Georg Hegel và Friedrich Engels, hai triết gia Đức vĩ đại, thường nhắc đến cụm từ “sự mỉa mai (hay sự trớ trêu) của lịch sử” (irony of history), với ngụ ý rằng mục đích của những cuộc cách mạng xã hội đặt ra ban đầu thường không thực hiện được. Thay vào đó, cuộc cách mạng có thể có “hiệu ứng ngược”, dẫn tới những hậu quả trái ngược với dự tính.
Sự mỉa mai của lịch sử cũng có thể gọi là bi hài kịch của “cách mạng”. Bi hài kịch của cách mạng ở nước nào sẽ là bi hài kịch của nước đó.
Mấy chục năm qua là giai đoạn bi hài kịch của nước Việt. Những mục tiêu cơ bản được dự tính ban đầu về tương lai dân tộc, được nêu thành những khẩu hiệu kêu xoang xoảng, thành những thứ “lý luận”, “nghị quyết”, “văn kiện”,… đều bị đảo lộn theo cách vừa thê thảm, vừa nực cười, và theo cách nào đó là khá “ngoạn mục”. Kèm theo đó, những tính chất mà ban đầu được coi là “thuộc tính” của cái “hệ thống” vừa được thiếp lập, theo thời gian ngày càng tỏ ra bị ngộ nhận.
*
Một trong những mục tiêu không thành hiện thực được thể hiện bởi khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Ở miền Bắc, chỉ 2 năm sau khi hoàn thành “cải cách ruộng đất”, mà ban đầu được phổ biến là lấy đất của địa chủ, phú nông chia cho bần-cố nông, những người nông dân đã bị “lùa” vào hợp tác xã (nông nghiệp). Đây là hình thức hợp tác xã bắt buộc. 100% đất canh tác ở miền Bắc, nếu không thuộc sự quản lý của các nông trường quốc doanh, đều là đất của hợp tác xã. Gia đình nào “ngoan cố” không chịu vào hợp tác xã đều bị chính quyền o ép đến sống dở chết dở, con cái không được đi học, ra ngoài không có bạn chơi. Trong nhiều trường hợp, hợp tác xã tự ý cho người đến canh tác trên đất của gia đình “ngoan cố”, nếu nhà kia chống lại thì bị đám đông đánh đập, cuối cùng cũng phải vào hợp tác xã. (Một điều khá khôi hài là mặc dù dùng hình thức cưỡng bức để bắt mọi gia đình vào hợp tác xã, nhưng cấp trên vẫn sản xuất một thứ “thơ” để tuyên truyền rằng vào hợp tác xã sẽ sung sướng tuyệt đỉnh, làm ra vẻ hợp tác xã hình thành là do bà con đọc thứ “thơ” đó và “thấm nhuần”, nên tự nguyện vào hết!)
Vì hợp tác xã chỉ dẫn đến đói nghèo, vào cuối những năm 1980, người ta buộc phải để cho “thành phần kinh tế cá thể (hay tư nhân gì đó)” hình thành, và ngay lập tức, tất cả các hợp tác xã nông nghiệp đều tan rã!
Tuy nhiên, điều vừa nói không có nghĩa là ước mơ “người cày có ruộng” đã thành hiện thực. Vì quá ít đất, vì không có cách nào để thoát khỏi tình trạng canh tác lạc hậu, lại chịu đủ các thứ thuế khóa, thu nhập từ mảnh ruộng của người nông dân với con cái và cha mẹ già của họ không đủ cho họ có được cuộc sống bình thường. Nhiều gia định buộc phải bán “quyền canh tác” trên mảnh ruộng để đi vào thành phố, đến các khu công nghiệp tìm việc.
Mặt khác, không chỉ nông dân, mà ở đất nước này, với luật đất đai quy định đất là “sở hữu toàn dân” bất cứ ai cũng không thể trở thành chủ nhân thực sự của một tấc đất nào. Vì vậy, giấc mơ “người cày có ruộng” hoàn toàn và tuyệt đối là ảo mộng, không có nền tảng pháp lý nào để thành hiện thực. Hơn thế, bất cứ ai, vào bất kỳ giây phút nào, cũng có thể bị tống cổ khỏi ngôi nhà và mảnh đất mình đang ở ra đường, nếu không phải là các nhà hoạch định các dự án xây dựng hoặc có quan hệ mật thiết với những người này theo kiểu nào đó.
*
Một sự đảo lộn khác xảy ra trong tương quan giữa hai “phe”. Vào những năm 1950-1960, người ta bảo dân rằng nước ta là nước nằm trong “phe dân chủ”, cùng với hai nước đàn anh như Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Đối kháng với “phe dân chủ” là “phe đế quốc” hay “phe phản động”, gồm những bọn thối tha như Mỹ, Anh, Pháp,… Đến khoảng 1985-1986, “phe dân chủ” tiến hành “dân chủ hóa”, hóa ra lại làm những cái hơi giống như “phe đế quốc”. “Dân chủ hóa” làm ta từ chỗ rất xa với “đế quốc” tự nhiên xích lại gần nó mới hay chứ! (Giống như đang ở miền đất gần xích đạo, bảo nhau ở đây mát lắm, còn trên phía bắc kia nóng lắm, đến khi quyết định di cư cho mát hơn thì lại thấy chỗ ở mới nằm gần đường chí tuyến; bấy giờ mới biết phía bắc thực ra mát hơn nhiều, thậm chí mát lạnh.)
