Học tư tưởng Hồ Chí Minh được miễn phí
Chính phủ CS Việt Nam vừa ra Nghị định số 74 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP cho phép miễn học phí đối với sinh viên chuyên ngành Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo đó, danh sách đối tượng được miễn học phí được bổ sung thêm sinh viên học chuyên ngành Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh; và học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Danh sách đối tượng được giảm 70% học phí được bổ sung thêm học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội.
Biện pháp miễn giảm học phí được đưa ra nhằm khuyến khích thanh niên theo học những môn ngành bị cho là “không thời thượng”, hoặc “ra trường khó tìm việc”.
Tuy nhiên, cho dù có miển giảm học phí, nhiều sinh viên – học sinh cũng không thèm lựa chọn các bộ môn nói trên. Đến nỗi ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Sài Gòn, cho hay: “Hàng năm chỉ tiêu của ngành triết học là 120, nhưng luôn phải tuyển thêm khoảng 40 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung…”.
Các môn truyền thống như ngành nhã nhạc ở các trường nghệ thuật cũng không có học sinh. Ngay cả tại các trường y, số lượng sinh viên vào các ngành lao, phong, tâm thần, giải phẫu, pháp y… cũng rất ít. Nguyên do là sinh viên cho rằng các ngành học nói trên không có tương lai, huống hồ nghành Mac-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hàng trăm công nhân TQ làm việc chui ở Quảng Nam
Theo báo Xa Lộ Pháp Luật thì Công trường thủy điện Sông Bung 4 (xã Pà Lứa, huyện Nam Giang, Quảng Nam) được nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) tiếp nhận thi công từ năm 2011. Nhà thầu này đã đưa 243 công nhân người Trung Quốc sang làm việc, mà phần lớn trong số đó chưa được đăng ký ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Thậm chí, trên công trường này ai cũng nói tiếng TQ, bởi vì không có mấy người Việt được thuê vào. Nhiều công nhân TQ còn đưa cả vợ từ TQ sang bám rễ ở công trường.
Ở đây, công nhân Trung Quốc ăn nghỉ và sinh hoạt theo từng tổ, mỗi căn hộ bốn giường tầng với tám người ở. Việc nấu ăn cũng do người Trung Quốc với 5 phụ nữ đảm trách, trong đó có cả vợ của một số công nhân được đưa sang phục vụ.
Báo XLPL ghi lời anh Lê Huy Khôi, chuyên viên kỹ thuật Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 nói rằng, trong bốn gói thầu chính của dự án có đến ba gói thầu do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Trong số 450 người đang có mặt ở dự án Sông Bung 4, có gần 300 người là Trung Quốc.
Theo ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho biết, trong 3 năm qua, tại thủy điện Sông Bung 4 xảy ra không dưới 40 vụ việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có nhiều vụ người TQ dùng hung khí tấn công công nhân Việt Nam, đến nỗi phải nhập viện.
Theo ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đến nay huyện cũng chỉ mới nắm “sơ sơ” được số ít người Trung Quốc trên địa bàn mình. Riêng số lượng công nhân Trung Quốc đang làm việc “bao nhiêu thì không biết”.
Khoảng thời gian 2 năm qua, theo ghi nhận từ công an thì có nhiều trường hợp chị em phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ bỗng dưng “mất tích”. Các cô bị đưa bán sang Trung Quốc mà phải chăng một số “mẹ mìn” là công nhân nằm trong những lao động “chui” nói trên.
Nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến nước
Thống kê mới đây của Bộ Y tế Việt Nam, 20% dân số Việt Nam đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Đây là nguy cơ có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến nước. Thậm chí theo UNICEF, tỷ lệ này còn cao hơn, ở mức 26,2%, tức cứ 4 người dân Việt Nam, có 1 người đang sống trong điều kiện không hợp vệ sinh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho báo chí biết, tại Việt Nam hiện nay một số dịch bệnh nguy hiểm lây truyền theo đường tiêu hóa mà nguyên nhân là do người dân tiếp xúc phải nguồn nước bẩn vẫn chưa được thống kê một cách triệt để. Thậm chí những bệnh dịch nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đặc biệt là bệnh tay chân miệng còn có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào. Tỷ lệ người bệnh tử vong luôn ở mức cao trong thời gian gần đây.
