Báo cáo Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam mở rộng quyền tự do tư tưởng cho người dân
Sau chuyến đi Việt Nam từ ngày 18 đến 29/11, bà Farida Shaheed, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền văn hóa đã kêu gọi Hà Nội cho người dân có thêm không gian để bày tỏ chính kiến. Theo bà Farida Shaheed đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do bày tỏ tư tưởng của công dân, nhằm ngăn chặn tình trạng các nghệ sĩ bị trừng phạt, sách nhiễu hay bị giam giữ tùy tiện.
Bà Shaheed nói nhà cầm quyền Hà Nội nên mở rộng không gian cho người dân bộc lộ quan điểm kể cả quyền tự do biểu đạt nghệ thuật và tự do học thuật, đồng thời phải đảm bảo cho dân có thể đóng góp tri thức vào sự phát triển của đất nước.
Bà Shaheed cũng bày tỏ quan ngại vì Việt Nam thiếu vắng các nhà xuất bản tư nhân làm giới hạn phạm vi để những tiếng nói độc lập được nghe thấy và chỉ cho sử dụng một bộ sách giáo khoa lịch sử duy nhất trong học đường.
Thông cáo báo chí của Liên hiệp quốc tại Việt Nam dẫn lời bà Shaheed nhấn mạnh việc dạy lịch sử cần khuyến khích tư duy phê phán-phân tích-tranh luận, như khuyến nghị bà đã nêu trong báo cáo gần đây nhất trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng 8 năm nay.
Vẫn theo lời bà Shaheed, đã đến lúc những tiến bộ về xoá đói giảm nghèo và kinh tế của Việt Nam cần được bổ sung bằng việc tăng cường không gian cho dân tranh luận công khai và biểu đạt các tiếng nói đa dạng trên con đường phát triển đất nước.
Trong chuyến thăm 12 ngày, Báo cáo viên Đặc biệt Shaheed đã đặt chân tới Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Sa Pa, Đà Nẵng, Quảng Nam, và Lào Cai, gặp gỡ các thành phần trong xã hội dân sự và các giới chức nhà nước.
Bà Shaheed sẽ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc báo cáo đầy đủ về chuyến đi và những khuyến nghị đối với Hà Nội trong năm 2014.
Chuyến đi của bà Shaheed diễn ra 1 tuần sau khi Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hôm 12/11 giữa những chỉ trích mạnh mẽ của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế về hồ sơ nhân quyền xuống dốc của Hà Nội.
Trong số các nghệ sĩ đang bị Việt Nam cầm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ có trường hợp của hai nhạc sĩ được cộng đồng quốc tế lưu ý, Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình.
Rao bán cô dâu Việt trên báo Trung Quốc
Dịch vụ môi giới cô dâu Việt Nam cho đàn ông Trung Quốc ngày càng phát triển y như những năm trước rộ lên dịch lấy chồng Đài Loan, Nam Hàn. Quảng cáo trên mạng truyền thông xã hội của các tổ chức môi giới hôn nhân bên Trung Quốc, theo báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật, giống như những quảng cáo rao bán các món hàng.
Tuy hoạt động thành lập công ty môi giới hôn nhân “có yếu tố nước ngoài” bị nhà cầm quyền Trung Quốc ra lệnh cấm cản từ năm 1994, nhưng trên thực tế, người ta không hề thấy có vụ bắt giữ, truy tố nào từ đó đến nay. Trái lại chúng phát triển nhanh chóng theo đà phát triển của mạng Internet.
Dựa trên các con số điều tra do báo chí Trung Quốc nêu ra đưa ra, theo tờ Thanh Niên thì từ cuối năm 2008, số người làm nghề môi giới hôn nhân với cô dâu Việt mới chỉ 3 – 4 người, sống tại thành phố Nam Ninh (thuộc khu tự trị Quảng Tây Choang, phía nam Trung Quốc). Số cô dâu Việt Nam thời đó phần lớn đến từ phía Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội.
Nhưng từ tháng 3, tháng 4 năm 2010 trở đi, số cô dâu Việt chuyển hướng tập trung nhiều ở phía nam như Sài Gòn và các vùng lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Năm 2009, môi giới cô dâu Việt bắt đầu được quảng cáo trên mạng. Năm 2010, số đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam tìm vợ ngày càng nhiều. Hiện tại mỗi ngày có trung bình hơn 100 đàn ông Trung Quốc tới Việt Nam tìm vợ qua các công ty dịch vụ môi giới hôn nhân.
Ngày “Lễ Độc Thân” ở Trung quốc (ngày 11-11-2013) một trang mạng môi giới quảng cáo mời đàn ông sang Việt Nam “ngắm cô dâu khỏa thân” đã thu hút 20,000 lượt người xin ghi tên tham dự. Ký giả Lý Triết Vỹ của tờ Thanh Niên Bắc Kinh thuật lời một người của tổ chức môi giới cô dâu Việt ở Bắc Kinh cho hay các cô gái Việt đều ở độ tuổi dưới 25 và sống rải rác tại nhiều tỉnh.
