Kinh tế củ mài ăn xuông (phần 1)

- Quảng Cáo -

Kính thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài bình luận nhan đề “Kinh tế củ mài ăn xuông”. Bài của Ngô Nhân Dụng, đăng trên trang mạng của báo Người Việt ngày 22 tháng 11 vừa qua. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết

***************************

Mới đây đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra những bước cải tổ kinh tế mới của Trung Quốc. Qua đó người ta thấy, ông Tập Cận Bình đang cố thay đổi cơ chế để “thị trường hóa” nền kinh tế nhiều hơn. Còn ở Việt Nam thì sao?

Hãy nghe ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư nói chuyện ở Quốc hội vào cuối tháng Mười, năm 2013.

cu mai400x300
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh
- Quảng Cáo -

Ông Vinh tuyên bố rằng: “Việt Nam phải đổi mới, không đổi mới thì không tiến lên được. Tôi đã báo cáo trước chính phủ… Nhiều thứ lộn xộn, mệt mỏi lắm, nên tôi nói với các đồng chí là nếu chúng ta không đổi mới thì chúng sẽ chết thôi, chúng ta sẽ củ mài ăn xuông thôi.” Nghe ông Vinh nói, thấy là ở nước ta cũng có nhiều người đồng ý phải thay đổi cơ chế. Nhưng không làm được. Tại sao? Cũng ông Bùi Quang Vinh nói rằng: “Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà dốt thì làm sao có chính sách tốt được.”

Ông Bùi Quang Vinh đã thành khẩn khai báo với Quốc hội về công việc của ông kể từ khi lên làm bộ trưởng vào cuối năm 2011. Nói chung là bi đát. Ông cũng biết rằng: (xin trích) “Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế của chúng ta… Thể chế kinh tế ở đây là gì, là tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được, để cho mỗi một chủ thể kinh tế mang toàn bộ tài năng, tâm huyết của mình ra làm cho đất nước phát triển.” Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam chưa dám đổi mới như vậy. Chính ông Vinh thú nhận: “Nền kinh tế của chúng ta chưa thể thay đổi được. Gọi là tái cơ cấu nhưng đã làm được gì đâu mà tái cơ cấu, mới loe hoe thôi.” (hết trích)

Vì tình trạng “cải tổ loe hoe” như thế, cho nên ông Vinh cũng báo động: “Chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với các nước bên cạnh. Chúng ta còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây, bây giờ không dám so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia đâu, tôi đang lo rằng là (sẽ tụt hậu) cả với những nước Campuchia, Lào…”

Cơ chế kinh tế Việt Nam hiện vẫn bị đảng Cộng sản kìm hãm theo lối kinh tế chỉ huy từ thời chịu ảnh hưởng của Stalin và Mao Trạch Ðông; tức là “bao cấp.” Thí dụ, giá điện được bao cấp cho nên rẻ, chỉ bằng 70% giá trên thị trường thế giới.

Cho nên người nước ngoài không ai bỏ tiền đầu tư vào ngành điện. Nhưng ông Vinh cũng cho biết thêm: “những ngành như xi măng, thép nó nhảy vào ào ạt, không cản được,” . Tại sao vậy?: Vì các xí nghiệp này đều dùng điện trong công việc sản xuất. Họ kiếm được lời chính là vì họ được hưởng giá điện rẻ. Ông Vinh phân tích: “Nhà nước bù cho điện thì doanh nghiệp nước ngoài và trong nước lấy tất. Nhân dân không được gì, nhà nước thì mất đơn mất kép. Ông hỏi: “Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu?”

Và ông tự trả lời: “Hội đồng lý luận cứ tranh luận mãi, cứ muốn tìm ra mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cứ loay hoay mãi mà có tìm ra đâu.”

Làm bộ trưởng lo chuyện đầu tư, nhưng ông Vinh thú thật rằng số vốn đầu tư ở nước ta đang tụt dần, tụt dần. Vì nhà nước cạn tiền! Ông Vinh nói: “Ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng, chưa từng có.” Ông cho các con số. Trong những năm từ 2006 đến 2010, tổng chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 37% đến 40% của GDP .

Nhưng “năm 2013 chỉ còn 29,1% tổng đầu tư toàn xã hội, tức là mọi nguồn vốn huy động của dân, tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài chỉ có được như thế.” Không có tiền, cho nên, “Từ lúc ông Vinh lên làm  bộ trưởng,… toàn là đi chữa cháy cái cũ đang làm dở…” Ông Vinh nhậm chức đã được hai năm, mà chính phủ không có mục đầu tư nào mới cả. Trong khi đó những “dự án đầu tư từ những năm trước để lại thì suốt nhiệm kỳ của ông gánh vác cũng không hết.” Ông Vinh than thở như vậy.

Khi chính quyền Việt Nam không có tiền góp làm vốn, thì cũng mất luôn không hưởng được những món tiền do các nước khác giúp để đầu tư, gọi là ODA, cho vay với lãi suất rất thấp. Việt Nam không có tiền góp vốn đối ứng, khoảng hai đến ba phần mưới của tổng số vốn, thì sẽ không thể rút số tiền mà họ đã hứa cho! Hậu quả là có thể sẽ mất 16-17 tỷ đô la Mỹ, vi người ta cho mà không được dùng.

Ông Vinh hỏi: Mà đây là những công trình đầu tư nào? Trả lời: “Ðó là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long Thành… Những công trình khổng lồ.” Nếu chính phủ Việt Nam không thể góp 20%, 30% tiền vốn thì các công trình đó sẽ không được bắt đầu. Ông Vinh nói thêm: “Cả đất nước có mỗi cái đường Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 nói mãi mà không làm được.” Mà các con đường đó, “thật ra đến hôm nay phải xong rồi.”

 

Kính thưa quý thính giả, Bài nói chuyện của bộ trưởng bộ Kế hoạch và Ðầu tư trước quốc hội không chỉ nêu ra những cái dốt của bộ máy nhà nước CSVN trong việc xây dựng các chính sách như một vài điểm được nêu lên ở trên, mà còn đưa ra những mục tiêu tăng trưởng trời ơi đất hỡi, cốt chỉ để tiến hành cái gọi là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Đây là phần sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới, với phần hai bài bình luận “Kinh tế củ mài ăn xuông” của tác giả Ngô Nhân Dụng. Mời quý vị đón nghe.

 

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=177724&zoneid=7

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here