Thượng Viện Hoa Kỳ nhất trí lên án Vùng Nhận Dạng Phòng Không của Trung Cộng
Vào ngày 17/07 vừa qua, cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ tại Thượng Viện Hoa Kỳ đã cùng ra nghị quyết lên án những việc làm và tham vọng của Trung Cộng tại Á Châu. Mục tiêu cốt lõi của Nghị Quyết là nhằm thay đổi cách hành xử của Trung Cộng đối với những nước đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, mà động cơ đến từ việc Trung Cộng đơn phương áp đặt một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một diện tích rộng lớn ở Biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh cãi chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nghị quyết, được sự bảo trợ của TNS Marco Rubio (R-Fla.), Ben Cardin (D-Md.) and John McCain (R-Ariz.), là một xác quyết mạnh mẽ về vai trò của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Chủ Tịch Ủy Ban Quan Hệ Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ Robert Menedez (D-N.J), cũng là người bảo trợ Nghị Quyết, đã phát biểu về lập trường rõ rệt của Hoa Ký rằng: “Hoa Kỳ là một quốc gia thuộc vùng Châu Á Thái Bình Dương, có quyền lợi về an ninh gắn buộc với việc duy trì sự ổn định trong vùng như những biến cố gần đây đã minh chứng”.
Nghị Quyết “lên án những hành động có tính cách áp bức và đe dọa và việc dùng vũ lực để cản trở quyền tự do hoạt động trong không phận quốc tế của các máy bay quân sự và dân sự, làm thay đổi hiện trạng và gây bất ổn trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, và kêu gọi chính quyền Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc ngưng áp dụng Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) đi ngược với quyền tự do bay ngang qua trong không phận quốc tế.”
Nghị Quyết nói trên là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Cộng về sự nhất trí của Hoa Kỳ về cách hành xử của họ ở trong vùng.
Trung cộng xác nhận giàn khoan HD 981 tìm được dầu và khí đốt gần đảo Lý Sơn
Trong khi dư luận xôn xao, cũng như tranh cải của dư luận về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi vùng biển gần khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì vào ngày 16.7 Trung cộng khẳng định không nên xem việc di chuyển giàn khoan Hải Dương – 981 là một động thái rút lui. Ngoài ra theo ông Hồng Lỗi, phát ngôn bộ ngoại giao Trung Công thì hoạt động của giàn khoan HD 981, bắt đầu từ ngày 2.05 tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa đã hoàn tất một cách thành công vào hôm 15.07 theo đúng lịch trình”.
Và theo nhận định của Reuters và CNN thì ‘hoàn tất một cách thành công’ ở đây chính là việc giàn khoan dầu đã hoàn thành việc thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và phát hiện dấu hiệu của dầu và khí đốt.
Với những khẳng định trên, thì việc Trung Cộng rút giàn khoan hay đang ‘dừng lại’ đều là những động thái để chuẩn bị cho những ‘bước tiếp theo’, và như tuyên bố của họ đây không phải là một động thái rút lui.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng từng nhấn mạnh với tờ Một Thế Giới: “Đừng ảo tưởng việc giàn khoan Hải Dương 981 rút về đảo Hải Nam là Trung Cộng đã chấm dứt việc bành trướng, bá quyền.”
9 lần vỡ đường ống, Vinaconex chỉ xin lỗi rồi tiếp tục dự án kế tiếp
Chỉ trong vài ngày qua, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ liên tiếp tới 2 lần. Như vậy từ khi đi vào sử dụng đến nay, đường nước này đã bị vỡ tổng cộng tới 9 lần.
Cuộc sống của hơn 70,000 hộ dân trên địa bàn thủ đô đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp, gây phẫn nộ lớn cho người dân trong suốt thời gian qua.
Lý giải về việc sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh liên tục bị tai nạn vỡ đường ống thời gian vừa qua, lãnh đạo Vinaconex cho rằng đây là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam, nên Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm trong việc lắp đặt. Tuy nhiên mặc cho đường ống nước cứ vỡ hết lần này đến lần khác, mà vẫn không hề có ai chịu trách nhiệm, cũng chẳng có ai phải từ chức, công ty chỉ xin lỗi !
Phải chăng đã có sự bao che, dung túng trong việc xử lý trách nhiệm? Thực tế cho thấy, trong vòng 6 năm qua, đường ống đáng giá 1,500 tỉ đồng, tương đương 75 triệu đô la đã 9 lần vỡ, khiến hàng triệu cư dân Hà Nội thường xuyên sống trong nỗi bất an vì không có nước sinh hoạt.
Thế nhưng trong thông báo của thành phố Hà Nội vẫn đề nghị cho Tổng công ty Vinacotex xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3 Hà Nội.
Vinaconex sẽ khởi công trước tháng 9 và cam kết hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân trong mùa hè năm 2015.
Vật giá tại Việt Nam tăng mạnh theo giá xăng
Chỉ vài ngày sau khi giá xăng tại Việt Nam tăng thêm 410 đồng/lít, thành 25,640 đồng/lít, giá các loại thực phẩm tại Việt Nam đã tăng thêm từ 10% đến 15% vì chi phí vận chuyển gia tăng.
Trong vòng hai tuần, từ 23 tháng 6 đến 7 tháng 7-2014, giá xăng dầu tại Việt Nam tăng hai lần. Lần gần nhất hồi hạ tuần tháng 6, giá xăng từng tăng thêm 300 đồng/lít. Bộ Tài chính CSVN giải thích, lý do khiến cơ quan này liên tục cho phép tăng giá là vì giá xăng dầu trên thế giới tăng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đang lỗ nặng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng năm lần và trở thành một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế vốn đã bất ổn lại càng bất ổn hơn. Chưa kể giá xăng tăng khiến vật giá tăng theo làm cho nhiều giới thêm khốn khó vì thu nhập liên tục giảm sút.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lý do được viện dẫn để tăng giá xăng dầu là không hợp lý và việc tăng giá theo đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã bất chấp quyền lợi của 84 triệu dân lẫn các doanh nghiệp khác trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài như hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Kinh tế – Luật ở Sài Gòn nhận định, việc điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam không minh bạch nên các lập luận liên quan tới việc tăng giá không đáng tin. Xăng dầu hiện vẫn là lĩnh vực do các doanh nghiệp nhà nước độc quyền kinh doanh. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chiếm 50% thị phần. Có một thực tế mà ai cũng biết là những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ đề nghị điều chỉnh giá bán khi giá xăng dầu trên thế giới tăng. Khi giá này giảm, giá bán xăng dầu tại Việt Nam không giảm theo vì các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam lập luận phải trích tiền để “nộp quỹ bình ổn giá” (BOG), hoặc phải “bù lỗ”. Đây cũng là yếu tố khiến dân chúng nghi ngờ năng lực và sự công tâm của các cơ quan quản lý.
Một số thống kê cho thấy, khi tiêu thụ một lít xăng hoặc dầu, người tiêu dùng ở Việt Nam phải trả từ 6,000 đến 8,244 đồng cho các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường… Chưa kể họ phải góp thêm 300 đồng/lít để xây dựng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Hiện nay, thuế nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam là 18% và BOG đang có 1,600 tỉ nhưng thay vì giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và dùng BOG để kiềm chế giá, chính quyền Việt Nam lại áp dụng giải pháp tệ nhất đối với nền kinh tế và dân sinh là cho phép tăng giá xăng dầu.