Kính thưa quý thính giả, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế của VN đã gây nên tình trạng đối đầu vô cùng căng thẳng giữa hai nước xã hội chủ nghĩa Việt – Hoa trong mấy ngày vừa qua. Từ trước đến nay nền kinh tế Việt Nam vẫn bị coi là lệ thuộc rất nhiều vào Trung Cộng. Với tình trạng đó, trong bối cảnh căng thẳng chính trị hiện nay liệu rằng Trung Cộng có thể gây thêm những thiệt hại cho nền kinh tế vốn đang ở trong tình trạng suy thoái của Việt Nam hay không ? Đâu là cơ hội và thách thức cho VN hiện nay ?
Bà Phạm Chi Lan, là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay, sẽ nhìn lại toàn bộ mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Cộng và trả lời những câu hỏi vừa kể qua cuộc phỏng vấn sau đây của nhà báo Trần Quang Thành.
***
Trần Quang Thành: Chào bà Phạm Chi Lan. Bà từng là một nhà nghiên cứu theo dõi rất sắt se về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; bà đánh giá thế nào về tinh hình quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tình trạng hiện nay?
Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ trong suốt thời gian vừa qua quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc về mặt kinh tế cũng đã chứa đựng rất nhiều rủi ro cho Việt Nam, khi mà Việt Nam chưa có những năm cải thiện được cán cân thương mại, nói chung, của mình với các nước khác trên thế giới, nhưng vẫn tăng nhập siêu của Trung Quốc ngày càng lớn hơn và như vậy đã đẩy nhiều ngành của Việt Nam và một số dự án quan trọng của Việt Nam vào cái thế là phụ thuộc vào Trung Quốc, lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một mặt khác, Trung Quốc có rất nhiều những thủ thuật, có thể nói là bẩn thỉu, trong quan hệ thương mại và quan hệ kinh tế, gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đặc biệt là cho những người thân phận yếu kém như là nông dân hoặc ngư dân Việt Nam,… thì chuyện này đã được nói đến nhiều lần rồi. Trong bối cảnh hiện nay, chuyện đang xẩy ra ở biển Đông với giàn khoan của Trung Quốc ở đó, thì tất cả mọi người ở Việt Nam rất cần phải suy nghĩ và chuẩn bị cho mình có những biện pháp cấp bách để chuẩn bị với tình huống có thể xấu hơn về mặt kinh tế, khi Trung Quốc có thể giở thêm những cái trò bẩn thỉu nữa về mặt kinh tế để hại Việt Nam. Tôi nghĩ có mấy cách thức lớn.
Thứ nhất là, đối với những dự án lớn mà Trung Quốc đang làm ở Việt Nam, trong đó có những dự án thuộc về trọng điểm của Việt Nam. Ví dụ như một loạt dự án điện hoặc là các dự án xây dựng đường xá v.v.., bị Trung Quốc gây khó thêm và có thể làm trì trệ các dự án, không được tiến hành như dự kiến, không đạt được yêu cầu để phát triển của Việt Nam trong từng thời gian. Một mặt khác nó có thể làm đội giá các dự án đó ở Việt Nam. Xưa nay, ngay cả khi chưa có chuyện ở biển Đông thì Trung Quốc đã nhiều lần làm kéo dài các dự án và do đó đội giá lên rất cao rồi, Việt Nam luôn luôn phải trả giá cao hơn so với giá đấu thầu ban đầu mà Trung Quốc bỏ thầu để được dự án; việc ấy đã là câu chuyện làm khó cho kinh tế Việt Nam rồi. Trong lúc này thì còn có thể họ gây khó thêm bằng những thủ đoạn như vậy.
Thứ hai nữa là, đối với một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thì phụ thuộc khá nhiều vào đầu vào, các phụ kiện rồi các sản phẩm trung gian được nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này, nếu như Trung Quốc gây khó cho Việt Nam thì có thể làm khó cho các ngành xuất khẩu, mà xuất khẩu lại là một trong những lãnh vực quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Thứ ba nữa là Việt Nam cũng đang nhập khẩu rất nhiều sản phẩm trung gian của Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa của mình, thì những điều này cũng gây ảnh hưởng đến các ngành kinh tế nội địa của Việt Nam nữa.
