Thêm bé gái chết vì chích ngừa ‘5 trong 1’
Hơn hai tháng sau ngày mở lại đợt chích ngừa Quinvaxem “5 trong 1,” cái chết của một bé gái 5 tháng tuổi, tên Ngọc, ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu lại làm nóng lên dư luận lo âu về độ an toàn của loại thuốc chích ngừa này.
Theo VNExpress, sáng ngày 24 tháng 11, bé Ngọc được người nhà bế đến trạm y tế xã Hưng Phú để chích ngừa. Trong buổi này, còn có 17 bé khác, cũng được chích ngừa Quinvaxem “5 trong 1.”
Người nhà bé Ngọc cho biết, khi vừa về đến nhà, độ một tiếng đồng hồ sau, bé Ngọc bỗng lên cơn co giật toàn thân, không thở được, bị sùi bọt mép, tím cả người. Bé được đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển đến bệnh viện Phước Long nhưng không cứu được. Bệnh viện Phước Long xác nhận rằng bé Ngọc chết vì bị “sốc” thuốc chích ngừa.
Sáng ngày 25 tháng 11, cán bộ lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Bạc Liêu xác nhận bé Ngọc qua đời sau khi được chích ngừa mũi thuốc “5 trong 1” Quinvaxem. Mặt khác, Sở Y Tế tỉnh cho hay, đã ra lệnh niêm phong lô Quinvaxem tại trạm y tế Hưng Phú.
Ðây là cái chết thứ hai “bất thường” của trẻ kể từ đợt tái chích ngừa Quinvaxem “5 trong 1,” đầu tháng 10, 2013 vừa qua.
Loại thuốc chích ngừa 5 bệnh, gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi và Hib đã gây nhiều tranh cãi về độ an toàn vì làm trẻ “sốc” thuốc liên miên.
Với sự cam kết của một số nhà chuyên môn mới đây, hầu hết các cha mẹ của trẻ đều cố tự trấn an, đưa con đến các trạm y tế để được chích ngừa. Hàng trăm trẻ bị sốc thuốc tại các địa phương như huyện Cai Lậy, tỉnh Hải Phòng, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Thái Nguyên sau đó đã làm bùng lên nỗi lo sợ mới của người dân khi đưa con em đi chích ngừa đợt bắt đầu kể từ tháng 10 qua.
Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hôm 10 tháng 11, 2013, cái chết của một bé trai 3 tháng tuổi sau mũi chích ngừa Quinvaxem đã làm dư luận lên “cơn sốt.” Tuy nhiên, bệnh viện Quảng Trị – nơi trị bệnh cháu bé, nói rằng bé chết vì bị viêm phổi nặng đúng lúc được chích ngừa, chứ không phải vì bị sốc thuốc.
Tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cũng có một bé gái 10 tháng tuổi bị lên cơn co giật sau khi được chích ngừa, nhưng đã được điều trị kịp thời.
Có thể nói, cái chết của bé Ngọc ở tỉnh Bạc Liêu mới đây lại làm nóng lên dư luận lo sợ về độ an toàn của mũi chích ngừa Quinvaxem “5 trong 1.”
Đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương sẽ do tư nhân thu phí
Sau nhiều đợt sang nhượng bất thành, cuối cùng Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN cũng đã “đùn đẩy” trách nhiệm thu phí đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương cho một công ty tư nhân. Công ty Yên Khánh, đặt văn phòng tại Sài Gòn, đã trúng thầu cuộc đấu giá nhượng quyền thu phí đường cao tốc trong 5 năm.
Như vậy là kể từ ngày 1 tháng 1, 2014 tới đây, công ty Yên Khánh sẽ cắt đặt nhân viên đứng ra thu lệ phí tại 4 trạm nằm dọc trên đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương. Bốn trạm này gồm Chợ Ðệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa.
Theo VNExpress, công ty Yên Khánh sẽ phải nộp cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tổng cộng 2,004 tỉ đồng, tương đương 100 triệu đô, trong vòng 6 tháng, chia làm 3 đợt.
Được biết, việc thu phí đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương trong năm 2012 do công ty Cửu Long CIPM thực hiện, chỉ thu được 380 tỉ đồng, tương đương 19 triệu đô. Mặc dù thu không nhiều so với dự tính, công ty này đã phải chi 65 tỉ đồng, tương đương 3.2 triệu đô để sửa chữa, giặm vá con đường sớm bị hư hại.
Ðường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương dài 62km có 6 làn xe đã được xây dựng với tổng chi phí lên tới trên 9,000 tỉ đồng, tương đương 450 triệu đôla.
