Sau cuộc hội đàm với Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua tại Bắc Kinh về vấn đề những người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc cách đây ba bốn thập niên về trước, Bình Nhưỡng hứa sẽ tái điều tra để xem ai đã chết, ai còn sống và hiện nay ở đâu. Đáp lại, Tokyo tuyên bố sẽ bãi bỏ từng phần lệnh cấm vận, khởi đầu là cho người Triều Tiên tại Nhật gởi nhu yếu phẩm và tiền bạc có hạn định về giúp đỡ thân nhân, cho phép được về thăm quê hương. Nếu Bình Nhưỡng thực tâm tiến hành việc tái điều tra thì Tokyo hứa sẽ giải tỏa lệnh thêm nữa chẳng hạn như cho kiều dân Bắc Hàn ở Nhật gởi tiền về đầu tư hay cho các tàu chở hàng Bắc Triều Tiên cập cảng Nhật Bản.
Từ khi được phép mỗi tháng được gởi khoảng 100 mỹ kim về nước giúp gia đình, những người Triều Tiên sinh sống tại Nhật dồn dập nhận được thư của thân nhân từ quê nhà gởi sang xin tiền mà thư nào cũng xin gởi đủ cho 3 năm tiền để sống và trả nợ vì từ năm 2010 đến nay chẳng nhận được một xu nào cả. Trong bối cảnh này Chủ tịch Liên hội người Triều Tiên tại Nhật là ông Hứa Tôn Vạn đã xin về nước với một phái đoàn gần 10 người để góp ý cho chính quyền Bình Nhưỡng làm thế nào mau chóng được Tokyo giải tỏa lệnh cấm vận hầu giúp Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế. Phái đoàn của ông Hứa được chính quyền Bình Nhưỡng đón tiếp nồng hậu và lắng nghe những góp ý. Ông Hứa đã đề nghị là nên sớm giải quyết vấn đề những người Nhật bị bắt cóc để Tokyo gở bỏ lệnh cấm vận chứ với tình trạng hiện nay thì Liên hội Triều Tiên muốn gởi tiền về nước đầu tư cũng không được.
Khi trở lại Tokyo, các ký giả Nhật và nước ngoài hỏi ông Hứa là trong thời gian từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 10 ở Bình Nhưỡng ông có được hội kiến với lãnh tụ Kim Chính Ân không ? Ông Hứa Tôn Vạn thẳng thắng trả lời là theo chương trình thì chúng tôi sẽ được lãnh tụ Kim Chính Ân tiếp hai lần, nhưng sang đó rồi thì không được gặp mặt vì ông Ân phải nhập viện để đìều trị cho dứt một vài cơn bịnh. Chúng tôi có mang theo nhiều món quà để tặng cho lãnh tụ Kim Chính Ân, nhưng phải nhờ chuyển lại.
Theo các bình luận gia về tình hình bán đảo Triều Tiên thì trước đây hơn một tháng báo chí Tây phương có cho loan một bản tin là ông Kim Chính Ân bị lật đổ, đưa ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng để giam, tin đồn này bắt nguồn từ việc không thấy ông Ân công khai xuất hiện bất cứ nơi đâu suốt một thời gian dài chừng hai tháng. Mặc dù bản tin này nói rõ là loan đi trong sự dè dặt vì chưa được kiểm chứng, nhưng cũng đủ làm cho chế độ Bắc Triều Tiên bị một số thiệt hại về mặt tuyên truyền, ngoại giao. Bình Nhưỡng không muốn chuyện này xảy ra nữa nên cho phép ông Chủ tịch Liên hội người Triều Tiên tại Nhật nói thẳng là ông Ân đang nhập viện chứ Bình Nhưỡng mà chính thức loan tin thì sẽ làm xao động người dân Bắc Hàn. Những tiết lộ này để cho thế giới khỏi đặt vấn đề, chỉ cần chận không cho tin đó dội ngược vào Bắc Triều Tiên là xong.
Ở vào thời đại thông tin điện tử và toàn cầu hóa như ngày nay thì cho dù là chính quyền cộng sản độc tài vẫn sợ dư luận chứ chẳng phải không đâu.