Từ các góc độ đó thì có thể nói là những điều mà Trung Quốc có thể gây ra đối với Việt Nam là những điều mà Việt Nam hết sức cần phải suy nghĩ và nhanh chóng đưa ra được những giải pháp trước mắt, cũng như những tính toán lâu dài, để thoát ra khỏi thế lệ thuộc đó và có thể sửa soạn những lãnh vực rộng hơn trong kinh tế. Tuy nhiên về mặt này thì tôi cũng nghĩ là Việt Nam cũng có thể tạo ra một cơ hội thực sự cho Việt Nam để làm sao thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của bản thân mình và tái cơ cấu, cải cách thể chế, tất cả những cải cách liên quan rất cần phải phục vụ cho Việt Nam có một nền kinh tế độc lập hơn. Đặc biệt là với nước láng giềng lớn như Trung Quốc. Thứ hai nữa là Việt Nam phải tận dụng được những cơ hội về hội nhập quốc tế đang có, những việc như là hình thành cộng đồng kinh tế ASIAN vào năm sau thôi, rồi hoàn tất hiệp định TPP hoặc là hoàn tất hiệp định FDA với Liên Minh Châu Âu, với Hàn Quốc và tăng cường quan hệ kinh tế với một số đối tác quan trọng ở nước ngoài như Nhật Bản chẳng hạn. Tất cả những điều đó sẽ giúp cho Việt Nam có thể tạo được một sự cân bằng hơn trong quan hệ kinh tế với các nước khác nhau; đặc biệt là tăng cường lợi ích kinh tế đối với những ngành kinh tế lớn. Và xưa nay trong quan hệ với họ là cái chiều có lợi cho Việt Nam nhiều hơn; so với cách của Việt Nam lâu nay là để cho lệ thuộc vào Trung Quốc và trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì cái bất lợi rơi vào phía Việt Nam nhiều hơn, trong khi Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn. Tôi nghĩ cũng đã đến lúc sức ép thực tế hiện nay đã tạo cho Việt Nam vừa là thách thức vừa là sự tăng lên sức ép và đồng thời nó là cơ hội thật sự để Việt Nam thay đổi lại mình. Và nếu Việt Nam không cố gắng để thay đổi, kể cả trước mắt lẫn lâu dài, thì sẽ rất khó đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn, cũng như rất khó đối phó với những khó khăn có thể ở đấy nhiều hơn.
Trần Quang Thành: Thưa bà, dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng lâu nay rất lo ngại tình trạng Trung Quốc đang thao túng nền kinh tế Việt Nam. Từ những công trình lớn trọng điểm cho đến những việc mà họ đi thu mua các nông sản và cách thức họ thu mua rất là tàn bạo đối với nông dân. Bà đánh giá sao về tình hình đáng lo ngại này?
Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là nếu nói Trung Quốc thao túng nền kinh tế Việt Nam thì có lẽ đấy cũng là một cách nói nặng nề chưa đúng tình hình, không hẳn như vậy. Việt Nam có những mặt lệ thuộc vào Trung Quốc nhưng nếu nói Trung Quốc thao túng nền kinh tế Việt Nam thì cũng không phải. Sang nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì thử hỏi, ví dụ như về đầu tư thì những nhà đầu tư lớn nhất là đâu? Thì trước hết, hiện tại Việt Nam có một loạt các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động và các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, quan trọng nhất ở Việt Nam thì không có Trung Quốc ở trong số đó. Trung Quốc trên thực tế là một nhà đầu tư trực tiếp nhỏ và Trung Quốc là hãng thầu, là nhà thầu cho một số công trình thi công thôi, chứ không phải là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Điều đó là một điều chắc chắn. Và vai trò các nhà đầu tư khác cộng lại, đặc biệt là từ các nước phương Tây vẫn lớn hơn rất nhiều và có tầm quan trọng rất nhiều đối với kinh tế Việt Nam. Nếu nói họ có phần nào đó thao túng nền kinh tế Việt Nam thì cả khối đầu tư đó cộng lại chứ không phải là riêng một mình Trung Quốc.
Thứ hai là, thực sự có hiện tượng hết sức bức xúc lâu nay là những cách thức của Trung Quốc gây hại cho nông dân Việt Nam, những thu mua các hàng v.v.., nhưng tôi nghĩ là về cơ bản thì bản thân nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển và không lệ thuộc nhiều vào tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc. Họ có phá phách đấy nhưng sự phá phách của họ không cản bước được sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Nếu tính trên bình diện chung của nhiều mặt thì những mặt hàng lớn nhất của Việt Nam như lúa gạo hoặc càphê, rồi hải sản, cao su và các mặt hàng lớn đó thì không bị lệ thuộc nhiều hoặc không chịu tác động lớn của những sự phá phách theo kiểu đó của Trung Quốc. Tất nhiên điều xảy ra đối với việc họ phá từ các mặt hàng nho nhỏ đối với nông dân là điều đáng tiếc và rất đáng ngại cho bà con nông dân. Nhưng tôi cũng nghĩ là tất nhiên Việt Nam rất cần ngăn chặn điều đó, làm rõ, ngăn chặn; từ nhà nước đến các thương lái Việt Nam, đến những người nông dân phải thực sự tỉnh ngộ để có biện pháp ngăn chặn cho hiệu quả. Nhưng nếu coi những cái đó là những cái có tính chất thao túng nền kinh tế hoặc nền nông nghiệp Việt Nam thì cũng không phải. Và thao túng cuộc sống của người nông dân Việt Nam cũng không phải. Người nông dân Việt Nam không chịu để cho tình trạng thao túng đó đâu. Họ có dại dột về một số sản phẩm, ví dụ như khoai lang trong một số mùa vụ, sản phẩm này sản phẩm khác trong một số vụ ở một vài vùng, nhưng tổng thể người nông dân Việt Nam không thể nào chịu chấp nhận sự thao túng của Trung Quốc. Điều đó thì phải tin chắc như vậy, và thực tế kinh tế ở Việt Nam đã diễn ra như thế.
