Khí Tiết Trương Công Định và Tâm Sự Đỗ Quang

- Quảng Cáo -

Khí Tiết Trương Công Định và Tâm Sự Đỗ Quang

Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ

Quả ấn Bình Tây đất vội chôn

Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ

- Quảng Cáo -

Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.

Thưa quý thính giả, những câu thơ trên là bốn câu thơ được trích ra trong số 12 bài thơ cụ đồ Chiểu viết để tiễn đưa người anh hùng Trương Công Định, thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Trương Công Định sống dưới triều vua Tự Đức, ông từng giúp triều đình chống lại việc quân Pháp tấn công vào Gia Định. Từng được phong quan rồi sau đó bị giáng chức vì triều đình ký hoà ước với Pháp và ra lịnh cho ông bãi binh nhưng ông đã cưỡng lại lịnh vua. Ông rút quân về Gò Công tiếp tục chống Pháp và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái.

Thưa quý thính giả, ngày hôm nay chúng tôi xin đến với quý vị qua tâm sự của tuần phủ Đỗ Quang người đã sát vai cùng Trương Công Định chống lại sự tấn công của quân Pháp ở Biên Hoà, Tân Hòa. Có lẽ tiết tháo của người thủ lĩnh nghĩa quân này đã ảnh hưởng lớn đến Tuần Phủ Đỗ Quang khiến khi được lịnh triệu về triều đình ông đã quyết định cởi áo từ quan.

Đỗ Quang người huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Dần (1866), thọ 59 tuổi. Năm Nhâm Thìn (1832), Đỗ Quang đỗ Tiến sĩ, từ đó ông làm quan, trải thờ ba đời vua là Minh Mạng Thiệu Trị và Tự Đức. Năm Tự Đức thứ mười ba ông giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định, cùng lúc đó, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép rằng:

Vào mùa xuân, Pháp cử binh đổ bộ lén đánh. Quân ta ở Đại Đồn và các tỉnh tạm thua. Lúc ấy, Đỗ Quang đóng ở Biên Hòa, vì chuyện này mà bị cách chức nhưng vẫn được lưu dụng. Đỗ Quang bí mật sai người tới dụ các hào mục và sĩ dân ở Gia Định, khuyên họ đứng ra tuyển mộ quân để đợi thời cơ. Mùa đông năm đó, quân Pháp vây hãm Biên Hòa, ông bèn tới Tân Hòa để cùng với Phó Lãnh binh Trương Định đem quân đến chiếm giữ những chỗ hiểm để chống cự.

Năm 1862 vua Tự Đức ký hoà ước với Pháp và xuống lịnh cho Trương Công Định phải bãi binh và triệu ông về Phú Yên. Nhưng Trương Công Định đã rút quân về Gò Công, đồng thời ông từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, ông viết: “ Triều đính Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.

Vào tháng hai năm 1863 Trương Công Định tuyên bố với các quan ở Vĩnh Long, để tỏ ý ly khai với Nam triều:

“…dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm gì được khác. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu vào hướng Đông cũng như hướng Tây, chúng tôi chống đối và chiến đấu. Chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc cướp…”

Riêng về phần Đỗ Quang, ông được vua Tự Đức  triệu về kinh để bổ chức Tuần phủ Nam Định. Tuy làm quan đã trải qua ba đời với nhà Nguyễn từ Minh Mạng, Thiệu Trị rồi đến Tự Đức, nhưng bản thân Đỗ Quang đã từng sát cánh với nghĩa quân của Trương Định và dân chúng chống lại giặc Pháp. Nay thấy triều đình phải cắt đất cho giặc để xin nghị hoà. Đỗ Quang bèn dâng sớ từ quan, ông dùng lời lẽ ôn tồn tâu lên với vua Tự Đức rằng:

– Hôm thần về, sĩ dân đứng che kín cả đường và nói: Nay cha bỏ con, quan bỏ dân. Quan về thì quan lại làm quan nhưng dân ở lại thì dân không còn được làm dân của triều đình nữa. Tiếng kêu khóc đầy đường, thần cũng phải gạt nước mắt mà đi.

Thần trộm nghĩ, thần tài hèn sức mọn, nhưng từ trước tới nay vẫn sum vầy với dân, chưa từng tính đến ngày bỏ dân mà về. Nghĩa dân từ trước từng vì triều đình mà dốc hết sức người sức của, giờ chẳng biết bỏ thân nơi nào. Như thế là thần, ở trên thì phụ với triều đình, ở dưới thì phụ với dân trăm họ, tội không thể chối được. Giờ nếu thần lại lạm dự chức ở Nam Định thì biết ăn nói thế nào với sĩ dân Gia Định? Biết trả lời thế nào với công luận trong nước?

