Sai sót nghiêm trọng của cuốn sách từ Bộ Ngoại giao CSVN
TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện vừa gửi một thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngưng phát hành cuốn sách mang tên “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì những sai sót nghiêm trọng của nội dung cuốn sách.
Theo tiến sĩ Diện thì cuốn sách này in bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa và bản gốc chữ Hán Nôm nữa. Sách được in 2.000 bản tại nhà xuất bản Tri Thức, phát hành quí hai năm 2013 và ghi rõ là sách không bán. Cuốn sách này do Ủy ban Biên giới Quốc gia chủ trì biên soạn mà người đứng ra chủ trì là ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm của Ủy ban này. Sách do nhà nước bỏ tiền để biên soạn, in ấn và chủ yếu là để biếu tặng trong các hoạt động đối ngoại, các sứ quán hoặc các đoàn ngoại giao.
Đây là cuốn sách quan trọng liên quan đến các văn bản Châu bản về thực thi quyền chủ quyền của Việt nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà những người làm cuốn sách này không hiểu thế nào là Châu bản, họ đã đưa một văn bản không phải là Châu bản vào trong cuốn sách này. Đó là tờ lệnh Lý Sơn, một văn bản không phải là Châu bản.
Châu bản là những văn bản mà trên đó phải có châu phê, tức là những lời phê của nhà vua, mà những lời phê này phải là những lời phê bằng mực son (mực đỏ).
Có một điều vô cùng nghiêm trọng ở ngay trang thứ hai trong lời giới thiệu của ban biên tập: “Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820 lấy hiệu là Minh Mạng”. Ở đây có 3 cái sai. Cái sai thứ nhất là Vua Gia Long không tạ thế năm 1819 mà là 1820. Cái sai nữa cũng rất nghiêm trọng đó là ai cũng biết vua Minh Mạng là con của Vua Gia Long chứ không là cháu nội. Cái sai thứ ba là “lấy hiệu là Minh Mệnh” mà đúng ra thì phải là lấy “niên hiệu là Minh Mệnh” vì hiệu là tên hiệu, ai cũng có thể có tên hiệu, còn niên hiệu thì chỉ có nhà vua mới có niên hiệu vì đó là niên hiệu cho triều đại trong thời gian trị vì của mình. Đây là một sai lầm không thể tưởng tượng được và không thể đổ cho lỗi đánh máy được.
Bên cạnh đó là đầy dẫy những lỗi cơ bản về dịch thuật, về văn phạm cũng như là các lỗi về in ấn. Vì vậy TS Nguyễn Xuân Diện cho rằng cuốn sách này không nên để cho lưu hành.
Nông dân Việt lại ‘mắc bẫy’ Trung Quốc mùa thanh long
Hàng trăm chiếc xe vận tải chở đầy trái thanh long hướng sang Trung Quốc đang bị “kẹt” tại cửa khẩu Tân Thanh.
Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận ước tính, sản lượng thanh long nằm chờ tại vùng biên giới lần này chiếm 90% sản lượng xuất cảng đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Các chủ trang trại sản xuất thanh long ở Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận, đang “méo mặt” vì nguy cơ thiệt hại nặng nề.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp hội Thanh long cho biết, hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng thanh long chất đống trên đoàn xe vận tải nằm chờ ở cửa khẩu biên giới. Theo ông Yên, thanh long bị ứ đọng tại biên giới vì các nhà nhập cảng Trung Quốc “không chịu nhận hàng.”
Lâu nay nhiều công ty xuất – nhập cảng Việt Nam chuộng phương thức bán hàng cho thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch vì không bị ràng buộc bởi thủ tục rườm rà, không bị ai kiểm soát, gây khó dễ. Công ty Trung Quốc cử thương lái của họ sang Việt Nam tìm nguồn hàng, thảo luận xong xuôi rồi rút về bên kia biên giới. Họ ở đó nói chờ công ty Việt chuyển hàng đến giao tại cửa khẩu. Tại đây, đôi bên giao – nhận hàng và tiền, “tiền trao cháo múc,” coi như hoàn tất hợp đồng, rồi đường ai nấy đi. Tuy nhiên, việc mua bán được thực hiện từ một hợp đồng “miệng,” nên khi thương lái Trung Quốc đột ngột từ chối nhận hàng, coi như công ty Việt Nam lãnh đủ hậu quả.
Có nhiều khi thương nhân Trung quốc dỡ thủ đoạn ép giá xuống thấp nhất buộc thương lái VN phải bán tháo bán đổ vì nếu không thì hàng hóa sẽ bị hư thối, như vụ dưa hấu,…trước đây.
