16 tổ chức Xã Hội Dân Sự họp mặt tại Sài Gòn
Một cuộc họp của các tổ chức Xã Hội Dân Sự và tôn giáo vừa diễn ra tại chùa Liên Trì sáng ngày 5/6/2014. Trong cuộc họp có sự hiện diện 16 tổ chức Xã Hội Dân Sự. Có thể nói, đây là bước khởi đầu mới cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.
Trong buổi họp mặt, các tổ chức xã hội dân sự đã thống nhất với nhau về các quyền tự do hội họp và lập hội, đặc biệt là việc thành lập công đoàn độc lập, yêu cầu nhà nước trả tự do cho 3 nhà hoạt động bảo vệ công nhân là Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Hoàng Quốc Hùng, thảo luận phương hướng đấu tranh dân chủ và việc làm truyền thông xã hội sao cho hiệu quả. Chẳng hạn như nghiệp đoàn của các luật sư, các tổ chức từ thiện, các tổ chức tôn giáo độc lập, các hội dân oan, đặc biệt là công đoàn độc lập bảo vệ cho công nhân cần phải hình thành. Nó phù hợp cho xu thế tất yếu phát triển của toàn cầu không riêng Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải đáp ứng những nhu cầu xã hội tất yếu này của nhân dân.
Việc thứ hai thúc đẩy cuộc họp mặt này chính là việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ xưa đến nay dù xã hội có thối nát rệu rã như thế nào nhưng cứ mỗi khi đất nước lâm nguy thì lòng người lại hội tụ, cứ mỗi đất nước lâm nguy thì lại có một hội nghị Diên Hồng, nếu không phải Diên Hồng do nhà nước tổ chức thì cũng có Diên Hồng trong lòng dân và từ người dân mà ra. Một trong những khó khăn đó chính là họa xâm lăng của Trung Quốc. Trong bối cảnh tàu hải giám Trung Quốc đang liên tục vây hãm tàu hải giám Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có mối quan hệ đối tác chiến lược với phương tây đặc biệt là Hoa Kỳ, liên quan đến vấn đề hiệp định TPP và bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nhà nước Việt Nam phải nhận ra đây là một cơ hội.
Kết thúc cuộc họp các nhóm xã hội dân sự thống nhất với nhau 1 tháng họp một lần để cùng nhau ngồi lại bàn thảo về hiện tình của đất nước cũng như phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay.
Được biết, một phái đoàn phật giáo Hòa Hảo đã bị an ninh ngăn chặn đến buổi họp mặt. Phía Lãnh Sự Quán Đức được mời đến dự buổi họp cũng bị chặn khi xe ngoại giao đi vào chùa Liên Trì.
Trước sự hung hãn của Trung Cộng, tàu tuần cảnh Việt Nam bám bờ, ngư dân bị đưa ra bám biển
Một tháng đã trôi qua, kể từ khi giàn khoan HD 981 của Trung Cộng kéo đến cắm vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Hà Nội chỉ nhún nhường và kêu gọi Bắc Kinh hãy đàm phán chứ không dám kiện ra tòa án quốc tế, trong khi đó các tàu chiến của Trung Cộng ngày càng hung hãn và tìm cách tấn công và khiêu khích các tàu của Việt Nam nhiều hơn.
Cho đến giờ phút này, phía các tàu của Trung Cộng không hề gặp phản ứng nào đáng kể từ Việt Nam, nhưng tàu chiến và ngư dân Việt đã gặp nhiều hư hại. Ngày 26 tháng 5, Trung Cộng đã hết sức vô nhân đạo khi cố ý đâm chìm con tàu này tại Hoàng Sa, và bỏ đi ngay khi thấy 10 ngư dân đang rơi xuống biển.
Nhưng mới đây, điều làm mọi người sửng sốt là Hà Nội đã rút bớt tàu các tàu tuần cảnh của mình vào bờ và đưa ra một chiến dịch lấy ngư dân làm lá chắn, cũng không kém phần vô nhân đạo so với Trung Cộng. Theo chiến dịch này, Hà Nội sẽ tổ chức những nhóm tàu cá của ngư dân, tiến vào vùng biển đang tranh chấp để đánh bắt cá như một cách khiêu khích Trung Cộng.
