Cách mạng xã hội vốn là kết quả vận động không ngừng của những nhu cầu và quy luật trước đó. Để rồi xoá bỏ cái cũ, thay thế cái mới tiến bộ hơn. Đó là một thay đổi lớn lao trong nhận thức và hành động của con người. Cách mạng làm biến đổi sâu sắc, căn bản, triệt để đời sống chính trị, kinh tế và văn hoá. Nó chuyển từ một hình thái kinh tế – xã hội này sang một hình thái kinh tế – xã hội khác. Nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã phát triển với những quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời. Về mặt chính trị, thì nó là cuộc đấu tranh của các giai cấp cách mạng chống lại giai cấp thống trị mưu toan bảo vệ và duy trì chế độ vì lợi ích bản thân. Một cách khái quát, cách mạng xã hội chính là nhu cầu thay đổi của thời đại, là ý nguyện của lòng dân. Và khi sự vận động đã chín muồi, thì không thể nào khác, cách mạng tất yếu sẽ xảy ra.
Trên thực tế, trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng đều xảy ra những cuộc cách mạng như: Chính trị, văn hoá, kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp…; cách mạng là liên tục và không ngừng, nó sẽ diễn ra chừng nào nhu cầu đã trở nên bức thiết, chín muồi. Cách mạng xã hội có quy mô to lớn nhất, nó ảnh hưởng bao trùm, vậy nên đóng vai trò rất quan trọng.
Phải hiểu rằng, cách mạng không thể là hành động chủ quan nhất thời của một vài cá nhân hay nhóm người, mà là kết quả đấu tranh của những giai cấp tiến bộ được quần chúng nhân dân ủng hộ. Nó đại diện cho phương thức sản xuất mới đã xuất hiện. Cuộc đấu tranh giai cấp này phát triển đến một trình độ nhất định thì sẽ tạo nên tình thế cách mạng – điều kiện khách quan để cho cách mạng bùng nổ. Cách mạng có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo điều kiện lịch sử của từng dân tộc. Yếu tố quyết định sự thắng lợi nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào mối tương quan giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng.
Xã hội Phong kiến xưa vẫn thường gọi và hiểu cách mạng xã hội dưới hình thức những cuộc khởi nghĩa. Khi thắng lợi sẽ lập nên một triều đại mới tiến bộ và được lòng dân hơn, cho dù vẫn tồn tại hình thái xã hội cũ. Danh từ “Cách mạng xã hội” thường được các nhà sử học dùng để chỉ những cuộc cách mạng dân chủ nhân dân sau này. Và cho dù với tên gọi và cách hiểu như thế nào, thì đó vẫn là sự thay đổi rộng lớn và sâu sắc nhất, cả về phương thức sản xuất và nhận thức xã hội. Trong tất cả các cuộc cách mạng đó, chúng ta đều thấy bóng dáng và vai trò không thể thiếu của Pháp luật, nhân tố đại diện cho giai cấp cầm quyền.
Tinh thần của các cuộc khởi nghĩa hay cách mạng thường gói gọn trong những khẩu hiệu phản ánh nguyện vọng người dân. Nó mang tính thời đại và đối lập với hệ thống luật pháp bảo thủ đã hết vai trò lịch sử. Vì thế cho nên vai trò của pháp luật thường gắn liền với các cuộc cách mạng xã hội. Bao giờ cũng vậy, pháp luật đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến tình thế cách mạng.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều cuộc khởi nghĩa (hay cách mạng xã hội) có vai trò và ảnh hưởng to lớn tới sự thay đổi nhân loại.
Khởi nghĩa Spartacus (năm 73 tước Công nguyên) là một trong những cuộc khởi nghĩa nô lệ có quy mô lớn nhất lịch sử Roma cổ đại. Nó giáng một đòn nặng nề vào nền thống trị của giai cấp chủ nô. Là hệ quả tất yếu của sự bóc lột thậm tệ và hệ thống pháp luật hà khắc đương thời.
Hay như cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng – Ngô Quãng (Năm 209 trước Công nguyên) để chống lại ách áp bức của nhà Tần. Mở đường cho hàng loạt những cuộc khởi nghĩa nông dân khác, mà tiêu biểu và lớn mạnh nhất là của Lưu Bang và Hạng Vũ. Kết quả là nhà Tần bị tiêu diệt sau 15 năm tồn tại bằng sự độc tài tàn khốc. Như chúng ta đều biết, luật pháp thời Tần vô cùng dã man và tàn bạo, chợ búa cũng bị biến thành nhà tù.
Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ (1775 – 1783) là một cuộc cách mạng to lớn với nhiều ý nghĩa và ảnh hưởng. Là cuộc chiến giữa nhân dân thuộc địa chống lại quân đội đế quốc Anh. Dẫn đến việc nước Mỹ giành được nền độc lập.
Cuộc cách mạng Pháp (1789 – 1799) là một sự kiện trong lịch sử nước Pháp và thế giới. Khi lực lượng Dân chủ và Cộng hoà nổi lên lật đổ nền Quân chủ chuyên chế. Sự ảnh hưởng của cách mạng Pháp rất lớn lao, làm rung động cả Châu Âu, là một hình mẫu mà nhiều phong trào cách mạng sau này hướng vào.
Pháp luật là tinh thần của Nhà Nước, cách mạng để thay đổi Nhà Nước cũng đồng nghĩa với việc thay đổi Pháp Luật. Bởi vậy mà Pháp Luật luôn đồng hành với các cuộc cách mạng xã hội.
“Thức thời là Tuấn Kiệt”, xưa nay các bậc nghĩa sĩ vẫn dựa vào thời thế mà tạo phúc cho dân, thúc đẩy xã hội tiến lên. Đó là những hành động cách mạng tiên phong mà lịch sử ghi nhận. Cách mạng xã hội đóng vai trò rất to lớn cho sự phát triển của đất nước và nhân loại.