Thưa quý thính giả, Người VN có câu “ra ngõ gặp thần đồng”. Tuy nhiên dưới chế độ Cộng Sản những thần đồng của ta đã không có cái may mắn được phát triển toàn diện như mọi trẻ em ở các quốc gia tây phương. Bài thơ “ Nhìn Từ Xa Tổ Quốc” của Nguyễn Duy có những câu minh hoạ về thân phận những thần đồng ấy:
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu
(Nguyễn Duy)
Thưa quý thính giả, chương trình CDT hôm nay xin được đến với quý vị bằng câu chuyện của cô bé Aline Đỗ Linh. Aline may mắn vì tuổi thơ của em không oằn vai mồ hôi nước mắt như những bé gái khác ở quê nhà. Mời quý vị nghe câu chuyện của cô, một bé gái gốc Việt 15 tuổi đã vượt qua các học sinh trung học khác trong một cuộc thi về thơ và được Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama đón tiếp tại toà Bạch Ốc.
Trước khi chúng ta đi vào câu chuyện của Aline Đỗ Linh xin mời quý vị nghe bài thơ mang tên “Con Diều Cho Mọi Mùa” Aline làm năm cô lên tám tuổi vào một ngày hội diều, theo thể thơ Hai Ku. Bài thơ cho thấy cái tài hoa về thi ca đã xuất hiện rất sớm trong tâm hồn đa cảm của cô bé gốc Việt lớp ba.
Con Diều Cho Mọi Mùa
Nó Lượn trong ngày nắng
Nó đong đưa với lá thu
Nhưng nó mãi là con diều
Ngoài những thành công nổi bật về lãnh vực y dược và tin học, giới trẻ thuộc thành phần người Việt tị nạn bắt đầu gặt hái thành quả tốt đẹp về mặt nghệ thuật. Aline là một trong những người đó, cô vừa đạt địa vị cao quý nhất về thơ dành cho học sinh trung học trên toàn quốc Hoa Kỳ. Danh tính các Thi sĩ Học sinh Quốc gia (National Student Poets) năm 2013-2014 đã được chính thức công bố vào ngày 23 tháng 09, 2013. Nhóm này được tuyển chọn trên toàn nước Mỹ, gồm 5 người, hai nam sinh 18 tuổi là Nathan Cummings (tiểubang Washington) và Louis Lafair (Texas), hai nữ sinh 17 tuổi là Sojourner Ahebee (Michigan) và Michaela Coplen(Pennsylvania), và một cô bé gốc Việt nhỏ tuổi nhất 15 tuổi, là Đỗ Lịnh Ái Linh, gọi theo tên Mỹ là Aline Dolinh, học sinh lớp 10, trường Trung Học Oakton, Virginia.
Mỗi năm, cuộc tuyển chọn các Thi Sứ kéo dài trong 8 tháng. Muốn được chọn, các học sinh trung học trên toàn quốc gửi bài tham dự cuộc thi“Scholastic Art & Writing Awards.” Số tác phẩm tham dự cuộc thi năm nay là 230,000, với 80,000 trong địa hạt thi ca. Có tất cả 200 thí sinh được giải toàn quốc thi ca gồm huy chương vàng, bạc, đồng, và bằng danh dự. Aline đã được huy chương vàng với các tác phẩm dự thi là 4 bài Immigrant (Di Dân), American Dream (Giấc Mơ Mỹ), Daughter One (Gái Đầu Lòng) và Radio Silence (Radio Câm).
Aline biết đọc ở nhà trước khi đến trường, cô thích đọc sách và có khiếu làm thơ từ khi còn bé.
Vào mùa Xuân 2007, Aline đã được giải nhất bậc tiểu học về thể thơ hài cú (haiku) tại ngày hội đua diều qua bài thơ “Con Diều Cho Mọi Mùa”. Cùng năm đó, Aline lại được giải thưởng trong cuộc tranh tài Reflections, một cuộc thi về nghệ thuật và viết văn do Hội Phụ huynh và Giáo chức Quốc Gia bảo trợ, với bài thơ về nơi ở của loài gấu trúc panda là núi Mỹ Sơn bên Trung Quốc. Bài thơ mang tên “Núi Mỹ Sơn, Thiên Đường Của Tôi”. Bài thơ chấm dứt bằng bốn câu cuối như sau:
Và ý tưởng của một chú gấu trúc
Luôn luôn bằng
Hoặc thậm chí còn tốt hơn so với sự thật
Và sự khôn ngoan theo cách nhìn của loài người.
Trong bài phát biểu trước quan khách dự dạ tiệc chào mừng các Thi Sứ vào tối ngày 21 tháng 9 năm 2013, Aline định nghĩa nỗi đam mê thi ca của mình:
Tôi tin rằng thơ, khi so sánh với một hình thức khác như văn xuôi, có vị trí đặc biệt qua cách chúng ta đánh giá ngôn từ. Trong văn xuôi – và điều này chỉ là cách nói chung – chúng ta thấy ngôn từ làm nhiệm vụ trang trí câu chuyện, một phương tiện đúc kết cốt truyện hoặc tạo dựng các nhân vật.
