Theo tin từ trong nước thì vào ngày 19 /8 /2013 tại khu vực Tía – Thường Tín – Hà Nội có khoảng vài trăm người Trung Quốc đến giả danh mua lông gà lông vịt để thăm dò tình hình tin tức, đã bị công an Việt Nam càn quét, nên họ đã chuyển đi nơi khác không còn ở địa bàn này nữa.Thế nhưng người dân vẫn chưa an tâm, vì vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, có nguy cơ nhóm người Trung Quốc này sẽ quay trở lại, vì lực lượng an ninh làm việc rất hời hợt.
Cần nói thêm sở dĩ người dân có phản ứng này vì khu vực Tía – Thường Tín, nằm gần cạnh chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc, nên bà con rất lo sợ không biết những người Trung Quốc này có chủ tâm mang đĩa hay những loại vi trùng độc hại vào Việt Nam hay không, nếu không thận trọng có thể sẽ bị đại họa về dịch cúm H7N8.
Vì trong quá khứ Trung Quốc từng tung ra những chiêu như nuôi ốc bưu vàng, rùa tia đỏ, hay mua móng trâu, lỗ tai mèo, khiến đồng ruộng Việt Nam bị tan hoang, người dân thì khốn đốn.
Hàng loạt hãng café Việt Nam sập tiệm
Một bản phúc trình gần đây của Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam nói rằng trong số hơn 100 xí nghiệp, đại lý, gia đình kinh doanh tập trung phần lớn ở khu vực tây nguyên đã vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng. Riêng tại tỉnh Đắc Lắc, thủ phủ của kỹ nghệ trồng cà phê Việt Nam, đã có 43 xí nghiệp, đại lý kinh doanh xuất cảng cà phê phá sản vào năm ngoái. Gần đây, công ty Trường Ngân nổi tiếng về xuất cảng cà phê ở Bình Dương bị 7 ngân hàng siết nợ vì trễ hạn trả nợ các món vay lên hàng ngàn tỷ đồng.
Nợ nần ngập đầu, bỏ vốn đầu tư bừa bãi, lãi suất vay nợ cao, cách kinh doanh chụp giật đã đẩy hàng loạt xí nghiệp kinh doanh cà phê xuống hố.
Nhiều ngân hàng siết nợ hàng hóa bằng cách phong tỏa. Theo Bộ Nông Nghiệp, có khoảng 200,000 tấn cà phê tồn kho vì bị ngân hàng phong tỏa. Có hàng mà không được bán dẫn đến nguy cơ thua lỗ và sập tiệm thêm nhiều công ty nữa. Nền kỹ nghệ cà phê tại Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng lớn vì thiếu vốn kinh doanh, lãi suất quá cao, trung bình khoảng 17% một năm. Hiện tổng số nợ xấu và nguy cơ nợ xấu của toàn ngành cà phê Việt Nam khoảng 8,000 tỷ đồng, tương đương 40 triệu Mỹ kim.
23,000 ‘đầu mối’ CSVN có quyền ra luật
Theo thông tin và nhận định của ông Nguyễn Văn Cương, Viện phó Viện Khoa học pháp lý của Bộ Tư Pháp, tại hội thảo “Một số định hướng lớn xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, diễn ra hồi cuối tuần qua, thì Việt Nam hiện có khoảng 23,000 “đầu mối” được quyền ra các văn bản quy phạm pháp luật nên phẩm chất của các quy phạm pháp luật khó cao.
Sở dĩ Việt Nam có hàng chục ngàn “đầu mối” có quyền “đẻ” ra các văn bản quy phạm pháp luật như thế là vì mọi cơ quan từ trung ương đến phường/xã đều có quyền này, dẫu cho văn bản quy phạm pháp luật chính quyền cấp quận/huyện, phường/xã chủ yếu chỉ là nhắc lại văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.
Ông Lê Thành Long, thứ trưởng Bộ Tư Pháp, cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành đang bộc lộ nhiều hạn chế : Cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn, tính khả thi, ổn định chưa cao và nguyên nhân xuất phát từ những bất cập khi Việt Nam có tới hai hai đạo luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (một của trung ương, một của địa phương). Thời gian vừa qua, các cơ quan hành chính ở Việt Nam ban hành rất nhiều qui định bị dân chúng cho là “quái đản” và vì vậy, chính quyền liên tục bị dân chúng giễu cợt về trí tuệ.
Trước đây từng có quy định của Bộ Y Tế cấm phụ nữ “ngực lép” lái xe gắn máy. Người có bàn tay, bàn chân 6 ngón không được thi lấy bằng lái xe dù những ngón tay ngón chân bất bình thường không ảnh hưởng tới khả năng điều khiển xe của người ta. Nhắc lại một đề nghị của ngành y tế Việt Nam trong quá khứ về chuyện, yêu cầu vòng ngực phải bao nhiêu centimeter, chân phải dài bao nhiêu centimeter mới được lái xe hai bánh gắn máy, khiến dư luận nghi ngờ “tầm của các quan quá… lùn. Lùn đến độ đáng kinh ngạc”.
Ngoài chuyện phụ nữ trên 33 tuổi không được mang thai, thông tư của Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc cộng thêm hai điểm khi thi đại học cho những “bà mẹ anh hùng” và “tham gia cách mạng trước 1945” cũng bị giễu cợt vì “không có não”.