Tin chính thức từ Nhà nước CSVN đưa ra cho biết, ngày 2/6, dù Trung Quốc vẫn duy trì số lượng khoảng 120 tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 gồm: gần 40 tàu hải cảnh; 14 tàu vận tải; 20 tàu kéo; gần 50 tàu cá cùng 4 tàu quân sự, thì Hà Nội vẫn hối thúc nhóm 50 tàu cá đầu tiên tiến ra vùng biển tranh chấp đó để đánh bắt.
Các sĩ quan quân đội CSVN được lệnh đến từng tàu của ngư dân Việt Nam và tuyên truyền rằng đừng lo sợ vì vùng biển đó là chủ quyền của Việt Nam, và sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra. Theo sự hối thúc của chính quyền, hôm 3 tháng 6 ở Việt Nam, 50 tàu cá của ngư dân đã tiến ra vùng biển tranh chấp, chỉ còn cách giàn khoan HD 981 khoảng 20 hải lý.
Trước đây vài ngày, ngày 25 tháng 5, một tàu của Việt Nam ở Lý Sơn dù không áp sát vào vùng biển đang tranh chấp nhưng vẫn bị tàu của Trung Cộng bọc vỏ sắt đâm chìm, làm một ngư dân tên Đặng Giùm, thiệt mạng tại chỗ. Ngày 18 tháng 5, một tàu ở Quảng Ngãi khi vừa ra biển đã bị một tàu Trung Cộng ập đến đập phá. 2 ngư dân trên tàu bị thương nặng phải quay về đất liền đi cấp cứu.
Vẫn chưa biết 50 tàu cá của ngư dân tay không tấc sắt sẽ đối đầu với Trung Cộng ra sau trong vài ngày tới. Nhưng nếu có bất kỳ sự thương vong nào từ ngư dân, chắc chắn không chỉ có Trung Cộng là kẻ bị lên án, má chính chế độ CSVN cũng là đồng phạm trong việc đưa ngư dân ra làm lá chắn như vậy.
Hệ lưới điện Bắc – Nam làm từ Trung Quốc hỏng nặng
Tin từ báo Pháp Luật Việt Nam thì liên tiếp trong vòng một tuần, bắt đầu từ hôm 14.05, cả hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa-Bắc Giang cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt đột hơn 1,000 MW.
Biến cố đầu tiên xẩy ra vào lúc 9h20 ngày 14.05. Pha A máy biến áp AT1 bất ngờ bị xì dầu ra ngoài. Hậu quả là làm mất điện máy biến áp AT1 Hiệp Hòa khi đang nhận điện từ hệ thống điện 500 kV với công suất hơn 700 MW, gây quá tải hàng loạt đường dây huyết mạch đồng thời làm điện áp khu vực giảm thấp.
Tai nạn khiến ngành điện buộc phải cô lập máy biến áp AT1để tiến hành kiểm tra, khắc phục, an toàn hệ thống trông chờ hết vào máy biến áp AT2 còn lại. Oái ăm thay, đúng 1 tuần sau, đúng vào sáng sớm ngày 21.05, cỗ máy này cũng lăn đùng ra chết, không hẹn mà gặp cùng một hiện tượng bất ngờ xì dầu ra ngoài.
Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và rủi ro xẩy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành.
Nguy hiểm hơn, 2 vụ xì dầu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngành điện này còn đe dọa tới khả năng cung cấp điện cho khu vực Thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia lâu năm trong ngành điện tỏ ra hết sức quan ngại vì đây có thể nói là lần đầu tiên sau khi vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam lại xẩy ra rủi ro liên tiếp đối với một trạm biến áp chiến lược. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dường như muốn dấu nhẹm biến cố này, nhưng điều mà người dân không thể không thấy đó là tình trạng mất điện tại các trạm 110 kV qua các đường dây Hòa Bình – Việt Trì của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lao Cai, Sơn La, Lai Châu.
Con số thống kê do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây xác thực, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Cộng đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.
Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Cộng làm tổng thầu.