Nhưng trong thơ, ngôn từ là câu chuyện. Mỗi âm tiết rất quý giá vì nó thể hiện giá trị cho cả một tác phẩm – một bài thơ gần giống như một bản nhạc được sáng tác với tất cả sự nâng niu, nhịp và dòng chảy của mỗi bài thơ tạo cho nó một chất lượng trữ tình khó có thể chuyển tải qua bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác.
Cố gắng để biến một bài thơ thành một văn bản đơn thuần sẽ như giết chết nó và làm cho nó bị chìm ẩn sau làn da thô. Tuy nhiên, cùng lúc, thơ là một trong những nghệ thuật linh hoạt nhất. Thơ là tiếng nói cho những quan điểm thường bị áp chế, lời tự thú chia sẻ kinh nghiệm chung của chúng ta, hoặc khung cửi thêu dệt những câu chuyện huyễn hoặc, giả tưởng nhất. Cho một số người trong chúng ta, thơ là tất cả những lý do trên ….
Chúng ta sáng tác để mang những câu chuyện mới vào thế giới, để thúc đẩy tinh thần háo hức muốn học hỏi và tiếp tục khám phá những quan điểm hiện hữu bên ngoài ranh giới cộng đồng địa phương của chúng ta. Chúng ta không bao giờ quá già để dấn thân. Thơ là nghệ thuật có dòng máu từ ngàn xưa, nhưng dù vậy, thế giới thi ca chưa bao giờ tự đắc chôn chân trong quá khứ. Thơ luôn luôn tiến hóa để phản ảnh những tiếng nói trong xã hội chúng ta, không phân biệt của con người cô độc, tương tư hay cách mạng.
Đọc thơ và nghe những định nghĩa về thơ của Aline không ai có thể ngờ là cô bé chỉ ở độ tuổi 15. Và sau đây là ý tưởng của cô trong bài thơ mang tên “Lỗi Lập Trình” ( Programming Error). Bài thơ này Aline nộp cho vòng bán kết của cuộc tuyển chọn thi sứ học sinh quốc gia. Bài thơ tả một nhóm người máy, những robot cực kỳ thông minh, hiểu biết như người, và có thể làm mọi việc do người sai khiến, qua lập trình đã đươc cài đặt sẵn.
Quá thông minh, một hôm người máy lén lút tự khám cơ thể của mình, chúng lôi ra toàn dây nhợ và mạch điện rối bời, lấp lánh màu sắc và nối kết với nhau. Chúng được thiết kế để biết mọi thứ trong cơ thể người ta, bây giờ tự chúng thấy mình không có máu, không có thịt, và nhất là không có cái giống như quả dâu tây chín đỏ là trái tim, không thấy ấm và chẳng hề biết yêu.
Tôi có thể liệt kê tất cả các cơ bắp trong cơ thể con người,
nhưng tôi đã không bao giờ có máu ấm, không có đồ hình của đường màu đỏ
bắt nguồn từ bên dưới da thịt mỏng như tờ giấy.
Và tôi đã không bao giờ cảm thấy tình yêu,
nhưng tôi có thể chẩn đoán nó – nó chỉ là một loạt các khớp thần kinh hóa học
da đỏ bừng màu hồng vì huyết sắc tố mà tôi không có.
Họ chắc đã nói láo
khi bảo rằng chúng tôi đã hoàn hảo.
Làm thế nào một cái gì đó hoàn hảo lại có thể cảm thấy quá trống rỗng?
Đám người máy này cũng hiểu rõ, nếu người tạo ra chúng biết rằng chúng đã lén tự tìm hiểu về mình, và có những ý nghĩ phạm thượng như vậy trong kho trữ liệu(memory bank), họ sẽ cho rằng chúng có khuyết điểm trong sản xuất(manufacturing defect), và sẽ phá cơ thể chúng ra để sửa lại, cho chúng quên đi. Bài thơ kết luận bằng lời của người máy:
Chúng tôi sẽ tốt đẹp vì sự đồng nhất, tất cả các bộ phận của chúng tôi hoạt động theo lệnh, nhưng khuyết tật về phương diện khác – Những kẻ tạo ra người máy, hay tạo ra con người hoạt động như máy, cho là hoàn hảo, đó chính là khuyết điểm.
Người ta vẫn nói Tạo Hóa tạo ra con người, và tất cả sản phẩm của Tạo Hóa đều hoàn hảo. Nhưng nếu có những con người, kể cả trí thức, học cao, bằng lớn, nếu chỉ hành động theo lệnh như người máy, cho dù có tim, có máu thịt như người, mà không biết suy nghĩ, hành động tự do và yêu thương như người, thì đó là những sai sót trong lập trình của Tạo Hóa, programming error!