Tài nguyên cạn kiệt, nhưng khai thác lậu vẫn tiếp tục gia tăng
Tin từ cảnh sát biển Vùng 2 của Việt Nam thì một con tàu mang tên Thành Công 18, của Công ty Dịch vụ vận tải biển Chung Nghĩa, có trụ sở ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, đã bị kiểm tra sau khi rời cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, và phát giác tàu đang chở 3,000 tấn quặng sắt không có nguồn gốc và chứng từ hợp pháp.
Dư luận phỏng đoán, số quặng vừa kể được khai thác lậu và sẽ xuất cảng lậu sang Trung Quốc. Khai thác lậu 3,000 tấn quặng sắt không phải là chuyện đơn giản nên chắc chắn có sự tiếp tay của chính quyền địa phương. Hiệp hội Thép Việt Nam ước đoán, việc thả lỏng, để quặng sắt ồ ạt bị xuất cảng lậu sang Trung Quốc, khiến mỗi năm, ngân sách thất thu khoảng 1,700 tỉ tiền thuế. Vụ tàu Thành Công 18 được xem như một bằng chứng, xác nhận điều mà dư luận vẫn râm ran đồn đãi bấy lâu: Khai thác – xuất cảng khoáng sản ở Việt Nam đang do mafia chi phối.
Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường của Việt Nam cho biết, sau khi kiểm tra việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc, thì 57 trong số 63 chính quyền tỉnh, thành phố đã cấp 957 giấy phép liên quan tới khoáng sản. Bao gồm 275 giấy phép thăm dò khoáng sản và 682 giấy phép khai thác khoáng sản.
Hơn 50% số giấy phép này vi phạm hàng loạt qui định hiện hành: Cấp giấy phép sai thẩm quyền, cấp giấy phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản, cấp giấy phép khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoảng sản, cấp giấy phép khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường, cấp giấy phép khi ngành nghề trong hồ sơ kinh doanh không phù hợp, cấp giấy phép cấp khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép khi hồ sơ không có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khai thác khoáng sản, cấp giấy phép thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Việt Nam hiện có hơn 5,000 mỏ đang khai thác khoảng 60 loại khoáng sản thuộc nhiều nhóm khác nhau. Điểm đáng lưu ý là trong khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu nguyên liệu để sản xuất nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa thì sau khi khai thác, khoáng sản thô lại ùn ùn chảy sang Trung Quốc.
Dù khoáng sản được xem như tài sản toàn dân song Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, trên thực tế, phần lớn lợi nhuận đang chảy vào túi các doanh nghiệp, để mặc cộng đồng dân chúng địa phương gánh chịu thiệt thòi. Cách quản lý, điều hành công việc khai khoáng chính là nguyên nhân khiến khai khoáng giống như hủy diệt.
Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam
Theo tin của Tân Hoa Xã và Báo điện tử chính phủ Việt Nam hôm thứ hai 30/12 vừa qua, ông Vương Nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Vì theo ông Vương Nghị các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận về việc xúc tiến mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam để thực hiện tốt nhận thức chung của các nhà lãnh đạo và tăng cường những cuộc tiếp xúc cấp cao.
Ông Nghị nói thêm rằng Trung Quốc cũng sẵn sàng làm việc với Việt Nam để chuẩn bị cho hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Việt-Trung và sớm thực hiện cuộc khảo sát chung ở cửa biển Vịnh Bắc Bộ nhằm có được tiến bộ đáng kể trong công cuộc hợp tác hải dương.
Còn về phía Việt Nam thì Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng tán đồng ý kiến của ông Vương Nghị và cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để tăng cường các mối quan hệ song phương trong năm 2014.
Tin của phía Việt Nam cho biết ông Phạm Bình Minh và ông Vương Nghị đã thảo luận về những diễn tiến gần đây ở Đông Bắc Á và cho rằng các nước trong khu vực cần có các biện pháp thiết thực để duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.