Ông John Anner, Chủ tịch Quỹ Đông Tây hội ngộ, một tổ chức phi chính phủ đã có hơn 15 năm thực hiện các dự án cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn miền Trung Việt Nam, cho biết:
Tại Việt Nam, việc tiếp cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Những bệnh có liên quan đến nước là nguyên nhân gây ra bệnh tật ở trẻ và người lớn, khiến trẻ không được đến trường do ốm đau, bị đi ngoài do uống nước không sạch. Phần lớn nước ở các vùng nông thôn Việt Nam bị ô nhiễm. Người dân lấy nước từ nguồn nước mặt, nước giếng đào nông. Phần lớn các nguồn nước này đều nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút…
Bà Sandra Bisin, Phụ trách đối ngoại của UNICEF tại Việt Nam cho biết: Vấn đề vệ sinh và các bệnh từ nước có thể coi là đang rất phổ biến với 44% trẻ em bị nhiễm giun kim, giun móc. Và đây chính là nhân tố chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Thống kê của tổ chức Y tế thế giới năm 2008 cho thấy có 20,000 người Việt Nam bị chết hàng năm do nguyên nhân từ nước ô nhiễm và mất vệ sinh.
Ngoài giun sán, một số các bệnh nguy hiểm khác từ nướccũng đang là nguy cơ đe dọa đối với người dân Việt Nam như tiêu chảy, tả, tay chân miệng. Đây là những bệnh dịch đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm trở lại đây.
Cưỡng chế đất: Dân không đầu hàng
Cách đây hai năm, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại làng Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khi bắt đầu được tiến hành đã bị dân làng Trịnh Nguyễn chống lại dự án với lý do là nhà máy đặt tại cánh đồng Lỗ Vó-Dạ Cá là quá gần khu dân cư, nhà máy sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của dân làng và con cháu họ. Cơ quan công quyền đã dùng sức mạnh để cưỡng chế, nhưng dân làng đã chống lại rất mạnh mẽ và lực lượng công quyền đã rút lui.
Người dân làng Trịnh Nguyễn đã đề nghị dời nhà máy đi xa hơn đến cánh đồng Khô, nhưng bên phía chính quyền cho đến nay vẫn không có ý kiến về đề nghị đó. Mặt khác vừa qua chính quyền có thông báo về việc xây một làng nghề ở cánh đồng Khô. Theo người dân thì chuyện đó là chỉ để lấy cớ để không chuyển nhà máy ra cánh đồng Khô mà thôi.
Theo báo Bắc Ninh cho biết là việc đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên về việc họp dân và đánh giá tác động môi trường, một người dân làng Trịnh Nguyễn cho biết rằng: Người trưởng thôn gọi là đại diện của dân ấy là cán bộ đâu phải do dân bầu lên, dự án cũng không có đại diện của Bộ tài nguyên và môi trường.
Và người dân này còn cho biết thêm là dân làng đã gởi hồ sơ khiếu nại lên đến chính phủ. Nhưng người đứng ra nhận hồ sơ của họ cũng không được Ủy ban nhân dân tỉnh hỏi ý kiến.
Ngày 13/8/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã họp để bàn về việc thúc đẩy tiến độ dự án này dưới sự chỉ đạo của ông chủ tịch Nguyễn Nhân Chiến. Ông Chiến được báo Bắc Ninh trích lời, nói rằng: Nếu trong thời gian tới các hộ dân vẫn tiếp tục không nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành cưỡng chế.
Khi được hỏi là sắp tới nếu cơ quan công quyền tiến hành cưỡng chế thì sao, người dân này trả lời: Chuyện nhà máy nước thải là phục vụ toàn dân thì chúng tôi đồng ý, nhưng nó liên quan đến sức khỏe của chúng tôi thì chúng tôi phải phản đối. Quyền lợi chính đáng của chúng tôi thì chúng tôi phải giữ. Bây giờ nếu họ cưỡng chế thì dân làng sẽ ra ngăn cản. Hai bên cứ cương quyết như thế thì sẽ có đổ máu thôi.