Hạn hán kéo dài, nông dân miền Trung điêu đứng

- Quảng Cáo -

Hạn hán kéo dài, nông dân miền Trung điêu đứng

hanhanHàng ngàn héc ta lúa vụ Hè Thu tại Phú Yên đã chết khô. Chỉ tính riêng thiệt hại về lúa trong vụ Hè Thu này ở Phú Yên đã là 45 tỉ đồng Việt Nam.

Theo báo chí thì do thiếu nước tưới, nông dân các huyện Ðồng Xuân, Tây Hòa, Tuy An… mất khoảng 1.000 héc ta lúa vụ Hè Thu. Cả nông dân lẫn chính quyền đã làm mọi cách như khoan giếng, thuê máy bơm loại lớn dẫn nước từ các hồ chứa nước ở xa về nhưng không cứu nổi các ruộng lúa.

Không riêng Phú Yên, tình trạng tương tự đã và đang diễn ra khắp miền Trung. Ở Bình Ðịnh, hiện có 13.000 héc ta ruộng vườn, trong đó có khoảng 8.000 héc ta lúa, thiếu nước tưới. Do nắng nóng kéo dài, gần như toàn bộ các hồ chứa nước ở Bình Ðịnh đã trơ đáy. Hàng chục ngàn gia đình ở Bình Ðịnh đang thiếu cả nước sinh hoạt lẫn nước tưới cho ruộng vườn.

- Quảng Cáo -

Theo một báo cáo do Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bình Ðịnh công bố, từ đầu năm đến nay, vũ lượng ở Bình Ðịnh chỉ khoảng 129 mm, tương đương 41% vũ lượng của các năm trước. Do mưa ít, nắng nóng kéo dài, gần như toàn bộ ao, hồ, sông, suối ở Bình Ðịnh đều đã cạn khô.

Ngoài 18.000 gia đình đang khốn khổ vì các giếng nước đã trơ đáy, không còn nước sinh hoạt, khô hạn khiến ruộng vườn vừa cháy khô, vừa bị nước mặn xâm nhập. Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bình Ðịnh cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài, số gia đình thiếu nước sinh hoạt có thể tăng lên 28.000.

Bình Ðịnh có 161 hồ chứa nước ở các quy mô khác nhau và lượng nước ở các hồ này chỉ còn chừng 266 triệu khối, tương đương 46% dung tích thiết kế.

Các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước ở Bình Ðịnh là những nơi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Không chỉ có các loại cây trồng chết khô mà nhiều nơi dân chúng phải đi mua hoặc đi xin nước về ăn, uống. Tại một số nơi như thôn Trung Thứ, thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ 100% giếng đào đã trơ đáy từ tháng 5.

Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại Quảng Nam, Ðà Nẵng và nhiều khu vực ở Tây Nguyên. Từ người tới lúa và các loại cây trồng khác ở những khu vực này héo rũ vì thiếu nước.

Ngoài lý do mưa ít, nắng nóng kéo dài, nguyên nhân chính khiến hạn hán ở Quảng Nam, Ðà Nẵng và nhiều khu vực ở Tây Nguyên thêm nghiêm trọng còn vì các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn giữ nước lại để chạy máy phát điện.

Trong vài năm qua, sự xuất hiện của hàng trăm công trình thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã làm xáo trộn sinh hoạt và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của cư dân trong hai khu vực này: Mùa khô thì thiếu nước trầm trọng. Mùa mưa có lũ khắp nơi do các nhà máy thủy điện xả nước để tránh vỡ đập chắn nước.

 

Sửa gì kẹt đó, người dân lãnh đủ

suaduongTheo một cuộc khảo sát của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì tình trạng kẹt xe ở khu vực cầu Phú Mỹ là do hậu quả của việc sử đường, và tình trạng hàng hóa ứ đọng tại cảng Cát Lái trong nửa tháng qua là do việc sửa quy định, khiến tốc độ hàng hóa lưu thông chậm lại, phát sinh thêm chi phí phát sinh và các doanh nghiệp đưa tất cả các chi phí này vào giá bán hàng hóa.

Việc vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp Hiệp Phước đến cảng Cát Lái bị chậm hơn trước một tiếng do kẹt xe ở khu vực cầu Phú Mỹ. Mỗi xe kéo container bị kẹt một giờ sẽ ngốn thêm khoảng 20 lít dầu. Chi phí vận chuyển tất nhiên phải tăng theo. Trước đây, mỗi ngày, một xe chở container giao nhận được hai container, nay vì kẹt xe quanh khu vực cầu Phú Mỹ đã giảm xuống chỉ còn một. Kẹt xe khiến chi phí tăng lên và doanh thu của các doanh nghiệp vận tải giảm 30%.

Phú Mỹ là tên cây cầu mới hoàn tất vào năm 2009, nối quận 2 với quận 7 và là một phần của con đường vành đai bọc bên ngoài nội đô Sài Gòn. Nhờ con đường này, các loại xe đi từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Trung và ngược lại không phải vào bên trong Sài Gòn như trước.