Điều người ta nói về ưu thế của CNXH hóa ra cũng là nói xạo. Ưu thế chi mà cái “phe dân chủ” đó mới hình thành hơn 4 thập niên đã sụp đổ tan tành. (Tất nhiên cũng có vị “to như rứa” bảo đó chỉ là tạm thời thôi. Cuối cùng thì CNCS cũng toàn thắng trên trái đất này, he he!)
*
Thêm một ví dụ về sự đảo lộn trong tiến trình “cách mạng” – cái này thì khía cạnh hài trội hơn. Đó là “tình hữu nghị Việt-Trung-Xô”. Dân ta, theo sự định hướng từ bên trên, đã từng coi Liên Xô, Trung Quốc không chỉ là bạn, là anh em ruột, mà còn coi là bậc thầy luôn luôn và tuyệt đối sáng suốt. Đã có rất nhiều bài viết về sự ngây thơ, ấu trĩ của người Việt ta vào thời kỳ cách hơn đây nửa thế kỷ. Chỉ xin dẫn một vài câu mà một vị bề trên dặn dò hạ cấp: “Các chú các cô không (nên) sợ người ta kêu mình kém tri thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…” hay: “… trung ương (ta) có thể sai, nhưng Mao Chủ Tịch không bao giờ sai.”
Riêng về quan hệ Việt-Trung thì có thể nói đến giờ đã thấy một sự đảo lộn 100%. Chỉ còn lại một nhóm người vì lý do “gì đó” còn muốn níu kéo nó. Cùng lúc, quan hệ Việt-Mỹ, bất chấp cản trở “ý thức hệ”, đang ngày một cắm rễ sâu. Về chuyện này, đã có người nói vui rằng chữ “Hoa” trong câu “Mối tình hữu nghị Việt-Hoa – Vừa là đồng chí vừa là anh em” được người nói ra ngầm gán cho một nghĩa đầy “thâm ý”, là nói về Hoa Kỳ (chứ không phải Trung Hoa)!!!
Cùng với sự đảo lộn này, Việt Nam ta đang từ vai trò “tiền đồn của phe XHCN” biến dần thành “tiền đồn chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán”. Với những chuyến đi kiểu ngoại giao con thoi, Mỹ, Nhật, Úc, Phi Luật Tân đang cố gắng đưa VN vào quỹ đạo để VN thực hiện sứ mạng này. Hy vọng rằng trong lần làm “tiền đồn” này, VN sẽ không bị Mỹ, Nhật đối xử theo kiểu hai ông anh trước đây, bởi tình thế bây giờ đã khác trước, và Mỹ, Nhật không phải là “đồng chí”, đồng thời VN không phải tiền đồn duy nhất.
*
Trở lại với “sự mỉa mai của lịch sử”. Vì sao chuyện như vậy thường xảy ra? Không có cách giải thích nào khác, ngoài lý do là vì những người khởi xướng cách mạng thiếu một tầm nhìn vừa xuyên lịch sử, vừa thấu hiểu những quy luật vận động của tâm lý quần chúng và tâm lý cá thể, trong đó có tâm lý của những kẻ cầm quyền. Họ đã ngây thơ cho rằng chỉ cần tổ chức giành được chính quyền, rồi nêu ra những điều giáo huấn, răn dạy đạo đức cho cấp dưới và cho quần chúng, nêu ra những mục tiêu rõ đẹp đẽ bằng các khẩu hiệu, nghị quyết, thì một xã hội tuyệt hảo sẽ hình thành trong một thời gian ngắn và ngày càng phát triển, ngày càng tươi đẹp. Họ đã không nêu ra được một cơ chế để bảo đảm sự phân lập, tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân hoặc một nhóm người không có đối lập.
Chính vì muốn tránh đưa ra những mục tiêu và phương pháp cách mạng thiếu thực tế mà F. Engels đã để cho các đại biểu đại hội Quốc Tế Đệ Nhất, do Karl Marx và ông sáng lập, giải tán nó và lập ra Quốc Tế Đệ Nhị với những mục tiêu khác đi mà những người cộng sản sau này không muốn nhắc đến. Tuy nhiên, QT Đệ Nhị cũng đã thất bại.
Trong khi đó, ở một số quốc gia mà tiêu biểu là Pháp và Hoa Kỳ, người ta đã nêu ra và hiện thực hóa hệ thống “tam phân” (tripartite system), còn gọi rõ hơn là “tam quyền phân lập”, một cơ chế thực tế để ngăn chặn sự tập trung quyền lực vào một nhóm người. Bên cạnh đó, những bậc thầy về cách mạng cũng không mơ hồ vẽ ra những bức tranh tương lai toàn màu hồng, kiểu như “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Thực tiễn hơn hai thế kỷ qua cho thấy sức sống mãnh liệt và tính cách mạng thực sự của mô hình quyền lực đó.
Ở Việt Nam ngày càng thấy rõ rằng chỉ có đi theo con đường mà các nước văn minh đã đi qua mới có cơ hội thoát khỏi tấn bi hài kịch của mấy chục năm qua.
Nguyễn Trần Sâm