Động đất liên tiếp ở Sơn La

- Quảng Cáo -

Động đất liên tiếp ở Sơn La

ThuydienTheo Trung Tâm Báo Tin Động Đất Và Cảnh Báo Sóng Thần -Viện Vật Lý Địa Cầu, vào khoảng 7 giờ chiều ngày 19/07, trận động đất có độ lớn 4.3 độ richter xảy ra ở khu vực huyện Mường La, Sơn La với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.5 km.

Tiếp đó, khoảng 20 giờ, điểm này xảy ra thêm một trận động đất với độ lớn 3.2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Người dân ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La nói rằng, trận động đất khá mạnh, kéo dài khoảng 30 giây, khiến mọi người hoảng loạn chạy ra khỏi nhà.

Một số đồ vật như tủ đựng bát đĩa bị đổ. Đặc biệt, sau động đất, một số nhà dân ở tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong xuất hiện những vết nứt trên tường dài khoảng 40 cm.

- Quảng Cáo -

Thủy điện Sơn La là công trình thuộc cấp đặc biệt thi công với công nghệ bê tông đầm lăn, theo tính toán thì với những trận động đất như thế này thì vẫn chịu được. Tuy nhiên, không thể lường trước được hậu hoạ nếu công nghệ thi công không bảo đảm chắc chắn, điều thường xảy ra đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam.

Hệ thống Sông Đà có nhiều nhà máy thủy điện lớn được xây dựng theo quy hoạch bậc thang như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… Vấn đề quan trọng là phải điều tiết nước trên hệ thống tốt, đặc biệt quan tâm đến việc điều tiết vận hành cụm công trình trên một dòng sông đã có nhiều nhà máy thủy điện.

Đập thủy điện Sơn La là đập thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, dung tích hồ chứa thủy điện 9.26 tỷ m3. Sơn La thường xảy ra động đất do nằm trên vết đứt gãy sông Mã.

Nếu chẳng may có trục trặc kỹ thuật hoặc động đất với cường độ mạnh, hồ chứa thủy điện Sơn La vỡ thì bên dưới Hòa Bình cũng không cầm cự được và sẽ vỡ theo. Và sau 20 phút thủ đô Hà nội sẽ chìm trong độ sâu 20m.

Các nhà khoa học cho hay, Sơn La là một trong 7 vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất tại khu vực Tây Bắc.

Không ai dám chắc là sẽ không xảy ra động đất như ở thủy điện Sông Tranh.

 

80% nước mắm Phú Quốc trên thị trường là giả

nuocmamTrong cuộc họp quốc tế do Bộ Công Thương Việt Nam chủ tọa, được tổ chức tại Sài Gòn hôm 17/07, 2014, bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ tịch Hội Nước Mắm Phú Quốc cho biết, sự xuất hiện tràn lan, vô tội vạ của hàng trăm ngàn chai nước mắm Phú Quốc “dởm” tại thị trường nội địa khiến nhà sản xuất “chánh gốc Phú Quốc” hầu như không ngóc đầu lên được. Không chỉ vậy, nước mắm Phú Quốc “đểu” còn đe dọa cả sức khỏe người tiêu thụ, vì chứa đầy hóa chất độc hại. Bà Tịnh cũng khẳng định rằng, có đến 80% nước mắm được bày bán trên thị trường Việt Nam hiện nay là “dởm.”

Theo Báo Pháp Luật Sài Gòn thì nước mắm Phú Quốc “xịn” hầu như bị đánh bạt khỏi thị trường nội địa, vì không cạnh tranh với nổi nước mắm Phú Quốc giả. Hiện nay, nước mắm Phú Quốc ra lò hàng năm chỉ vào khoảng từ 20 đến 25 triệu lít. Trong khi đó, nước mắm mang nhãn hiệu Phú Quốc xuất hiện trên thị trường có đến… hàng trăm triệu lít, cũng đủ biết đó là “nước mắm Phú Quốc” giả hiệu. Trên nhiều nhãn hiệu ghi địa chỉ sản xuất ở Sài Gòn, Bến Tre, Long An… mà không có chữ Phú Quốc nào, cũng lừa được người tiêu thụ.

Ðiều quan trọng theo giới sản xuất nước mắm Phú Quốc chân chính, người vi phạm lệnh cấm bán hàng giả, hàng nhái, hàng dởm tràn lan, mà chưa có ai bị phạt vạ. Vì vậy, tình trạng trên vẫn cứ tiếp tục lan tràn, như không có gì ngăn chặn nổi.