Cũng vì vậy, nhiều năm qua, rất nhiều qui định hoặc dự định của cơ quan hành chính các cấp tại Việt nam bị chỉ trích vì ngô nghê, bất khả thi phải hủy bỏ hoặc làm lơ không áp dụng. Tuy nhiên chưa có viên chức nào bị kỷ luật hoặc lên tiếng xin lỗi dân chúng vì đã soạn thảo hoặc ban hành những qui định kỳ quái như thế.
Ngân hàng tiếp tay với công ty lường gạt người dân thế chấp nhà cửa
Từ nhiều ngày qua, người dân huyện Yên Phong và Thị xã Từ Sơn Bắc Ninh đã kéo đến trước trụ sở Sacombank chi nhánh Bắc Ninh với biểu ngữ yêu cầu trả tài sản, đòi sổ đỏ tức giấy tờ nhà của họ. Những người dân thuộc 10 gia đình cho biết họ đã thế chấp 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sacombank để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Cổ phần Thép Hương Thịnh có trụ sở tại Cụm công nghiệp Hoàng Ninh xã Hoàng Ninh Việt Yên Bắc Giang tại ngân hàng này.
Sự việc xuất phát từ nhu cầu muốn vay vốn làm ăn nhưng vay cá nhân gặp khó khăn, họ được giới thiệu với công ty Thép Hương Thịnh. Dù không hề biết gì về công ty Hương Thịnh này, cũng không biết công ty hoạt động ra sao nhưng theo lời hứa hẹn giao sổ đỏ thì một tuần sau sẽ chuyển cho vay 1 tỷ đồng trong vòng 3 đến 5 năm với lãi suất ưu đãi. Sau đó chính cán bộ ngân hàng Sacombank Bắc Ninh đến làm việc và ký giấy tờ, nhưng sau một tuần rồi nhiều tháng, sổ đỏ đã giao, hợp đồng đã ký nhưng họ vẫn không nhận được đồng nào từ Công ty Hương Thịnh.
Chờ đợi, hỏi han ba tháng ròng rã không thấy kết quả, cả nhóm người tìm đến trụ sở Công ty Hương Thình tại Bắc Giang, mới vỡ lẽ khi thấy công ty trong tình trạng sản xuất đình đốn và kho thép, máy móc đã bị nhiều ngân hàng niêm phong để trừ nợ. Giám đốc công ty Hương Thịnh còn tiếp chuyện, hứa hẹn tạm ứng trước một phần tiền cho dân, nhưng sau đó người này trốn mất khi người dân đến gặp. Dân chúng làm đơn gửi đến Công an tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên sau nửa năm Công an lại trả lời là phải đưa ra tòa để giải quyết theo hướng dân sự. Có người vì uất ức quá đã qua đời, những người khác thì lún sâu vào nợ nần và không thể giải quyết.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập trận hỗn hợp
Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy 17/8/2013, báo Quân Sự Trung Quốc ngày Chủ Nhật 18/7/2013, loan một tin ngắn kèm theo 14 tấm hình cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải không nói đích xác cuộc tập trận mới diễn ra ở khu vực nào và ngày nào. Đây là một trong nhiều cuộc tập trận quy mô của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc, diễn ra từ đầu năm đến nay, khoe sức mạnh ăn trùm của lực lượng hải quân với các nước nhỏ phía nam. Các hình ảnh phổ biến trên mạng quân sự Trung Quốc cũng như Tân Hoa Xã cho thấy các chiến hạm khai hỏa, tàu cấp cứu, máy bay trực thăng nhộn nhịp hoạt động. Đài truyền hình CCTV cũng đưa tin ngắn với hình ảnh video clip nhưng cũng chỉ có những lời thông tin tổng quát.
Mới cuối tháng 7 vừa qua, cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải cùng tụ về tập trận quy mô chung trên Biển Đông, bắn hỏa tiễn, đạn thật, lộ rõ chủ đích bá quyền hiếu chiến của Bắc Kinh. Tầu ngầm, tàu khu trục thế hệ mới, máy bay chiến đấu được vận dụng cho cuộc tập trận này.
Theo phân tích của tiến sĩ J.M. Norton trên tạp chí The Diplomat ngày Chủ Nhật 18/8/2013, chiến lược của Bắc Kinh hiện nay khi liên tiếp mở các cuộc tập trận quy mô và tuần tiễu thách đố ở các khu vực tranh chấp chủ quyền là biểu dương sức mạnh quân sự để ép cho bằng được một kết quả chính trị theo ý họ muốn.
Hiện Trung Quốc đang bị Philippines kiện ở tòa án quốc tế, kiện vì chiếm và xâm phạm vào các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).
Dự trù vào cuối tháng này, các nước ASEAN sẽ họp với Bắc Kinh trong nhu cầu muốn đạt được thỏa thuận về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông để tránh xung đột võ trang. Phiên họp ở Thái Lan cấp ngoại trưởng mới đây cho hay các nước ASEAN đồng ý “nói tiếng nói chung” để thúc ép Bắc Kinh thảo luận sớm. Tuy nhiên, vẫn thấy họ tảng lờ.
Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, vẫn ngang nhiên tuyên bố ở Hà Nội ngày 5/8/2013 rằng Bắc Kinh không vội ký vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (tức CoC). Một số nước hy vọng nhanh chóng đạt được CoC. Các nước này đang kỳ vọng một cách thiếu thực tế’.