Theo dư luận, đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương đã giúp rút ngắn đoạn đường nối liền Sài Gòn và trung tâm tỉnh Tiền Giang, từ 90 phút xuống còn 30 phút. Tuy nhiên, giới tài xế cho rằng đây là con đường nguy hiểm vì xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ sau ngày được đưa vào hoạt động, 3 tháng 2, 2010. Hơn nữa, con đường cao tốc lại có nhiều đoạn cua gấp; độ nghiêng mặt đường không an toàn đã khiến nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra thời gian qua.
Mặt khác, mục đích “giảm tải” cho quốc lộ 1A của con đường cao tốc đã không đạt được vì lệ phí thu quá cao, theo nhận định của giới tài xế. Một phúc trình của Sở Giao Thông-Vận Tải Sài Gòn nói rằng trước khi thu phí, số xe hơi qua lại con đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương lên tới gần 30,000 chiếc. Tuy nhiên, khi bắt đầu thu phí thì số xe qua lại chỉ còn khoảng 18,800 chiếc. Giới tài xế, đặc biệt là người lái xe chở hàng, trở lại với quốc lộ 1A để khỏi phải đóng lệ phí mà họ cho là quá nặng.
Dư luận đang chờ xem liệu công ty tư nhân sẽ thu được 100 triệu đô lệ phí “mãi lộ” Sài Gòn-Trung Lương trong 6 tháng tới cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hay không.
Cà phê trộn bắp, đậu nành xuất hiện ở Quảng Ngãi
Một phúc trình của Chi Cục An Toàn-Vệ Sinh Thực Phẩm tỉnh Quảng Ngãi vừa được công bố cho biết, có đến 50% cà phê được sản xuất tại tỉnh này không phải là cà phê. Theo phúc trình này, có 4 trong tổng cộng 8 mẫu cà phê được xét nghiệm chứa không đến 1% caffeine. Có mẫu không chứa một tí cà phê nào, được người dân trong vùng gọi là “cà phê đểu.”
Theo bản phúc trình thì cả 4 mẫu cà phê “đểu” nói trên đều được làm bằng đậu nành, bắp rang cháy khét. Người sản xuất dùng hóa chất tạo mùi và màu, biến đậu nành, bắp rang thành… cà phê thơm ngon như thật để tung ra thị trường.
Được biết, nhân viên Chi Cục An Toàn-Vệ Sinh Thực Phẩm tỉnh Quảng Ngãi đã thu các mẫu cà phê nói trên từ các cơ sở của tỉnh nhà, đưa đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trong số trên, có một cơ sở sản xuất được đặt trong một ngôi nhà hoang ở xã Tịnh Ấn Tây, được coi là cơ sở sản xuất cà phê “đểu” đầu tiên bị khám phá tại tỉnh Quảng Ngãi.
Trong khi đó, theo dư luận, cà phê được làm bằng bắp rang, đậu nành, pha thêm cau, trộn lẫn với hóa chất, hương liệu… đã xuất hiện từ hàng chục năm nay tại Việt Nam. Mặc dù dư luận không ngớt lên án thái độ làm ăn gian dối, lừa đảo của một số cơ sở sản xuất và quán cà phê làm hại sức khỏe của người tiêu thụ, các cơ sở sản xuất cà phê “đểu” vẫn hoạt động bình thường, vì các cơ quan chức năng hầu như bó tay trước tình trạng này.
Còn các chủ quán cà phê bán cà phê “đểu” thì cho rằng cuộc cạnh tranh khốc liệt buộc họ phải hạ giá bán cà phê các loại, từ cà phê đá, cà phê đen… để câu khách. Ðể có thể làm được điều này, họ mua cà phê “đểu,” pha chế, để bán cho khách.
Trước đó, báo Lao Ðộng đã báo động về tình trạng cà phê “đểu” được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường, đặc biệt tại thủ phủ cà phê Việt Nam là tỉnh Ðắk Lắk. Một cuộc điều tra của Hội Bảo Vệ Người Tiêu Thụ ở tỉnh Ðắk Lắk từ năm 2011 cho thấy, có đến 73% cơ sở pha đậu nành; 46.7% cơ sở dùng bắp rang và 6.7% cơ sở dùng đậu đỏ pha vào cà phê bột để bán. Cuộc điều tra này dựa vào kết quả xét nghiệm 27 mẫu cà phê bột và cà phê hoà tan của 30 cơ sở sản xuất tại tỉnh Ðắk Lắk.