Người dân Malaysia xuống đường phản đối vật giá leo thang
Ngày đầu năm 2014, hàng ngàn dân Malaysia mặc quần áo đen, xuống đường tại thủ đô Kuala-Lumpur để phản đối tình trạng vật giá leo thang, đặc biệt là giá xăng, làm đời sống khó khăn và để gây sức ép lên chính phủ đang bị nợ nần chồng chất.
Theo tin tức, đoàn biểu tình đã tập họp tại quãng trường « độc lập » tại thủ đô Malaysia bất chấp khuyến cáo của cảnh sát không được gây rối loạn đêm giao thừa. Hơn 15.000 người theo ban tổ chức, mặc y phục đen, nhiều người đeo mặt nạ Guy Fawkes, biểu tượng của phong trào phản kháng chống giai cấp có thế lực rất phổ biến trên thế giới, biểu tình một cách ôn hòa, với những tấm biểu ngữ « bảo vệ quyền lợi của chúng ta » hay « giảm giá xăng » và hô khẩu hiệu « nhân dân muôn năm ». Chủ tịch « Phong trào Sinh viên Đoàn kết » Malaysia, Bukhairy Sofian sau khi cùng với nhiều lãnh tụ sinh viên và đối lập đọc tuyên ngôn kêu gọi « chính phủ phải biết lắng nghe yêu sách của người dân đang thịnh nộ » đã tuyên bố như sau : « Malaysia có quá nhiều tham nhũng. Sẽ có những cuộc phản kháng nữa trong tương lai ».
Giá xăng tại Malaysia đã tăng vọt lên 10,5 % và giá điện lên thêm 15% trong bối cảnh nhà nước quyết định giảm bớt trợ giá nhu yếu phẩm để giảm bớt nợ.
Giới phân tích tại Malaysia lên án chính phủ thất hứa, không dứt khoát bài trừ tệ nạn tham nhũng, được xem là nguyên nhân chính làm tổn hại cho ngân sách nhà nước.
Hồng Kông đón năm mới bằng cuộc biểu tình đòi dân chủ
Bước vào năm 2014 hàng chục ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường đòi dân chủ. Ban tổ chức dự kiến 50 ngàn người tham gia cuộc tuần hành phản kháng nhân ngày đầu năm dương lịch, chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh trong bối cảnh đang diễn ra một chiến dịch thăm dò ý kiến về việc cải cách ứng cử và bầu cử.
Người biểu tình mang biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu lên án Trung Quốc và chính quyền Lương Chấn Anh như « dân chủ sẽ chiến thắng » hoặc là « muốn cải cách phải tranh đấu ».
Đoàn biểu tình tập họp tại quảng trường Nữ Hoàng Victoria và tuần hành đến Trung tâm tài chính Hồng Kông. Thông điệp của cuộc biểu dương lực lượng là khuyến cáo đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như chính quyền Hồng Kông rằng « người dân Hồng Kông muốn một nền dân chủ thật sự».
Xin nhắc lạin mặc dù Bắc Kinh cam kết tôn trọng quyền tự quyết của Hồng Kông, nhưng từ năm 1997 đến nay, Trung Quốc tìm cách trì hoãn không cho bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Trong hệ thống hiện hành, lãnh đạo Hồng Kông do một ủy ban thân Bắc Kinh gồm 1200 « đại cử tri » bầu lên. Lời hứa hẹn cuối cùng là vào năm 2017. Người dân Hồng Kông lo ngại Trung Quốc sẽ tìm kế hoãn binh để từng bước gậm nhấm không gian còn tương đối tự do tại nhượng địa cũ của Anh Quốc.
Ban tổ chức biểu tình đe dọa là « nếu đảng Cộng sản Trung Quốc không hiểu thông điệp dân chủ này thì người dân sẽ hành động trực tiếp ». Nhiều nhà tranh đấu dự trù sẽ « chiếm lĩnh » khu tài chính để gây sức ép buộc Trung Quốc phải tôn trọng một chế độ bầu cử công bình.
Theo các nhà tranh đấu thì cuộc tham khảo ý kiến cử tri (do chính quyền tiến hành) trong khuôn khổ cải cách luật bầu cử là một « trận chiến phải chiến thắng » trong năm nay.