Sở dĩ giao thông quanh khu vực cầu Phú Mỹ bị nghẽn nhiều giờ mỗi ngày vì đoạn đường phía trước một đầu của cây cầu này đang bị chặn lại để mở rộng. Tổng chi phí xây dựng cầu Phú Mỹ lên tới 2,100 tỉ đồng và người ta cảm thấy khó hiểu, tại sao dù đã có “qui hoạch giao thông” nhưng cả chủ đầu lẫn phía thiết kế không dự đoán được lưu lượng giao thông để đến nay phải chặn đường, mở rộng đường dẫn vào cầu (?).

Không chỉ mở rộng đường dẫn vào cầu Phú Mỹ, chính quyền thành phố Sài Gòn còn chặn đường, sửa chữa nhiều con đường khác vốn cũng là huyết mạch và tình trạng kẹt xe tại các quận ngoại ô như Bình Tân, quận 2, Thủ Ðức đang càng ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài kẹt xe, lưu thông hàng hóa xuất nhập cảng ở Sài Gòn chậm hơn nhiều so với trước còn vì container bị ứ đọng ở cảng Cát Lái.

Cục Hải Quan Sài Gòn biện bạch, tình trạng hàng hóa ứ đọng tại cảng Cát Lái một phần là vì lượng hàng hóa xuất nhập qua cảng này nhiều hơn, cộng với yếu tố cảng Cát Lái phải gánh thêm 60% lưu lượng hàng hóa xuất nhập cảng của cảng Cái Mép. Phần khác là do yêu cầu siết chặt kiểm tra tải trọng khiến các doanh nghiệp vận tải phải hoạt động chậm lại để mua thêm xe vận chuyển, khiến hàng hóa bị ứ tại cảng Cát Lái. Cục Hải Quan Sài Gòn nói thêm, tình trạng tình trạng hàng hóa ứ đọng tại cảng Cát Lái còn vì tác động từ chuyện thông quan tại các cảng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore Malaysia, Phillippines đang bị nghẽn.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất nhập cảng khẳng định, tình trạng hàng hóa ứ đọng ở cảng Cát Lái là hậu quả của việc thực hiện hệ thống thông quan hàng hóa tự động và cơ chế một cửa (VNACCS/VCIS) thiếu khoa học.

Ðáng lưu ý là dù tình trạng hàng hóa ứ đọng tại cảng Cát Lái không phải do lỗi của các doanh nghiệp song phí lưu kho ở cảng này lại tăng. Các hiệp hội doanh nghiệp tại Sài Gòn và khu vực lân cận vừa lên tiếng yêu cầu điều chỉnh chính sách để không gây thêm khó khăn cho doanh giới.

 

Nhiều thương hiệu lớn chuyển đơn đặt hàng từ Trung Cộng sang Việt Nam

tuTQ sangVNXu hướng chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Cộng vào Việt Nam nhằm tránh rủi ro, đang gia tăng và ngày một rõ nét. Theo ước tính của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, tỷ lệ chuyển dịch hiện là 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng nửa đầu năm 2014, các hãng thời trang như Nike, Adidas, Puma đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Cộng và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam.

Không chỉ các ông lớn này, Tập đoàn Target Sourcing Services, một trong 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới và Tập đoàn Dansu cũng đã khảo sát và có ý định mở rộng, đầu tư vào Việt Nam.

Giá nhân công và các chi phí về môi trường tại Trung Cộng đang tăng được xem là một trong những lý do khiến nhiều thương hiệu lớn muốn di dời một số dây chuyền sản xuất khỏi đây. Và một trong những đích đến họ muốn nhắm tới là các nước ở Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong 5 nước có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, nhập khẩu giày dép từ Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Trung Cộng.

 

Dân Hà Nội săn tìm trái cây rừng vì sợ trái cây xịt hoá chất

trai-cay-rung-vnnLần đầu tiên tại Việt Nam, các loại trái cây rừng như trái sim Phú Quốc, Quảng Ninh, trái xay miền Trung, thanh mai, mắc mật vùng Tây Bắc… trở thành “món ngon, vật lạ” của người Hà Nội.

Theo Vietnam Net, các loại trái cây rừng không được bày bán tràn lan ở các chợ, vì số lượng không nhiều, mà chỉ xuất hiện trên mạng.

Nhu cầu ăn trái cây rừng của người dân Hà Nội đột ngột tăng vọt, vì lạ miệng và thuộc thực phẩm sạch, không có chất bảo quản như các loại trái cây Việt Nam đang được bày bán ở các chợ. Vì vậy một số thương lái tìm cách gom hàng đưa về bán tại khu vực trung tâm. Nhu cầu này đã kích thích nhiều người đổ xô vào rừng hái các loại trái cây kể trên gom bán cho thương lái. Cư dân quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, phần lớn trái cây rừng xuất hiện theo mùa, mỗi mùa thu hoạch chỉ kéo dài khoảng một – hai tháng.

Vì số lượng không nhiều nên giá bán tăng vọt. Trái xay tươi hiện nay giá 250,000 đồng, tương đương 12.5 USD một kí lô. Mức tiêu thụ các loại trái cây rừng của người dân Hà Nội hiện nay khoảng từ 10 đến 40 kg mỗi ngày.

Nhiều tài liệu cho biết, riêng trái sim là loại đặc sản của đảo Phú Quốc, được cùng làm rượu sim, được người tiêu thụ tin là tốt cho đường tiêu hoá.

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here