2014 đến nay có khoảng 50 người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Địa phương có nhiều người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ nhất là Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tình trạng rắn lục đuôi đỏ cắn người nhập viện tại tỉnh Quảng Nam cũng tăng đáng kể. Trong thời điểm hiện nay, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết đã tiếp nhận 10 trường hợp. Nhiều nơi trong tỉnh như Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn… người dân liên tục phát hiện và bị rắn lục đuôi đỏ tấn công.
Tại Đà Nẵng, số bệnh nhân bị rắn cắn chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng ngày càng tăng, các nạn nhân đều đến từ các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê. Người dân khu vực này cho biết từ trước đến nay, cũng có người bị rắn cắn nhưng là rắn lục đuôi xanh bình thường chứ không có loại rắn lục đuôi đỏ mới xuất hiện này.
Theo Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng – Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì mức độ nguy hiểm hơn rắn lục thường.
Theo lý giải của Thạc sĩ sinh học Nguyễn Thị Hòa, việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường, vì tình trạng phá rừng làm rẫy khiến môi trường sống và thức ăn của rắn bị thu hẹp, nên rắn phải di cư đi nơi khác. Thứ hai, do các loài khắc tinh của rắn bị con người săn bắt. Thứ ba, có thể do mùa lũ năm nay đến muộn, rắn đang vào mùa sinh sản gặp điều kiện thời tiết thuận lợi.