Giới lãnh đạo Việt Nam bất nhất trong quan hệ với Trung Quốc
Hàng loạt ứng xử hết sức bất nhất của giới lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc đang khiến dân chúng thêm nghi ngại và chắc chắn sẽ làm suy giảm nội lực quốc gia.
Từ hạ tuần tháng 5 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam, bao gồm tổng bí thư Ðảng CSVN, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nhà nước, thủ tướng, liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khác hẳn với trước về quan hệ với Trung Quốc, song lại có nhiều dấu hiệu khác cho thấy, những tuyên bố này chỉ nhằm trấn an người Việt.
Chẳng hạn, bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, kiểu như dứt khoát không chấp nhận “quan hệ hữu nghị viển vông,” qua Internet, nhiều người “tận mục sở thị” một văn bản do ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao CSVN, ký ngày 3 tháng 6, 2014 gửi các bộ, ngành, địa phương giới thiệu “chương trình hợp tác với tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc.”
Trong văn bản đó của ông Thứ Trưởng Hồ Xuân Sơn liệt kê 16 việc mà ông Hồ Xuân Hoa, bí thư tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc, ra lệnh cho thuộc cấp triển khai với Việt Nam và ông Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao của Việt Nam, giới thiệu để các bộ ngành, các tỉnh, thành ở Việt Nam “tham khảo, thực hiện.”
Việc đầu tiên trong số 16 việc mà viên bí thư tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc xác định cần làm là tổ chức đưa ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành Ủy Sài Gòn đến thăm Quảng Ðông. Ông Nghị và ông Hải đều đang là ủy viên bộ Chính Trị Ðảng CSVN và đều đã từng tiếp đón ông Hồ Xuân Hoa ở Việt Nam.
Việc thứ hai cần làm là “đào tạo cán bộ cho Ðảng CSVN trong khuôn khổ chương trình đào tạo đã được Ðảng CSVN và Ðảng Cộng Sản Trung Quốc thỏa thuận. Theo đó, trong 5 năm, Quảng Ðông sẽ giúp đào tạo 300 cán bộ cho Việt Nam. Trong 300 cán bộ được gửi sang đào tạo ở Trung Quốc, có 100 ở Hà Nội, 100 ở Sài Gòn và 100 còn lại là cán bộ của các tỉnh, thành phố có quan hệ chặt chẽ với Quảng Ðông như : Hải Phòng, Ðà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam.
14 công việc cần làm khác liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư và hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Một điểm đáng chú ý khác là trong khi Trung Quốc gia tăng vây, cản, đâm vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam ở khu vực tranh chấp chủ quyền, xua đuổi ngư dân Việt nam ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng sa thì mới đây, tạp chí Xây Dựng Ðảng của ban tổ chức Trung Ương Ðảng CSVN, loan tin, ban tổ chức Trung Ương Ðảng CSVN vừa cử một đoàn cán bộ cao cấp đến Trung Quốc “nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc” từ 15 tháng 6 đến 24 tháng 6.”
Nội dung chuyên “nghiên cứu, khảo sát” xoay quanh hai chủ đề chính: Học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về “tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ” và “xây dựng tổ chức cơ đảng và phát triển đảng viên.”
Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn bất ổn chính trị
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các thành viên của cơ quan này, thừa nhận, Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn do thủy điện, di dân tự do và phá rừng tạo ra. Suốt từ giữa năm ngoái đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên liên tục cảnh báo về những bất ổn đang tiềm ẩn tại khu vực này.
Bộ trưởng Công an CSVN kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tiếp tục yêu cầu năm tỉnh Tây Nguyên sớm giải quyết các bất ổn do thủy điện, di dân tự do, phá rừng.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên là một cơ quan hỗn hợp, bao gồm một số sĩ quan cao cấp của công an, quân đội và viên chức cao cấp là lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum), nhằm ngăn chặn cũng như đối phó với những bất ổn về an ninh, chính trị ở khu vực này.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập năm 2002, sau khi người thiểu số ở Tây Nguyên nổi dậy lần đầu tiên để đòi tự do tôn giáo, đòi quyền sống, chống cưỡng đoạt đất đai hồi 2001. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Bộ trưởng Công an làm Trưởng ban.
Cũng tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên từng chính thức đề nghị nhà cầm quyền trung ương “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014 để giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội”. Song đến nay, vẫn theo cơ quan này, hậu quả của việc phê duyệt cho phép thực hiện tràn lan các dự án thủy điện ở Tây Nguyên vẫn chưa thể khắc phục.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, gần như 1,400 hồ và đập ở khu vực Tây Nguyên đều trong tình trạng không an toàn. Trong đó có 140 hồ và đập đang trong tình trạng báo động về mức độ an toàn.
Các dự án thủy điện được phép thực hiện trong thời gian vừa qua không chỉ đe dọa tính mạng, tài sản của hàng triệu người mà còn khiến 32,000 gia đình mất đất, không còn sinh kế. Cũng vì vậy, rừng tại Tây Nguyên đang mất rất nhanh, chỉ từ giữa năm ngoái đến nay đã có hàng trăm cánh rừng bị biến thành đồi trọc để dân chúng có đất trồng trọt. Việc tổ chức định cư cho những gia đình bị mất đất, mất nhà vì các dự án thủy điện, cũng như tổ chức bồi thường, hỗ trợ sinh kế cho những nạn nhân của các dự án thủy điện được nhìn nhận là “chưa giải quyết dứt điểm và có trách nhiệm”.