“Khi có đoàn sang coi mắt, họ sẽ được thông báo tập hợp tại một thành phố. Lễ coi mắt sẽ diễn ra tại một tiệm ăn, hoặc quán cà phê nhằm tránh sự phát hiện của giới chức trách. Lệ phí phiên dịch và môi giới sẽ từ khoảng $300 – $500/lần, nếu môi giới thành công sẽ giao tiếp $2,000. Chi phí cưới trọn gói chỉ tốn 50,000 nhân dân tệ/cô dâu”. Số tiền 50,000 nhân dân tệ tương đương $8,212. Không thiếu những trang mạng ở Trung Quốc quảng cáo dịch vụ môi giới lấy vợ Việt “trẻ từ độ tuổi 18 – 26, đảm bảo trinh tiết; nếu trong vòng 1 năm, cô dâu bỏ chạy sẽ đền cho cô khác”.
Nhiều gia đình nông dân nghèo khổ đã đành lòng nhận những số tiền nhỏ để con gái lấy những người đàn ông Trung Quốc có khi đáng tuổi cha làm chồng qua màn đám cưới hình thức. Cũng giống như phần lớn những vụ lấy chồng Đài Loan, Nam Hàn, cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc thường đối diện với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Khác ngôn ngữ, phong tục, phần lớn chồng lại là những người nghèo, sống tại các vùng nông thôn. Tất cả đều phải lam lũ lao động, và nhiều khi phải chịu đựng bạo hành, ngược đãi. Chịu đựng không nổi, không ít cô dâu Việt đã tìm cách trốn chạy.
Thỉnh thoảng, nhà cầm quyền CSVN bắt giữ vài vụ xem mắt tập thể cô dâu Việt nhưng như những gì được tường thuật thực tế thì các vụ bắt giữ đó chỉ rất tượng trưng.
Thanh Hóa, đá lớn ầm ầm lao xuống nhà dân
Thời gian gần đây, tại khu vực núi Pọng, thuộc địa bàn bản Pọng, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa thường xuất hiện tình trạng đá lở khiến người dân bất an, lo lắng. Từng khối đá nặng hàng chục tấn ầm ầm lăn xuống khu dân cư, khiến những người dân hoảng sợ trước nguy cơ có thể bị đá đè bất cứ lúc nào.
Bản Pọng có 75 gia đình người dân với gần 300 người đa số là đồng bào dân tộc Thái, trong đó có hàng chục gia đình người dân sống ngay sát dưới chân núi. Theo dân chúng cho biết đá từ trên núi lăn xuống bắt đầu từ cuối tháng 10. Trước đó vào tháng 5/2013, tại ngọn núi này cũng xảy ra tình trạng sạt lở đá. Đá lăn xuống nằm ngay cạnh nhà dân, nhiều cây cối và một số công trình của người dân bị đá làm hư hỏng. Rất may chưa có thương vong về người. Tuy nhiên đã nhiều ngày qua, người dân nơi đây luôn sống trong nỗi lo đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều nhà dân đã phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới nhưng vẫn còn nhiều nhà ở dưới chân núi chưa được di dời. Rạng sáng ngày hôm 27/11 người dân đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, cả làng bỏ chạy toán loạn, đá rơi xuống ầm ầm, thời gian kéo dài khoảng hơn 20 phút. Khi tiếng động đã im hẳn, thanh niên trong bản mới chạy lại gần xem thì thấy những khối đá lớn rơi xuống làm hư hỏng một số bể nước, cây cối hoa màu của những gia đình người dân dưới chân núi.
Vì tiền “hoa hồng”, bác sĩ ưa đóng đinh, bắt ốc
Y giới chạy theo tiền, vứt bỏ y đức đang là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng tại Việt Nam và một phóng sự do tờ Phụ nữ TP.HCM thực hiện, làm người ta thêm nản lòng khi nghĩ tới y giới và y đức. Báo này kể nhiều câu chuyện cho thấy, tình trạng nhiều bệnh nhân được bác sĩ đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương không phải do cần thiết mà chỉ vì làm như thế thì bác sĩ sẽ được tặng “hoa hồng”.
Ngoài ra, các dụng cụ đặt vào cơ thể bệnh nhân có rất nhiều loại, giá cả rất khác nhau. Ngay cả ốc sản xuất ở châu Âu, tuy cùng mục tiêu sử dụng nhưng vì chất lượng khác nhau nên giá cũng khác nhau. Có loại chỉ 6 USD một con nhưng cũng có loại đến 60 USD một con. Giá trị của các loại dụng cụ được bác sĩ sử dụng càng lớn thì hoa hồng mà bác sĩ được chia càng nhiều. Đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân không chỉ gây tốn kém cho họ mà còn tạo ra nhiều nguy cơ, đe dọa sức khỏe của người bệnh.
Một bác sĩ tên là Vũ Viết Chính, làm việc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn, cho biết, sau khi đóng đinh, đặt nẹp, bắt ốc vào xương bệnh nhân, có một số trường hợp, buộc phải lấy ra hết vì nhiễm trùng, sinh hoạt cá nhân bị ảnh hưởng, xương không lành hay các dụng cụ đã đặt vào ảnh hưởng tới chuyện chụp cộng hưởng từ. Việc lấy đinh, nẹp, ốc, ra như thế khiến người bệnh mất máu, đau đớn, gãy thêm xương lành…