Chỉ trong mấy ngày, báo chí cùng lúc đưa những tin thật buồn: Hà Nội nằm trong ‘top ten’ điểm đen thế giới về nạn móc túi và TP. HCM thì lâu nay đã trở thành miền ‘đất dữ’ bởi hàng ngàn con nghiện tiêm, chích ma túy như thể uống cà phê, ăn sáng… Chưa hết, báo Thanh Niên trong mục Chào buổi sáng (05:30, 6.11.2014) còn có cảnh báo khá nghiêm trọng về tình trạng bất an của nông thôn từ Kon Tum tới Đà Lạt, Miền Đông Nam Bộ.vv..
Xã hội “loạn”, đi về đâu bây giờ?
Nếu đọc qua thì đó chỉ là những tin tức cũng… bình thường như bao tin khác về các tệ nạn xã hội đang phát triển, có lẽ với cấp số nhân, trên khắp cả nước ta. Thế nhưng, nếu ngẫm kỹ một tý thì chắc chắn phải giật mình vì một thực trạng đáng sợ: Từ thành phố tới nông thôn, từ thủ đô đến ‘Hòn ngọc Viễn Đông’, từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng thấy sự lộng hành của cái ác; sự coi thường pháp luật của kẻ xấu; sự lo lắng của người dân; sự thờ ơ – nếu không muốn nói là sự gần giống với bất lực của bộ máy công quyền…
Điều đáng phải ngạc nhiên đến mức… hốt hoảng là, tình trạng gia tăng các loại tội phạm lại… tỷ lệ thuận với sự phình to của bộ máy hành chính các cấp mà báo chí đang bàn tới bàn lui nhiều đến mức đọc không xuể.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An tâm sự với người viết bài này rằng năm ngoái (2013), tổng thu ngân sách của toàn tỉnh là 6.500 tỷ đồng, trong khi phải chi đến 14.000 tỷ đồng! Trong số 14.000 tỷ đồng phải chi ấy, có phần không nhỏ chi cho bộ máy cảnh sát, an ninh. Ai cũng biết lương thượng tá ngang với lương thứ trưởng; trung tá, thiếu tá thì ngang ngửa với vụ trưởng, vụ phó…
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao đi đâu cũng gặp các sĩ quan cảnh sát mà ‘hòn ngọc’ thì thành ‘đất dữ’, thủ đô bị biến thành một trong 10 thành phố nhiều trộm cắp nhất thế giới? Nếu biện minh rằng thôi thì các thành phố lớn trên thế giới đều thế cả thì trả lời sao đây với chuyện mà Thanh Niên đã đưa: Nông dân phải để lại một phần mủ cao su trong các bát cho thế lực đen nếu không vườn cao su bị phá; vườn cà phê không chung chi thì bị ‘làm cỏ’ còn cánh đồng trồng hoa thì bị xe bán tải đến cướp hoa đem đi… bán, giữa ban ngày?
Chưa bao giờ đất nước lâm vào tỉnh cảnh rối bời như hiện nay, dẫu có dùng núi mỹ từ hay uyển ngữ để bao che, giảm tải. Nợ công đến 1.000 USD cho mỗi người dân, chẳng có dân nào nuôi nổi bộ máy hành chính cồng kềnh cứ cắp ô đi về mặc dân bất an, khổ sở, rồi nạn tham nhũng tràn lan, rồi sách giáo khoa soạn cẩu thả, dốt nát đến tệ hại…
Sự xuống cấp với tốc độ chóng mặt và diễn ra với mức độ toàn thể ấy không thể dùng cách nào khác hơn để diễn đạt: Đất nước đang đứng ở cái ngưỡng báo động màu da cam (mức độ nguy hiểm cao nhất theo chuẩn quốc tế) trên mọi lĩnh vực – đổng nghĩa với sự bất ổn nhiều hệ lụy (nếu không muốn nói là nguy hiểm) mà sự chần chừ, thờ ơ, lảng tránh, xoa dịu… đều đồng nghĩa với tội ác.
Tại sao không nghĩ rằng một khi con nghiện nhiều như nấm độc sau mưa – theo số liệu rất đáng lo ngại nếu chúng ta tạm bằng lòng với cách tin của lứa tuổi mười ba, mười bốn, mỗi năm nước ta tăng thêm 7.000 con nghiện (SGGP, 27.10.2014) thì ít nhất mỗi năm phát sinh thêm 7.000 kẻ sẵn sàng trộm cắp, cướp bóc, đe dọa, tống tiền. Như vậy, chỉ mươi năm nữa, ‘đội quân’ nghiện sẽ đông đến hàng trăm ngàn. Có ai nghĩ với hình ảnh ‘đất dữ’, ‘điểm đen’ ghê gớm như thế mà tính trung bình, mỗi năm Hà Nội hay TP. HCM chỉ tăng thêm 111 con nghiện (7.000 chia cho 63 tỉnh, thành )?
Không thể chấp nhận một đất nước mà lòng dân thường xuyên bị tổn thương, bất an, bất lực trước cái ác, cái xấu; trong khi hàng ngày phải è cổ ra nuôi cả một bộ máy cồng kềnh. Làm sao có thể an nhiên tự tại khi các số liệu, tự chúng, chứng minh rõ ràng về sự bi hài: Quản lý 90 triệu dân, tài sản GDP mỗi năm hơn 200 tỷ USD mà cần đến 2,8 triệu công chức, nhân viên. Trong khi đó, nước Mỹ với 310 triệu dân, GDP 17.500 tỷ USD, có mặt ở mọi điểm nóng trên toàn thế giới, chỉ cần 2,1 triệu người làm quản lý.
Huế, 7.11.2014
Hà Văn Thịnh