Thậm chí, vẫn còn hàng trăm gia đình của làng Groi ở huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai bị thu hồi đất, giải tỏa nhà từ năm 2005, đến nay vẫn chưa được nhận lại đất. Chưa kể chất lượng của các khu tái định cư hết sức tồi tệ nên dù không còn nhà, không có đất, dân chúng vẫn không chịu vào cư trú trong các khu tái định cư.
Ngoài ra, Tây Nguyên vẫn còn là túi chứa di dân tự do từ khu vực rừng núi phía Bắc đổ đến, khiến tình trạng phá rừng và an ninh, trật tự đã phức tạp càng thêm phức tạp. Cho đến nay, người thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần.
Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc chế độ Hà Nội đang giam giữ hàng trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Trong vài năm gần đây, các vụ phản kháng của người thiểu số ở Việt Nam đã tăng đáng kể, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc.
Năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam đã dùng các vụ nổi loạn này làm cớ để vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.
Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, cảnh sát cơ động được trang bị thêm cả B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh.”
Ngư dân Việt Nam không chuộng tàu vỏ sắt
Từ nhiều tuần lễ nay, nhà cầm quyền Việt Nam có kế hoạch chi 10 000 tỉ đồng, tương đương 500 triệu Mỹ Kim cho ngư dân Việt Nam vay để mua 3 000 chiếc tàu đánh cá vỏ sắt, thay cho tàu vỏ gỗ, trong tổng cộng đoàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam lên tới 130 000 chiếc.
Theo kế hoạch này, tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC, đơn vị hậu thân của Vinashin bị giải thể vì làm ăn lỗ lã trước đây, sẽ đóng 3,000 chiếc tàu vỏ sắt cho ngư dân Việt dùng để ra khơi, đánh cá.
Mặc khác theo chủ trương của lãnh đạo Hà Nội thì tàu vỏ gỗ quá yếu, dễ mục, không đủ sức đương cự với đoàn tàu đánh cá của ngư dân Hoa Lục đôi khi lên tới 40 chục chiếc dàn hàng tại biển Đông, đặc biệt trong khi tình hình căng thẳng tại biển Đông tăng vọt vì sự xuất hiện của giàn khoan Hải Yến 981 của Trung Cộng đặt tại thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo Lao động, đây là kế hoạch bất lợi đối với ngư dân Việt Nam. Báo này dẫn lời ông Phạm Gia Đông, cư dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá nói rằng tàu gỗ được bảo quản tốt có thể hoạt động trong vòng 30 năm, và cứ mỗi 3 năm thì mới cần phải bảo dưỡng, tu sửa một lần. Chưa kể tàu vỏ gỗ có nhiều ưu điểm hơn tàu vỏ sắt. Chi phí đóng tàu vỏ sắt cao gấp đôi tàu vỏ gỗ, và phải bảo dưỡng ít nhất mỗi năm một lần, vì phải kéo lên bờ để cạo, vá hoen gỉ, sơn lườn, nếu không thì tàu sẽ sớm trở thành đống sắt vụn.
Bên cạnh đó tàu vỏ gỗ ít hư hơn tàu vỏ sắt, và vì lý do này mà ngư dân Việt Nam chuộng tàu vỏ gỗ hơn. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Quốc Chính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Ngãi và là Uỷ viên của Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam thì tàu vỏ sắt do SBIC đóng, chỉ phù hợp cho việc câu mực ở biển mà thôi.
Ông Chính còn xác nhận rằng, giá bán tàu vỏ sắt do SBIC đóng hiện nay là 7 tỉ đồng, tương đương 350 000 Mỹ Kim, trong khi chi phí của tàu vỏ gỗ do ngư dân Việt tự đóng chỉ vào khoảng 5 đến 6 tỉ đồng, tương đương 300 000 Mỹ Kim, rẻ hơn từ 50 000 đến 100 000 Mỹ Kim một chiếc, khoản tiền không nhỏ đối với lợi tức ít ỏi của ngư dân Việt Nam tại biển Đông.
Còn theo ngư dân Việt Nam thì không mảy may tin vào các chương trình gọi là “trợ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ,” từ việc lắp “thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá” mười mấy năm về trước. Một số ngư dân cho rằng mỗi một chương trình được gọi là “trợ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ” chỉ tạo cơ hội để quan chức Cộng sản Việt Nam tham nhũng “đục nước béo cò.”
Thưa Quí Vị,
Những ngư dân VN nên lưu-ý một điều về sự an-toàn cho các ông ngoài biển cả khi bi đâm-va của Trung-Cộng chứ không phải về sự chênh-lệch về gía cả giửa tàu sắt và tàu gổ. Cac Ông nên cập nhật cũng như hiện-đại hoá các phương-tiện cổ-điển càng sớm càng tốt. Về nguyên-liệu, nếu các Ông được phép mua gỗ thì các Ông cũng có-thể mua dược thép lá vậy !!!. Và nếu có thể thì hãy trang-bị vài khẩu Pazoka và vài khẩu 105mm hai bên hông tàu để dạy cho thằng bạn một bài học với cái” Bốn tốt và 16 chữ vàng”. Thưa QUÍ-VỊ. Đây chính là sự khác biệt giữa “tàu sắt và tàu gỗ”. Bye!!!