Bài học Ukraine cho Việt Nam (Phần 2)

- Quảng Cáo -

Kính thưa quý thính giả, phần một bài bình luận nhan đề “bài học Ukraine cho Việt Nam của tác giả Ngô Nhân Dụng được gừi đến quý vị trong mục bình luận vừa qua đã tóm tắt chiến thuật của Nga là từng bước gặm nhấm dần dần lãnh thổ Ukraine vì biết rằng không một quốc gia nào muốn can thiệp trực tiếp cứu một nước nhỏ, nếu quyền lợi thiết thực của họ không bị đe dọa. Trung Cộng cũng đang thực hiện chiến thuật đó trên biển Đông của Việt Nam. Trong khi Ukraine chống đối Nga mãnh liệt thì Hà Nội một mực phục tùng Bắc Kinh để duy trì được chế độ, khiến Trung Quốc càng dễ dàng hơn trong ý đồ bành trướng của họ.Với bối cảnh vừa kể, bài học của Ukraine cho Việt Nam là gì. Mời quý vị nghe câu trả lời qua phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng sau đây

********

Ukraine vốn là một vùng đất trù phú, là nước giầu mạnh thứ nhì trong Liên Bang Xô Viết. Ðó là vựa lúa cho cả liên bang. Nhiều quặng mỏ, công nghiệp phát triển, một số người lao động có trình độ học vấn và kỹ thuật rất cao. Sai lầm chính của Ukraine là do giới lãnh đạo nước này không dám cải tổ kinh tế từ căn bản, không dám xóa bỏ ngay cơ cấu kinh tế chỉ huy tập trung thời cộng sản. Khi bắt đầu cải tổ, rất nhiều xí nghiệp quốc doanh được miễn không đem tư hữu hóa. Những doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cho tư nhân thì bị nhóm lãnh tụ và các cán bộ cấp trung chia nhau hưởng. Giai cấp tư bản đỏ này vẫn đoàn kết với đám quan lại nắm guồng máy nhà nước, chia chác với nhau, cùng bảo vệ các đặc quyền họ vẫn hưởng trong chế độ cộng sản. Hậu quả là nền kinh tế Ukraine vẫn không hiệu quả và tham nhũng tràn ngập. Lợi tức bình quân của người dân Ukraine từ 1,570 đô la một năm vào năm 1990, chỉ tăng lên lên tới 3,900 đô la năm 2013.

So sánh với Ba Lan, chúng ta sẽ thấy lỗi lầm của Ukraine. Tổng sản lượng bình quân của dân Ba Lan vào năm 1990 là 1,683 đô la, không hơn dân Ukraine bao nhiêu. Nhưng đến năm 2013 đã tăng lên 13,432 đô la. Nhờ đâu dân Ba Lan đã đạt được thành tích đó? Vì ngay khi chế độ cũ sụp đổ, giới lãnh đạo nước này không còn là đảng viên cộng sản nữa. Và họ dám đoạn tuyệt với quá khứ đen tối.

- Quảng Cáo -

Ông Leszek Balcerowicz, bộ trưởng tài chánh trong chính phủ Ba Lan năm 1989, đã tính toán rằng: “Hành động quyết liệt thì có rủi ro, xác suất thành công thấp. Nhưng nếu không hành động mạnh thì sẽ hoàn toàn thất bại. Ông Balcerowicz biết rằng quyền tự do kinh tế và cơ hội bình đẳng là động lực quan trọng nhất để kinh tế phát triển. Phải mở cửa cho tư nhân, mở ra thế giới, dẹp hết đám quan lại ăn bám. Vì nếu kinh tế cứ tụt hậu thì nền độc lập quốc gia cũng không còn. Hành động quyết liệt của Balcerowicz là cho các doanh nghiệp nhà nước thất bại thì phá sản, không dùng tiền đóng thuế của dân đem trợ cấp cho các cán bộ kinh doanh bất tài.