Tôi đồng ý là một mặt phải ngăn chặn. Đây có lẽ cũng lại là một cơ hội hơn bao giờ hết để làm cho mọi người ở Việt Nam thức tỉnh về những nguy cơ rất nhiều mặt từ Trung Quốc và những trò bẩn thỉu của Trung Quốc để cảnh giác và dứt hẳn khỏi những trò đó. Nhưng một mặt khác thì cũng có thể nói là người dân Việt Nam nói chung, tôi thì tôi vẫn tin ở đông đảo người dân vể những sự vươn lên của họ, sự tỉnh táo của họ trong các hoạt động kinh tế.
Trần Quang Thành: Trước tình trạng căng thẳng về chính trị hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển Đông, bà có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiến tới vấn đề gây khó chúng ta, áp lực chúng ta về kinh tế, thí dụ họ cấm vận những mặt hàng của Việt Nam chẳng hạn?
Phạm Chi Lan: Vâng, điều đó là họ có thể làm. Phải nói là những cái gây khó cho Việt Nam thì tôi nghĩ người Trung Quốc, có khi về phía lãnh đạo Trung Quốc họ chẳng từ bỏ gì cả. Bởi vì việc làm trắng trợn như đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam họ còn làm được, thì có cái gì nữa mà họ không làm được. Nhưng điều này thì nó chỉ đẩy thêm Việt Nam tới việc là… Trước hết nó cảnh tỉnh những ai còn mơ hồ, còn tin ở nào là 4 tốt, nào là 16 chữ vàng, rồi tin ở những cam kết chính trị rất là mù mờ của Trung Quốc, những cái hữu nghị chung chung, những cái đầu lưỡi đầu môi của họ…, để mà tỉnh ra và thấy là lợi ích thực chất của đất nước ở đâu. Ai là bạn, ai là thù của Việt Nam, và có thể tin được người láng giềng lớn đó hay không. Tôi nghĩ đấy là điều quan trọng nhất; và một khi đã tỉnh táo ra thì hoàn toàn có thể thấy là Việt Nam có những cách để thoát ra khỏi sự lệ thuộc hoặc là sự đe dọa đó từ Trung Quốc, kể cả việc cấm vận về kinh tế. Tôi nghĩ rằng ngay cả Trung Quốc có cấm vận kinh tế đối với Việt Nam thì Việt Nam cũng có thể có những mặt khác để phát triển.
Việt Nam hiện nay có bao nhiêu là đối tác thương mại khác trên toàn cầu, chứ đâu phải chỉ có một mình Trung Quốc. Riêng việc cung cấp những sản phẩm trung gian mà Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc thì cũng có những nhà cung ứng khác như Ấn Độ, các nước ASIAN, các nước khác như Hàn Quốc hoặc là một số nước khác thì cũng đang có quan hệ kinh tế càng ngày chặt chẽ với Việt Nam. Chẳng qua là lâu nay Việt Nam nhiều khi khờ dại khi tự đặt mình vào cái thế lệ thuộc, khi tập trung mua quá nhiều từ Trung Quốc thôi. Mặc dù trong nhiều trường hợp biết là sản phẩm của họ chất lượng xấu hơn và có thể gây hại cho nền kinh tế của mình nhưng vẫn cứ nhắm mắt lao theo. Một số vì những cái lợi ích riêng tư nào đó, hoặc những kiểu đi đêm nào đó; một số doanh nghiệp vì cái lợi ích ngắn hạn mà bất chấp tất cả. Tôi nghĩ đây là lúc để cho các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc những người Việt Nam nhìn lại và sắp đặt lại quan hệ thương mại của mình với các nước khác chung quanh cho hợp lý hơn.
Nói chung là tình huống Trung Quốc cấm vận Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra và nó có thể gây thêm những khó khăn kinh tế cho Việt Nam, trong lúc nền kinh tế Việt Nam vốn dĩ đang rất khó khăn rồi. Nhưng tôi cũng tin rằng, nền kinh tế Việt Nam lâu nay cũng đã khó khăn, người dân Việt Nam thực sự cũng đã quen chịu đựng khó khăn rất nhiều rồi, và bây giờ đứng trước tình huống, đứng trước khả năng có thể thay đổi một cách cơ bản quan hệ với ông láng giềng khổng lồ mà thường gây khó cho Việt Nam, thì tôi tin người dân Việt Nam sẵn sàng chấp nhận khó khăn thêm ở trước mắt, để rồi về lâu dài có thể dành được cái sự độc lập của mình tốt hơn đối với ông bạn láng giềng, để từ đó có thể tạo cơ hội phát triển tốt hơn trong quan hệ thương mại.
Trần Quang Thành : Xin cám ơn bà Phạm Chi Lan.
Phạm Chi Lan: Dạ vâng, xin chào ạ.