Thần vẫn còn có chút lòng, quả là rất hổ thẹn. Vả chăng, thần vốn là kẻ kiến thức nông cạn và hạn hẹp, nếu cứ gắng gượng mà làm việc mãi cũng chẳng thể gọi là báo bổ. Vậy, xin bệ hạ hãy thu sắc mệnh, cho thần được bãi chức về với làng với ruộng, hầu làm nguôi bớt lòng oán giận của sĩ dân, cũng là để giữ tiết liêm sỉ của thần vậy.

Vua xem lời tâu. sai triệu Đỗ Quang vào và dụ rằng:

– Trẫm đã biết tấm lòng của Đỗ Quang, nhưng Đỗ Quang cũng cần phải biết cho tấm lòng của trẫm nữa chớ. Không nên làm như thế.

Tình thế của Nam Kỳ lúc ấy thật éo le, trung quân và ái quốc không còn hợp làm một như xưa nữa. Yêu nước là phải đánh Pháp, mà đánh Pháp thì phải bất tuân mệnh lệnh của triều đình. Trước cuộc giằng xé đầy bi kịch ấy, không phải ai cũng đủ bản lĩnh như Trương Công Định để ở lại chiến đấu cùng nhân dân. Sau khi Trương Công Định tuẫn tiết. Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài điếu văn đưa tiễn ông, trong đó có hai câu nói lên điều này:

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.

Trung úy Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của Phó đề đốc Charner, và là người chỉ huy đội thủy quân lục chiến đánh vào Đại đồn Chí Hòa và  thành Định Tường cũng viết về Trương Định như sau:

Lúc bấy giờ (vào khoảng tháng 6 năm 1861)có một người An Nam rất cương quyết và hào hùng tên là Trương Địnhcho biết sẽ dấy loạn khởi nghĩa trong toàn xứ…Là một trong số những người nhiều nghị lực nhất, anh ta đánh lừa là đã chết trong trận Gò Công,  nhưng sau đó lại xuất hiện và chiến đấu trong hết mùa mưa…Mãi về sau này, khi ta đã chiếm Biên Hòa, tên Trương Định tung hoành tàn phá hết hai vùng tứ giác của ta…

Chiến đấu cạnh một người khí tiết như Trương Công Định làm sao Đỗ Quang có thể trở về  nhậm chức với triều đình. Ông quyết định dứt áo ra đi, giữ được đức trung quân thì lại phải nhói lòng vì bạc nghĩa với sĩ dân Nam Kỳ đang ngoan cường chống Pháp. Ông cảm thấy hổ thẹn, ngửa mặt không dám nhìn trời, cúi xuống chẳng dám nhìn đất, ngơ ngẩn bởi cho rằng liêm sỉ của mình đã bị mất. Với ai, đó có thể chỉ là lời chữa thẹn sáo rỗng, nhưng với Đỗ Quang, đó thực sự là cả một nỗi lòng.

Thưa quý thính giả trước tình hình đất nước đang phải đối diện với hoạ xâm lăng từ phương Bắc, MH và VĐ xin cùng quý vị ôn lại những tấm gương trung liệt của tiền nhân. Để nhắc nhở chúng ta trên từng tấc đất quý giá này biết bao mồ hôi, xương máu của cha ông bao đời đã dày công bồi đắp. Uớc gì những quan chức ngày nay cũng như Đỗ Quang cởi bỏ áo Đảng để giữ lại chút liêm sĩ của một người VN, hay như Trương Công Định vì nguyện vọng của toàn dân đã rút quân về Gò Công sát cánh cùng nhân dân chiến đấu chống lại quân xâm lược.

Để chia tay ở đây, chúng tôi xin gởi tặng quý vị bài hịch kêu gọi chống xâm lăng của Lãnh binh Trương Công Định. Ông cho công bố bài hịch này vào khoảng năm 1862-1863. Bài hịch được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian và được gọi tên là Hịch Quản Định:

Nước có nguồn cây có gốc

Huống người sinh có da có tóc

Mà sao không biết chúa biết cha?

Huống người sinh có nóc có gia

Mà sao không biết trung biết hiếu?

Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường !

Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng Xã Tắc !

Chương trình CDT xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Khắc Thuần. VĐ và MH xin thân ái chào tạm biệt quý thính giả ở đây kính chúc quý vị một ngày an lành và xin hẹn gặp lại quý vị vào chương trình kỳ tới.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here