Một phúc trình của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng cho biết, lượng hàng hóa xuất cảng qua đường tiểu ngạch chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất – nhập cảng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nơi thực hiện các thương vụ làm ăn “tiền trao cháo múc” chủ yếu ở các cửa khẩu: Ka Long, Móng Cái, Gia Vận, Tân Thanh và Hà Khẩu.
Thất nghiệp tại Việt Nam càng ngày càng nghiêm trọng
Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội – nơi có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp thì trong 9 tháng đầu 2013, mỗi tháng có khoảng 114.000 người ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy tính từ đầu năm đến nay đã có tới 1.026.000 người thất nghiệp trên cả nước ghi tên xin tiền thất nghiệp nhờ chỗ làm có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là chưa kể con số người thất nghiệp không có bảo hiểm thất nghiệp và không biết cầu cứu ở đâu.
Đáng lưu ý là vào lúc này, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang cạn vì nhiều doanh nghiệp không còn khả năng đóng góp. Tính đến tháng 8 năm nay, Qũy Bảo hiểm thất nghiệp đang bị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ 600 tỷ đồng. Trong đó nợ của chính quyền đối với qũy này là 303 tỷ đồng.
Số người thất nghiệp được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng do kinh tế tiếp tục suy thoái vì doanh nghiệp vẫn thi nhau cắt giảm nhân sự, đóng cửa ngưng hoạt động, hoặc khai phá sản.
Chế độ CSVN vẫn bị xem là thiếu quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lý do khiến vài năm qua, có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này phá sản. Phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại đã thu hẹp quy mô hoạt động thành “siêu nhỏ”. Tất cả những yếu tố này làm cho cơ hội về việc làm của thanh niên càng lúc càng mong manh.
Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho biết, giới thanh niên tuổi từ 15 đến 24 chiếm một nửa số người thất nghiệp tại Việt Nam. ILO khuyến cáo, Việt Nam nên khai mở tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cơ hội về việc làm với năng suất cao cho thanh niên. ILO còn nhắc nhở thêm rằng Việt Nam cần phải chú ý tới khu vực nông thôn, nơi cư trú của phần lớn thanh niên Việt Nam. Cũng như khuyên nhà cầm quyền CSVN cần đẩy mạnh tư vấn về việc làm, mở các khóa đào tạo về phát triển doanh nghiệp để yểm trợ thanh niên tự kinh doanh.
Tuy nhiên khó có khả năng chế độ sẽ lắng nghe những khuyến cáo của ILO. Vì mới đây tại Hội nghị TƯ 8 đảng CSVN vẫn khẳng định “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là chủ đạo. Sẽ tiếp tục dồn gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào việc duy trì sự tồn tại của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tổng công ty nhà nước. Dẫu cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, Bất chấp tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hàng loạt, khiến vấn nạn thất nghiệp càng lúc càng nghiêm trọng.
Dân phản đối chính quyền bằng cách treo biểu ngữ trên xe chạy rong
Sáng ngày 14.10.2013, một cư dân thành phố Mỹ Tho là ông Phạm Tấn Lộc đã treo biểu ngữ trên một chiếc xe hơi chạy vòng vòng các con đường thuộc thành phố Mỹ Tho, rồi đến trung tâm huyện Tân Phước, thuộc tỉnh Tiền Giang. Biểu ngữ mang nội dung phản đối ông chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phước cùng với một cán bộ Phòng công chứng số 3 của tỉnh Tiền Giang hành xử bất công đối với ông.
Theo báo Người Lao động, ông Nguyễn Tấn Lộc dính đến một vụ kiện tụng đòi nợ liên quan đến ba người khác nữa. Không đồng ý với việc làm của đơn vị thi hành án của thành phố Mỹ Tho, ông Lộc không biết làm sao hơn là gắn biểu ngữ chữ lớn trên xe hơi, chạy vòng vòng thành phố để … nhiều người đi đường đọc thấy.
Trước đó, ngày 8 tháng 10, tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Hai phụ nữ chống lệnh đốn cây trên lề đường bằng cách leo lên ngọn, “cố thủ” nhiều tiếng đồng hồ. Hai bà này được thân nhân đứng dưới đường ném bánh mì, chai nước lọc lên cho ăn, uống. Cuối cùng đoàn công tác, trong đó có công an phường Bồ Đề, đã phải chịu thua.
Theo dư luận, cuộc đối đầu giữa người dân và các cấp chính quyền Cộng sản Việt Nam ngày càng căng thẳng dưới nhiều hình thức. Người dân yếu thế dùng đủ hình thức để chống lệnh, từ việc leo cây, treo biểu ngữ, ủi xe vào công an giao thông… Mà vụ ông Đoàn Văn Vươn và gia đình chống lệnh cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đến các vụ chống lệnh giữ xe gắn máy, chống đốn cây, rồi nay đến vụ chống… lệnh thi hành án là những điển hình.