Balcerowicz đã chọn con đường bắt dân chịu gian khổ trong một thời gian đầu, để đặt nền tảng cho một nền kinh tế thị trường vững chắc trong tương lai. Ông không chấp nhận ngân sách khiếm hụt, ấn định đồng tiền theo đô la Mỹ; mở cửa giao thương với các nước Tây phương, và cho đổi ngoại tệ tự do, tất cả để người ta tin tưởng vào giá trị đồng tiền. Vào năm 1989 lạm phát ở Ba Lan lên tới 17,000% một năm. Từ đầu năm 1990, với niềm tin vào đồng tiền được khôi phục, lạm phát bắt đầu giảm. Các xí nghiệp tư ra đời, hoạt động ngày càng mạnh, hàng hóa bắt đầu tràn ra thị trường, và một phép lạ cải tổ kinh tế bắt đầu.

Tong thong Ukraine-poroshenko
Tổng thống Ukraine: Poroshenko

Ngày nay dân Ukraine có thể so sánh mức sống của họ với người Ba Lan để hiểu lý do tại sao quốc gia mình đang bị Nga lấn áp, còn nước láng giềng thì vững vàng. Hai khối dân tộc này từng chịu những tai họa giống nhau: Nạn ngoại xâm suốt trong lịch sử, khi thì Nga đánh, khi thì Ðức chiếm. Và cả hai đều trải qua chế độ cộng sản từ sau năm 1945. Ðiều khác biệt quan trọng nhất là từ năm 1990 Ba Lan quả quyết thay đổi chế độ từ gốc rễ: Xóa hết cơ cấu kinh tế cũ, tức là bãi bỏ những đặc quyền, đặc lợi của đám cán bộ thư lại, công an, cảnh sát, mật vụ. Trả tự do cho người dân, trong việc kinh doanh cũng như trong quyền tham dự chính trị, mở đường cho đất nước phục hưng.

Bài học đau thương của dân Việt Nam là từ năm 1989 đảng Cộng Sản cũng dẫn cả nước theo một con đường cụt, đi vào cảnh sa lầy không khác gì các chính phủ Ukraine đã theo. Dân Ukraine tách khỏi Liên Xô nhưng đã bỏ lỡ cơ hội, không cải tổ triệt để và toàn diện như Ba Lan. Việt Cộng cũng bỏ lỡ cơ hội như vậy khi nghe tin Liên Xô sập. Thay vì thực sự cơ cấu kinh tế và chính trị, Cộng Sản Việt Nam vẫn cố bám lấy các quyền lợi và địa vị. Khi họ quay đầu, đổi chủ, bỏ Nga xin thần phục Trung Cộng, mục đích quan trọng nhất cũng chỉ là bảo vệ quyền hành cho đảng.

Những sai lầm của các chính quyền Ukraine từ sau năm 1989 khiến quốc gia họ suy yếu, bây giờ mới bị Nga lấn áp. Việt Cộng cũng sai lầm không biết cải tổ kinh tế và chính trị, đưa đất nước tới hoàn cảnh lệ thuộc, ngày càng bị Trung Cộng lấn áp.

Muốn thoát khỏi hoàn cảnh đó, dân Ukraine cũng như dân Việt Nam phải quyết định thay đổi triệt để và toàn diện, như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp đã làm từ 25 năm trước. Chỉ khi nào dân chúng giàu có hơn, xã hội công bằng, dân chủ tự do hơn, thì quốc gia mới đủ sức tự vệ, chống lại các âm mưu xâm lược. Ðã bỏ phí 25 năm rồi, không thể chậm chân hơn nữa.

Nhưng dân Ukraine cũng chưa lo mất nước. Ví dù ông Putin có thành công trong việc đòi cho mấy vùng miền Ðông thêm quyền tự trị để thân với Nga hơn, dân Ukraine vẫn đầy hy vọng. Trong một thế hệ nữa, khi nào nhờ cải tổ toàn diện kinh tế Ukraine giầu mạnh hơn, xã hội công bằng, dân chủ tự do hơn, thì chính người dân các vùng tự trị sẽ hướng về Kiev chứ không cần hướng về Nga nữa. Nước Ukraine may mắn đã làm cách mạng, bầu lên một chính quyền mới cương quyết cải tổ chính trị và kinh tế theo kiểu mẫu các nước dân chủ tự do. Dân Việt Nam cũng phải tiến tới một chính quyền như vậy.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=194405&zoneid=7#.VAnAyxakhO8.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here