Mặt khác, theo ông Lương Thanh Hải, giám đốc Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Kiên Giang, người tiêu thụ được khuyến cáo chỉ nên mua nước mắm Phú Quốc có gắn logo trên sản phẩm theo mẫu thống nhất. Thế nhưng, dư luận cho rằng, chẳng ai dám bảo đảm rằng cả cái logo đó là hàng thật, chứ không phải hàng “dởm.”

 

Philippines bác phản đối của TQ về dự án khí ở bãi Cỏ Rong

PhilippinesPhilippines bác phản đối của Trung Quốc về việc Manila gia hạn cho hoạt động thăm dò dầu khí của công ty Forum Energy (Anh quốc) tại khu vực bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.

Hôm 21/07 Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã khẳng định Philippines sẽ triển hạn tất cả các biện pháp bảo vệ cần thiết cho Forum Energy tại Biển Đông.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành Quốc phòng Philippines được đưa ra sau lời chỉ trích từ Trung Quốc hôm 11/7 khi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nhấn mạnh giấy phép gia hạn của Manila cho hoạt động thăm dò dầu khí của công ty Forum Energy (Anh quốc) tại khu vực bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, là phi pháp và bất hợp lệ. Ông Hồng Lỗi nói bất kỳ công ty nước ngoài nào khai thác dầu khí trên vùng lãnh hải của Trung Quốc mà chưa được Trung Quốc cho phép là ‘vi phạm pháp luật.’

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói nếu xin phép Trung Quốc nghĩa là khu vực này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, mà rõ ràng thực tế không phải vậy.

Ông Gazmin nói Philippines không cần ý kiến của Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu khí ở bãi Cỏ Rong.

Vẫn theo lời ông, chủ quyền nơi này thuộc về ai sẽ được minh định qua phán quyết tới đây của tòa tòa án trọng tài quốc tế liên quan đến vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoạt động thăm dò của công ty Forum Energy được Philippines gia hạn đến giữa tháng 8/2016.

 

Hình ảnh tương đồng trong quan hệ 4 tốt Trung-Việt: 7 nông dân TQ tự tử trước tòa báo vì mất đất

danoanTQ7 nông dân TQ từ Qingyang (huyện Tứ Hồng), tỉnh Giang Tô, hôm 16-7 đã đến trước tòa báo Thanh niên nhật báo ở Bắc Kinh uống thuốc độc tự tử nhằm tố cáo chính quyền cưỡng chiếm đất đai của họ bất hợp pháp và đền bù với giá rẻ mạt.

Theo báo chí TQ, những người nông dân này bị chính quyền địa phương cưỡng chiếm, trưng thu đất phi pháp, và họ đã làm đơn kiến nghị lên cấp trên. Các nông dân TQ này giống như trình trạng dân oan ở Việt Nam hiện nay.

Theo người dân địa phương, các nông dân này đã chuyển các tài liệu khiếu kiện về vụ việc này cho một phóng viên của báo Thanh Niên thời báo Bắc Kinh từ hồi tháng 5-2014. Tuy nhiên những bức xúc của người dân không được tờ báo này phản ánh trên báo. Một số người trong nhóm họ đã bị bắt ngồi tù sau khi họ từ Bắc Kinh trở về. Nhiều người cảm thấy họ thật sự rất dại dột khi tìm đến báo chí của đảng và nhà nước.

Một nông dân ở Qingyang, ông Wang Jinshan cùng đứng đơn khiếu kiện, nói với báo chí rằng “Có quá nhiều ngôi nhà bị cưỡng chế phá dỡ ở Qingyang và chính tòa án địa phương đã xác định việc phá dỡ nhà này là bất hợp pháp”.

Bảy người nông dân nói trên cũng đã bị tạm giữ trái phép sau khi gửi đơn kiến nghị lên cấp cao hơn, nên đã chọn phương cách này để tố giác những bất công của chính quyền địa phương đối với người dân.

Các bức ảnh lan truyền trên mạng Internet cho thấy những nông dân tự tử gồm  5 người đàn ông và 2 phụ nữ trẻ nằm bất tỉnh trên vỉa hè bên ngoài trước tòa soạn của tờ Thanh niên nhật báo. Trên miệng có một dòng chất lỏng màu trắng chảy ra, có thể do uống thuốc trừ sâu.

Tất cả 7 người sau đó đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu, và công an đang tiến hành điều tra vụ việc. Bên ngoài bệnh viện, có một quan chức công an đến từ địa phương Qingyang đã ngăn không cho các nhà báo vào tác nghiệp. Trong khi đó, tờ Thanh Niên nhật báo và chính quyền TQ vẫn chưa lên tiếng đối với vụ tự sát tập thể này của nông dân.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here